Quy mô nợ chính quyền địa phương ngày càng tăng

Dự kiến quy mô nợ vay của chính quyền địa phương ngày càng tăng, đặc biệt là các khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ do Chính phủ có chủ trương tăng dần việc cho vay lại và giảm cấp phát từ ngân sách cho các địa phương đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Trung tâm TPHCM nhìn từ khu Thủ Thiêm nơi đang có nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị - Ảnh: Văn Nam
Trung tâm TPHCM nhìn từ khu Thủ Thiêm nơi đang có nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị - Ảnh: Văn Nam

Theo một báo cáo gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội ngày 11-7 vừa qua, liên quan đến công tác quản lý nợ tại địa phương, UBND TPHCM cho biết thời gian tới, đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Chính phủ có chủ trương tăng dần việc cho vay lại và giảm cấp phát từ ngân sách nhà nước cho các địa phương.

Do đó, dự kiến quy mô nợ vay của chính quyền địa phương ngày càng tăng, đặc biệt các khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, đòi hỏi các địa phương phải tăng cường công tác quản lý nợ chủ động và hiệu quả, gắn liền với quản lý rủi ro và đảm bảo khả năng trả nợ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong công tác quản lý nợ, UBND thành phố kiến nghị Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội có ý kiến với Chính phủ và Bộ Tài chính hướng dẫn, quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tài chính địa phương là giúp UBND cấp tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về nợ của chính quyền địa phương.

TPHCM cũng kiến nghị tăng cường tập huấn khi ban hành các văn bản quy định về quản lý nợ, hướng dẫn địa phương nâng cao nghiệp vụ quản lý nợ (từ khâu lập kế hoạch, xây dựng cơ sở dữ liệu về nợ, đánh giá hiệu quả của khoản vay, dự báo dòng tiền, quản lý rủi ro và danh mục nợ…). Cần xây dựng chương trình, phần mềm quản lý nợ, tạo điều kiện thuận lợi để theo dõi, cập nhật số liệu vay, trả nợ, hệ thống cơ sở dữ liệu về nợ.

Số liệu báo cáo của UBND thành phố cho thấy riêng trong năm 2016, các khoản nợ vay đến hạn phải trả là 4.900 tỉ đồng (nợ gốc 3.641 tỉ đồng, lãi 1.259 tỉ đồng).

Tính chung, dự kiến đến cuối năm 2016 tổng dư nợ vay của TPHCM lên đến gần 21.200 tỉ đồng (tăng hơn 3.000 tỉ đồng so với con số 18.075 tỉ đồng tại thời điểm 1-1-2016). Trong đó, phần phát hành trái phiếu chính quyền địa phương gần 12.500 tỉ đồng, tạm ứng vốn nhàn rỗi Kho bạc Nhà nước 2.000 tỉ đồng và vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 6.700 tỉ đồng.

Theo thống kê của TPHCM, hiện nay các khoản vay của thành phố dành cho nhiều dự án lớn (đang trả nợ gốc hoặc chưa trả nợ gốc) như: dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2; dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 1, giai đoạn 2; dự án hệ thống đèn tín hiệu giao thông; dự án nâng cấp đô thị; dự án cải tạo nâng cấp hệ thống cấp thoát nước; dự án xây dựng đại lộ Đông-Tây; dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1…

Nhìn chung, thời gian qua nguồn vốn ODA đóng góp bình quân 10-30% trong tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giúp phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thành phố như đại lộ Đông-Tây, hầm vượt sông Sài Gòn, vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, cho vay ưu đãi đối với các hộ nghèo, thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.

Theo TBKTSG