Quốc hội Trung Quốc thông qua "Luật Biên giới trên bộ", Ấn Độ quan ngại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong lúc Trung Quốc và Ấn Độ căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc thông qua Luật Biên giới trên bộ, trao cho quân đội quyền lực lớn hơn để quản lý và bảo vệ đường biên giới bộ, Ấn Độ đã bày tỏ lo ngại.
Trung Quốc có đường biên giới trên bộ với 14 quốc gia, hiện còn duy nhất biên giới với Ấn Độ chưa được phân định (Ảnh: Toutiao).
Trung Quốc có đường biên giới trên bộ với 14 quốc gia, hiện còn duy nhất biên giới với Ấn Độ chưa được phân định (Ảnh: Toutiao).

Ngày 23/10, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua đạo luật mới mang tên Luật Biên giới trên bộ (Lục địa quốc giới pháp), có 7 chương và 62 điều. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc, một đạo luật chuyên biệt được xây dựng nhằm quy định cách thức quản lý và phòng vệ đường biên giới Trung Quốc trên đất liền dài 22.000 km tiếp giáp với 14 quốc gia láng giềng, vì vậy việc ban hành nó đã thu hút được nhiều sự chú ý.

Luật Biên giới trên bộ của Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 25/10, tại thời điểm hiện nay, Trung Quốc đang chú ý nhất đến các vấn đề bao gồm: an ninh tuyến biên giới của họ với Afghanistan do lực lượng Taliban kiểm soát, những người nhiễm coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) xâm nhập bất hợp pháp từ các nước láng giềng ở Đông Nam Á, đặc biệt là cuộc đối đầu căng thẳng với Ấn Độ trên biên giới chung giữa hai nước. Trong hơn một năm qua, các cuộc đụng độ quy mô nhỏ gây chết người đã xảy ra trên đường biên giới Trung - Ấn đang có tranh chấp giữa hai nước.

Truyền thông Ấn Độ viết về Luật Biên giới trên bộ của Trung Quốc (Ảnh: Sohu)

Truyền thông Ấn Độ viết về Luật Biên giới trên bộ của Trung Quốc (Ảnh: Sohu)

Theo truyền thông Trung Quốc, "Luật Biên giới trên bộ" đã làm rõ việc phân định biên giới quốc gia, quản lý biên giới và hợp tác quốc tế. Nội dung bao gồm quy định quân đội Trung Quốc (PLA) và cảnh sát vũ trang Trung Quốc phải triển khai các hoạt động tuần tra canh gác, kiểm soát, tổ chức diễn tập và do thám trinh sát ở biên giới; "kiên quyết phòng ngừa vi phạm, ngăn chặn và chiến đấu chống lại các hành vi xâm lược, lấn chiếm, xâm nhập, khiêu khích, v.v." ở biên giới, và "khi chiến tranh hoặc xung đột vũ trang xảy ra ở các khu vực xung quanh có thể ảnh hưởng đến an ninh và ổn định của việc phòng thủ biên giới đất nước, nhà nước có thể phong tỏa biên giới, đóng cửa các cửa khẩu".

Luật cũng trao quyền cho phép các nhân viên biên giới sử dụng vũ khí để đối phó với “những người nhập cảnh bất hợp pháp nhất định”.

Luật Biên giới trên bộ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, xác định rõ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là thiêng liêng, bất khả xâm phạm; nhà nước có thể thực hiện các biện pháp hữu hiệu để kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới trên bộ, Cũng sẽ thông qua đàm phán với các nước láng giềng trên bộ xử lý các vấn đề liên quan biên giới trên đất liền, đồng thời giải quyết hợp lý các tranh chấp và các vấn đề biên giới do lịch sử để lại. Luật này cũng yêu cầu nhà nước có quyền lực để phòng ngừa ngăn chặn và trừng trị mọi hành vi gây tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ và phá hủy biên giới đất liền. Các cơ quan liên quan có thể áp dụng các biện pháp hữu hiệu để tăng cường xây dựng phòng thủ biên giới.

Vấn đề các phần tử vũ trang người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi từ Afghanistan xâm nhập Tân Cương cũng là mối lo ngại của Trung Quốc (Ảnh: Sohu).

Vấn đề các phần tử vũ trang người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi từ Afghanistan xâm nhập Tân Cương cũng là mối lo ngại của Trung Quốc (Ảnh: Sohu).

Việc thông qua Luật Biên giới trên bộ được cho là có lợi cho việc xử lý kịp thời các hoạt động phòng thủ biên giới của Trung Quốc, tránh tình trạng bị động trong tranh chấp biên giới với một số nước do quy định của pháp luật trước đây chưa hoàn thiện.

Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, Luật biên giới trên bộ cũng nhấn mạnh rằng trong trường hợp xảy ra tranh chấp biên giới, cần hết sức nỗ lực ngoại giao trước khi sử dụng quân đội. Truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi luật này mang lại lợi ích cho người dân sống gần biên giới.

Reuters bình luận rằng luật này không nhất thiết sẽ thay đổi cách thức Trung Quốc xử lý an ninh biên giới, nhưng nó thể hiện sự tự tin của Trung Quốc vào khả năng quản lý biên giới.

Nikkei Asian Review chú ý đến việc luật này cũng quy định cho phép sử dụng vũ khí chống lại các phần tử hoạt động bạo lực nhập cảnh trái phép, và cấm sử dụng trái phép máy bay không người lái và máy bay mô hình gần biên giới, được coi là nhằm đối phó hiệu quả với những kẻ quấy rối biên giới.

Tháng 6/2020, lính hai bên Trung - Ấn đã xảy ra xung đột dữ dội ở Thung lũng Galwan (Ảnh: Dwnews).

Tháng 6/2020, lính hai bên Trung - Ấn đã xảy ra xung đột dữ dội ở Thung lũng Galwan (Ảnh: Dwnews).

Chính quyền Trung Quốc không chỉ lo lắng về quan hệ với Ấn Độ, mà còn lo ngại các phần tử Hồi giáo cực đoan vượt biên giới vào để hợp tác với những người dân tộc Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo ở Tân Cương. Theo Deutsche Welle, trong những năm gần đây, hàng chục nghìn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ được cho là đã bị chính quyền Trung Quốc cưỡng bức đưa vào các "trại cải tạo".

Đồng thời, các quan chức Trung Quốc lo ngại rằng những người nhập cư bất hợp pháp từ các nước Đông Nam Á sẽ mang theo SARS-CoV-2 vào Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc đã chứng kiến ​​sự gia tăng số ca nhiễm mới ở các tỉnh lân cận với các nước này.

Là đạo luật đầu tiên do Trung Quốc xây dựng để giải quyết những điểm nóng như vậy về vấn đề biên giới, truyền thông nước ngoài rất quan tâm, đặc biệt là Ấn Độ, quốc gia lâu nay có xích mích với Trung Quốc ở khu vực biên giới. Các cơ quan truyền thông Ấn Độ như Business Standard, India Today, Hindustan Times, The Hindu… đã đưa tin về luật biên giới mới của Trung Quốc.

Khu vực tranh chấp ở đoạn phía Đông, Trung Quốc đòi chủ quyền phần lãnh thổ rộng lớn (kẻ sọc) hiện thuộc bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ (Ảnh: Deutsche Welle).

Khu vực tranh chấp ở đoạn phía Đông, Trung Quốc đòi chủ quyền phần lãnh thổ rộng lớn (kẻ sọc) hiện thuộc bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo truyền thông Ấn Độ, Trung Quốc có 14 quốc gia láng giềng, trong đó có 12 quốc gia láng giềng trên đất liền đã có đường biên giới phân định với Trung Quốc, và ngày 14/10, Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ với Bhutan, hiện chỉ còn lại Ấn Độ là quốc gia duy nhất Trung Quốc chưa phân định biên giới trên bộ.

Theo Deutsche Welle, tổng chiều dài của biên giới Trung Quốc-Ấn Độ là gần 2.000 km, hiện hai bên đang có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực rộng 120.000 km vuông. Đường biên giới có tranh chấp lãnh thổ liên quan đến ba phần: đoạn phía tây (600 km), đoạn giữa (450 km) và đoạn phía đông (650 km). Vào tháng 5/2020, lính Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ ở phía bắc Sikkim (đoạn giữa). Đặc biệt, vào ngày 16/6/2020, lính Trung Quốc đụng độ với binh lính Ấn Độ ở Thung lũng sông Galwan của Ladakh (đoạn phía tây); phía Ấn Độ nói có 20 binh sĩ đã chết, Trung Quốc nhận chết 4 lính.

Ngày 10/10 vừa qua, các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn lần thứ 13 tại điểm gặp Moldu/Chushul ở bên phía Trung Quốc của Đường Kiểm soát thực tế (LAC). Nhưng cuối cùng, không đạt được thỏa thuận nào. sau cuộc họp, cả hai bên đã để trách nhiệm về sự tan vỡ của cuộc đàm phán cho phía bên kia.

Cuộc đàm phán lần thứ 13 cấp quân đoàn giữa chỉ huy hai bên không đạt kết quả, căng thẳng trên biên giới Trung - Ấn vẫn tiếp diễn (Ảnh: Dwnews).

Cuộc đàm phán lần thứ 13 cấp quân đoàn giữa chỉ huy hai bên không đạt kết quả, căng thẳng trên biên giới Trung - Ấn vẫn tiếp diễn (Ảnh: Dwnews).

Sau cuộc gặp, Ấn Độ tuyên bố rằng người chỉ huy quân Ấn Độ đã đưa ra những đề xuất mang tính xây dựng, nhưng đại diện Trung Quốc không đồng ý. Long Thiệu Hoa, người phát ngôn của quân đội phía Trung Quốc thì nói rằng phía Trung Quốc có thành ý muốn xoa dịu tình hình, nhưng phía Ấn Độ kiên quyết đề xuất những yêu cầu vô lý và không thực tế.

Truyền thông Ấn Độ Hindustan Times đưa tin cho rằng các biện pháp mới của Trung Quốc "chính thức kết hợp việc phòng thủ quân sự biên giới trên bộ của Trung Quốc với việc cải thiện phát triển kinh tế và xã hội ở các khu vực biên giới", đồng thời khiến các công dân sống ở khu vực biên giới, chẳng hạn như những dân làng người dân tộc Tạng sống ở ở các khu vực giáp ranh Ấn Độ, Bhutan, và và Nepal đóng vai trò là "tuyến phòng thủ đầu tiên".

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi hôm 27/10 đã bày tỏ quan ngại về Luật Biên giới trên bộ của Trung Quốc. Ông nhắc lại rằng tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết và cả hai bên đã đồng ý tìm kiếm một giải pháp công bằng, hợp lý và được cả hai bên chấp nhận thông qua tham vấn trên cơ sở đối đẳng (có đi có lại). Ông Arindam Bagchi tuyên bố rằng quyết định đơn phương lần này của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các thỏa thuận song phương hiện tại về quản lý biên giới giữa hai nước; bày tỏ không muốn Trung Quốc đơn phương áp dụng theo đạo luật này để thay đổi cục diện biên giới.