Biên giới Trung - Ấn nóng lên, hai bên khoe chuẩn bị vũ khí “lạnh” để cận chiến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thất bại của vòng đàm phán 13 cấp quân đoàn giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã làm trầm trọng thêm căng thẳng biên giới. Để đối phó với các cuộc tấn công và cận chiến, hai bên đã phát triển các vũ khí đặc biệt
Đinh ba điện và găng tay điện được chế tạo trang bị cho binh sĩ Ấn Độ ở biên giới đang tranh chấp với Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).
Đinh ba điện và găng tay điện được chế tạo trang bị cho binh sĩ Ấn Độ ở biên giới đang tranh chấp với Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Theo trang tin Dwnews (Đa Chiều) ngày 19/10, quân đội Ấn Độ đã phát triển một loạt vũ khí điện giật, được sử dụng để vô hiệu hóa tạm thời đối thủ trong cuộc xung đột bạo lực. Trong khi đó quân đội Trung Quốc cũng cho thấy đã trang bị trường đao, gậy sắt quấn dây thép gai, lang nha côn tự chế và huấn luyện võ thuật cận chiến.

Công tắc trên đinh ba điện trang bị cho lính biên phòng Ấn Độ (Ảnh: ANI).

Công tắc trên đinh ba điện trang bị cho lính biên phòng Ấn Độ (Ảnh: ANI).

Theo ​​các cơ quan truyền thông Ấn Độ, công ty tư nhân Ấn Độ Apasteron đã phát triển một loạt vũ khí gây điện giật "không gây chết người" theo yêu cầu của lực lượng an ninh Ấn Độ để tạm thời vô hiệu hóa đối thủ trong các cuộc xung đột bạo lực ở biên giới với Trung Quốc; những vũ khí phóng điện bao gồm đinh ba điện và găng tay điện. Các vũ khí này có thể được trang bị ở biên giới Trung-Ấn.

Các vũ khí điện giật được phát triển ở Ấn Độ bao gồm đinh ba điện và găng tay điện. Theo hình ảnh trên mạng, chiếc đinh ba điện giật có nút bấm trên tay cầm, khi hoạt động, chỉ cần bấm nút chiếc đinh ba sẽ tạo ra dòng điện, gây sát thương cho kẻ thù.

Găng tay điện trang bị cho lính biên phòng Ấn Độ (Ảnh: ANI).

Găng tay điện trang bị cho lính biên phòng Ấn Độ (Ảnh: ANI).

Một vũ khí điện khác là găng tay điện được sử dụng để vô hiệu hóa tạm thời đối thủ trong cuộc xung đột bạo lực.

Được biết, các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ đóng ở khu vực Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) đoạn phía Tây nơi đang là điểm nóng tranh chấp từ mùa Hè năm ngoái, đã tổ chức vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn lần thứ 13 tại điểm họp Muldo/Chushul bên phía Trung Quốc vào ngày 10/10. Ngày 11/10, Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố, chỉ ra rằng “sự kiên trì của Ấn Độ đối với các yêu cầu phi lý và phi thực tế đã làm tăng thêm khó khăn cho các cuộc đàm phán”.

Lính Trung Quốc được trang bị dao tự chế (Ảnh: Dwnews).

Lính Trung Quốc được trang bị dao tự chế (Ảnh: Dwnews).

Vào trước khi diễn ra vòng đàm phán lần thứ 13, xung đột ở biên giới Trung - Ấn lại xuất hiện. Vào ngày 28/9, khi khoảng 200 binh sĩ của PLA thuộc lực lượng biên phòng Trung Quốc đang tiến hành một cuộc tuần tra ở khu vực mà Trung Quốc gọi là “Dongzhang thuộc đất Trung Quốc”, thì bị phía Ấn Độ chặn lại vì cho rằng lính Trung Quốc đã xâm nhập vào lãnh thổ Ấn Độ.

Gậy sắt hàn đinh lính Trung Quốc sử dụng trong vụ xung đột tại Thung lũng Galwan tháng 6/2020 (Ảnh: Đông Phương).

Gậy sắt hàn đinh lính Trung Quốc sử dụng trong vụ xung đột tại Thung lũng Galwan tháng 6/2020 (Ảnh: Đông Phương).

Truyền thông Trung Quốc China Daily ngày 9/10 đưa tin khu vực Dongzhang là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, và việc lực lượng biên phòng Trung Quốc tổ chức tuần tra trên lãnh thổ của họ là hoàn toàn hợp lý và hợp pháp. Phía Ấn Độ cố tình khiêu khích trước, xuyên tạc, gây mất uy tín và vi phạm nghiêm trọng hiệp định song phương, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ.

Thật trùng hợp, theo Dwnews, PLA gần đây cũng đã công bố hình ảnh những người lính tay cầm trường đao tự chế và mang ống phóng tên lửa trên lưng. Trước đó, các quan chức cũng đã công bố hình ảnh các binh sĩ biên phòng tham gia huấn luyện cận chiến.

Lang nha côn tự chế lính Trung Quốc sử dụng trong vụ xung đột tại Thung lũng Galwan tháng 6/2020 (Ảnh: Đông Phương).

Lang nha côn tự chế lính Trung Quốc sử dụng trong vụ xung đột tại Thung lũng Galwan tháng 6/2020 (Ảnh: Đông Phương).

Vào tháng 6/2020, Trung Quốc và Ấn Độ nổ ra cuộc xung đột tồi tệ nhất trong 45 năm tại khu vực Thung lũng Galwan. Quân đội hai bên đã giao tranh tay đôi ở cự ly gần với gậy sắt, đá cục, dao kiếm...khiến 4 người chết và 1 người bị thương ở phía Trung Quốc; ít nhất 20 người bên phía Ấn Độ thiệt mạng.

Sau đó đã xảy ra thêm các vụ xô xát lẻ tẻ khác ở khu vực hồ Pangong, lính Trung Quốc đã đánh bật binh sĩ Ấn Độ khỏi một số điểm cao họ đang kiểm soát. Tuy nhiên, hai bên đều kiềm chế không nổ súng, vũ khí sử dụng khi giao chiến vẫn chỉ là gậy gộc, đá, dao, chùy sắt...

Lính Trung Quốc tấn công chiếm điểm cao ở phía Nam hồ Pangong năm 2020 (Ảnh: Dwnews).

Lính Trung Quốc tấn công chiếm điểm cao ở phía Nam hồ Pangong năm 2020 (Ảnh: Dwnews).

Với việc truyền thông hai bên đều công khai đăng hình ảnh binh sĩ với các vũ khí “lạnh”, e rằng tới đây xung đột giữa hai bên ở biên giới có thể sẽ tái diễn.