Quan hệ Mỹ - Trung: Tuy vẫn hợp tác nhưng sự nghi kỵ chiến lược đã tăng lên rất nhiều
Quan hệ Mỹ - Trung: Tuy vẫn hợp tác nhưng sự nghi kỵ chiến lược đã tăng lên rất nhiều

E-magazine Quan hệ Mỹ - Trung: Vẫn hợp tác nhưng sự nghi kỵ chiến lược đã tăng lên rất nhiều

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  “Quan hệ Trung – Mỹ hiện nay, tuy vẫn có sự hợp tác nhưng sự nghi kỵ chiến lược đã tăng lên rất nhiều. Trong bối cảnh đó, những vấn đề liên quan đến Đài Loan càng làm cho sự nghi kỵ ấy cao hơn nữa".

Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao đã chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi với VietTimes.

- PV VietTimes: Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi tới thăm Đài Loan vừa qua?

- Ông Phạm Quang Vinh: Đó là thời khắc kịch tính, với nhiều phán đoán quan ngại. Trung Quốc coi chuyến đi là rất nghiêm trọng, vì bà Pelosi là người kế vị Tổng thống Mỹ hàng thứ hai. Theo đó, Bắc Kinh đã liên tục cảnh báo “đừng đùa với lửa sẽ bị thiêu cháy”.

Còn Mỹ thì nói là bình thường, vì vốn đã có tiền lệ và không làm thay đổi chính sách một Trung Quốc. Tổng thống Biden còn tiết lộ “phía quân đội Mỹ cho rằng chuyến đi lúc này là không hay” cũng có cả hàm ý rằng Chính quyền khác với Quốc hội và với cá nhân bà Pelosi.

Cuối cùng bà Nancy Pelosi - Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ - vẫn đã đặt chân đến Đài Loan và kết thúc chuyến đi kéo dài chưa đầy 24 giờ một cách an toàn.

Đương nhiên, Trung Quốc đã phản ứng hết sức mạnh mẽ, bao gồm cả các cuộc tập trận bắn đạn thật, được truyền thông quốc tế coi là với qui mô “chưa từng có”. Trung Quốc ngưng nhập khẩu một loạt mặt hàng của Đài Loan, đồng thời tuyên bố ngừng hợp tác với Mỹ trên 8 lĩnh vực, trong đó có biến đổi khí hậu và đối thoại quân sự.

Còn Mỹ lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh vì những hành động “khiêu khích” và "vô trách nhiệm”, nhất là trước việc Trung Quốc bao vây và tập trận quy mô lớn nhắm vào Đài Loan. Cùng lúc, Đài Loan cảnh báo quân đội ở mức cao, còn Mỹ tiếp tục giữ nhóm tàu sân bay tại khu vực này.

Mặc dù vậy, các bên cũng vẫn tỏ ra có sự kiềm chế, ngay từ đầu, nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng chưa thể xảy ra chiến tranh hay xung đột nóng, ít nhất là vào thời điểm này.

Sự việc xảy ra như là một phép thử đối với quan hệ Mỹ - Trung - Đài vốn đã rất phức tạp.

Dường như Trung Quốc cũng nhân cớ này biểu dương sức mạnh và răn đe về vấn đề Đài Loan, bao gồm cả với nội bộ hòn đảo này, cũng như với Mỹ và các nước liên quan khác. Cách thức phản ứng và các cuộc tập trận của Trung Quốc được cho là đã tạo ra một thực trạng mới xung quanh eo biển Đài Loan, bao gồm cả việc máy bay, tàu chiến vượt qua đường trung tuyến eo biển, tên lửa bắn qua lãnh thổ Đài Loan, có những tên lửa rơi cả xuống vùng biển của Nhật bản, cùng việc cảnh báo các tàu bè, máy bay dân sự không đi qua khu vực tập trận trong nhiều ngày.

Ngắn gọn thì chuyến đi một mặt có phần cá nhân của bà Pelosi, vừa muốn để dấu ấn riêng vừa để tranh thủ phiếu, dịp bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. Nhưng ở góc độ khác, tổng quan hơn, đó như giọt nước tràn ly, làm bật tung các góc vốn rất phức tạp giữa hai cường quốc và sẽ để lại những hệ lụy chiến lược không hề nhỏ trong quan hệ Mỹ- Trung Quốc và về vấn đề Đài Loan trong thời gian tới.

- Thưa ông, như vừa nói, sẽ chưa xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, ít nhất là trong một tương lai gần, nhưng liệu chuyến đi của bà Nancy Pelosi tới Đài Loan có làm cho Trung Quốc tức giận và chuẩn bị cho xung đột quân sự?

- Rõ ràng Trung Quốc đã phản ứng rất mạnh. Cuộc khủng hoảng vừa rồi sẽ có hệ lụy nhiều chiều với các bên. Trước hết, nó càng làm gia tăng căng thẳng và sự nghi kị giữa các bên trong vấn đề Đài Loan, cùng với những cách nhìn và tính toán khác nhau trong câu chuyện chính sách một Trung Quốc, vốn đã phức tạp từ thời Mỹ - Trung Quốc thiết lập quan hệ.

Trong khi Trung Quốc quan ngại về sự sói mòn đối với chính sách một Trung Quốc, thì Mỹ và Đài Loan lại nghi ngờ Trung Quốc có thể đơn phương thay đổi hiện trạng, sau sự kiện Hồng Kông và các tuyên bố ngày càng mạnh mẽ hơn về vấn đề tái thống nhất hòn đảo này.

Trung Quốc sẽ càng phải tỏ ra kiên quyết trong vấn đề trên. Trung Quốc đã tuyên bố các cuộc tập trận như vừa qua sẽ trở thành thường xuyên hơn và cũng vừa ban hành tài liệu mới cập nhật về quyết tâm tái thống nhất Đài Loan. Còn Đài Loan đã bác bỏ quan điểm tái thống nhất này, sắp tới cũng sẽ phải đề phòng và tăng cường hơn nữa tiềm lực các mặt, nhất là về quốc phòng.

Vấn đề, vì vậy, sẽ càng phức tạp hơn. Tuy trước mắt, các bên sẽ tránh đơn phương phá bỏ hiện trạng và sẽ tiếp tục duy trì điều mà người ta vẫn gọi là “sự mập mờ chiến lược” về vấn đề Đài Loan. Sẽ chưa bên nào có lợi nếu xung đột xảy ra.

Hãy điểm lại một số động thái của các bên trong sự việc vừa qua.

Dù chỉ trích nhau kịch liệt, nhưng cả Mỹ, Trung, Đài đều tỏ ra có kiểm soát. Mỹ tìm cách hạ thấp ý nghĩa chuyến đi, coi là đã có tiền lệ (Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich thăm Đài Loan năm 1997), tái khẳng định chính sách một Trung Quốc, không ủng hộ Đài Loan độc lập. Mặt khác, Mỹ bày tỏ hai bên Mỹ - Trung Quốc tiếp tục các cuộc đối thoại và quản trị quan hệ.

Phía Trung Quốc phản ứng mạnh, nhưng là có kiểm soát. Trung Quốc cảnh báo, nhưng cũng không làm phương hại đến an toàn bay của chuyến bay của bà Pelosi, trong khi chuyến bay này chuyển hướng bay qua phía đông Philippines, tránh hướng biển Đông. Trung Quốc cũng công bố lịch tập trận chỉ bắt đầu (từ 4-7/8) sau khi bà Pelosi đã rời Đài Loan (3/8). Trong thời gian này, theo người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, hai bên vẫn tiếp tục giữ liên lạc, bao gồm cả các cảnh báo rủi ro và thông tin về lập trường của mỗi bên.

- Đài Loan luôn là “vấn đề cộm nhất” trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Vậy, thực chất của vấn đề này là gì, theo ông?

- Như đã nêu ở trên, vấn đề vốn đã phức tạp, do cách nhìn khác nhau về vấn đề Đài Loan và chính sách một Trung Quốc, lại càng phức tạp trong bối cảnh cạnh cạnh tranh giữa hai cường quốc, cùng sự nghi ngờ và thiếu hụt lòng tin chiến lược ngày càng gia tăng giữa các bên. Trước đây, cũng đã xảy ra khủng hoảng và sự việc diễn ra vừa rồi càng làm gia tăng thêm căng thẳng và phức tạp xoay quanh vấn đề này.

Nhân đây, cũng cần chú ý tới ba cặp quan hệ chính, bao gồm: Mỹ - Trung, Mỹ -Trung - Đài và Trung - Đài. Ba cặp quan hệ này có điểm khác biệt nhưng lại rất tương tác qua lại với nhau.

Thứ nhất, về cặp Mỹ - Trung, đây là mối quan hệ cạnh tranh chiến lược và quản trị cạnh tranh, liên quan nhiều đến ngôi vị và trật tự thế giới.

Thứ hai, tam giác Mỹ - Trung - Đài, là cặp quan hệ gắn với việc giữ nguyên trạng, đã và đang cọ xát, mỗi bên tìm cách làm thế nào có lợi nhất cho mình, thậm chí bên này tìm cách lấn lướt bên kia. Tuy nhiên, hiện trạng của cặp này cơ bản vẫn ở đang thế giằng co, nhưng luôn để phòng lẫn nhau do nghi kị chiến lược gia tăng.

Thứ ba, là về Trung - Đài, đây là cặp quan hệ có những yếu tố đặc thù, phức tạp riêng, cũng là cặp quan hệ bất đối xứng nhất. Trong quan điểm của mình, Đài Loan luôn có nỗi lo về Trung Quốc, với thế mạnh của mình, có thể đơn phương thay đổi qui chế hiện nay. Sự chuyển đổi trong nội bộ Đài Loan về sự nghi ngại đối với Trung Quốc cũng tăng lên. Điều này càng làm cho sự nghi kị giữa các bên càng gia tăng, theo đó, phía Trung Quốc thì cảnh báo và răn đe, còn phía Đài Loan thì lại càng cần phòng bị và gia tăng quan hệ với Mỹ. Đây là cặp quan hệ có thể có nhiều rủi ro và cần được đánh giá sâu thêm, trong khi hai cặp quan hệ còn lại về cơ bản có cạnh tranh nhưng vẫn có quản trị. Chuyến đi của bà Pelosi và phản ứng mạnh của Trung Quốc cũng báo hiệu câu chuyện quan hệ giữa hai bờ eo biển sẽ càng thêm ra phức tạp.

Với các diễn biến vừa qua, vấn đề Đài Loan vốn được xem là câu chuyện nổi cộm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung, lại càng phức tạp hơn. Đồng thời, diễn biến tình hình cũng hàm chứa những phức tạp mới đối với các khu vực khác, trong đó có Đông Nam Á và biển Đông, hay rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

- Nếu chuyến đi của bà Pelosi, về cơ bản, như Mỹ nói là không làm thay đổi lập trường về vấn đề Đài Loan, và cũng đã có tiền lệ, nhưng tại sao lần này Trung Quốc lại phản ứng dữ dội như vậy?

- Cũng cần tổng hợp nhìn lại. Tình hình đã có nhiều thay đổi trong các thập kỷ qua, bao gồm cả về ba cặp quan hệ vừa nêu.

Xin đơn cử, Trung Quốc đã mạnh lên rất nhiều, quan hệ Mỹ - Trung Quốc là cạnh tranh chiến lược, Trung Quốc cũng thể hiện sự quyết đoán hơn với tư cách cường quốc và trong các vấn đề như về Đài Loan.

Còn Đài Loan cũng đã tồn tại với tư cách một lãnh thổ trong mấy thập kỷ, vừa chuyển đổi dân chủ vừa phát triển kinh tế mạnh mẽ, và gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả với Trung Quốc và Mỹ.

Trong bối cảnh đó, sự nghi kị chiến lược không chỉ hàm ý rằng phía Mỹ hay Đài Loan lo ngại Trung Quốc thay đổi hiện trạng, mà còn cả lo ngại ngược lại từ phía Trung Quốc, về nguy cơ Đài Loan tách khỏi Trung Quốc. Càng phức tạp hơn, khi Mỹ - Trung Quốc gia tăng cạnh tranh. Mặt khác, một Trung Quốc giờ đã lớn mạnh, cũng sẽ phản ứng khác trước.

Trung Quốc đứng trước thách thức kép, vừa đặt mục tiêu tái thống nhất Đài Loan sớm, vừa lo ngại không dễ đạt được điều này thông qua thương lượng hoà bình. Một thực tế là, sau nhiều thập kỷ, dù các bên vẫn nói đến nguyên trạng và chính sách một Trung Quốc, nhưng sự nghi kị và khoảng cách giữa các bên ngày càng gia tăng.

Sự việc vừa qua cần đặt trong bối cảnh mới này, khi xem xét phản ứng của các bên, bao gồm cả Trung Quốc. Có lẽ có mấy lý do sau:

Thứ nhất, khác với 25 năm trước, Trung Quốc phản ứng mạnh, thể hiện thế và lực mới của Trung Quốc. Khi đã mạnh lên, Trung Quốc vừa muốn răn đe, vừa áp đặt cuộc chơi, vừa ngăn chặn những rủi ro liên quan đến Đài Loan.

Thứ hai, việc làm căng lên cũng là thông điệp với Mỹ và các nước khác. Trung Quốc sẽ quyết liệt hơn trong tách Mỹ và đồng minh với Đài Loan, tập trung vào răn đe Đài Loan, trong khi vừa cạnh tranh, nhưng cũng vừa có nhu cầu giữ quan hệ với Mỹ. Với các nước khác, Trung Quốc biết rõ các nước không muốn bị đặt vào thế kẹt chọn bên, nên sẽ qua việc này, càng thúc ép việc các nước công nhận “một Trung Quốc” theo cách của mình, vừa nhấn nguyên cớ căng thẳng là từ phía Mỹ, tách Mỹ với khu vực.

Thứ ba, các cuộc tập trận của Trung Quốc được xem là một cách để Trung Quốc diễn tập thực binh cho một tình huống tương lai liên quan đến eo biển Đài Loan. Điều này có vẻ báo hiệu Trung Quốc sẽ huy động lực lượng nhiều mặt, để phong tỏa về quân sự, bao vây về kinh tế và cô lập về chính trị đối với Đài Loan, trước khi phải có hành động quân sự nhiều rủi ro.

Cuối cùng, cũng luôn có vấn đề đối nội. Dư luận trong nước, khi vấn đề chuyến thăm được nhìn nhận bởi phía Trung Quốc là rất nghiêm trọng, thì cũng cần phải có mức phản ứng tương xứng, theo như cách Trung Quốc đã cảnh báo “đừng đùa với lửa”.

Và từ nay trở đi, Trung Quốc chắc chắn sẽ nhìn nhận và ứng xử khác về các vấn đề liên quan đến câu chuyện Đài Loan. Phản ứng sẽ căng hơn so với trước, để thể hiện lập trường quyết đoán và mạnh hơn từ phía Trung Quốc.

Mặc dù vậy, điều đáng chú ý thêm ở đây, là Trung Quốc tỏ ra rất chủ động về phản ứng mạnh nhưng có kiểm soát. Dường như hai mặt này đã được tính toán kỹ. Phản ứng mạnh, nhưng tách hai chuyện với Mỹ và Đài Loan, tập trung vào răn đe Đài Loan, tạo ra thực trạng mới nhưng cũng dừng ở mức tránh xung đột nóng.

Đơn giản nhất khác trước ở chỗ: Mỗi chuyến đi sắp tới đến Đài Loan, của Mỹ hay các nước khác, đều sẽ vấp phải sự soi xét và phản ứng mạnh từ Trung Quốc.

- Vậy với Đài Loan, Đài Loan họ thừa biết rằng chuyến đi của bà Pelosi sẽ là cớ để Trung Quốc gia tăng sức ép với họ cả về kinh tế, chính trị và quân sự. Nhưng vì sao Đài Loan lại vẫn mời bà Nancy Pelosi tới thăm như vậy?

Đây chắc cũng là thắc mắc chung lớn nhất. Đài Loan là bên trong cuộc, mọi biến động căng thẳng, họ cũng sẽ là bên chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Và lần này cũng vậy, tứ bề đều khó. Như vậy việc đón này không phải là quyết định dễ dàng. Cũng chỉ xin nêu một số dự đoán để tham khảo.

Trước hết, trong mọi trường hợp, Đài Loan là bên cần nhất trong việc duy trì tình thế nguyên trạng. Điều này bao gồm cả đón các chuyến thăm, nhất là đã có thông lệ và tiền lệ, với tư cách là một thực thể lãnh thổ, những chuyến thăm được xem là không mang tính công nhận chính trị. Điều này với Đài Loan chắc càng cần, một khi Trung Quốc muốn loại bỏ hoàn toàn, theo cách tiếp cận mới.

Thứ hai, tại Đài Loan cũng có các khuynh hướng khác nhau xoay quanh chính sách một Trung Quốc, có đảng lên cầm quyền thấy Trung Quốc gần hơn, hoặc thách thức hơn, dù vẫn chung quan điểm là việc thống nhất hai bờ eo biển phải qua thương lượng hoà bình, một quá trình không dễ dàng.

Thứ ba, một khi nhìn nhận mặt thách thức gia tăng trong quan hệ với Trung Quốc, Đài Loan sẽ phải củng cố chỗ dựa, sự ủng hộ đối với mình, trong khi ngày càng bị cô lập về chính trị, ngoại giao. Mỹ là một bên tham gia các thông cáo Thượng Hải, cũng là nước duy nhất có các bảo đảm bằng luật đối với Đài Loan, kể cả về cung cấp quốc phòng. Đón lần này, không chỉ để giữ thông lệ, mà còn là củng cố sự ủng hộ này.

Cuối cùng, Đài Loan cũng phải thể hiện sự kiềm chế, tránh đẩy nguy cơ gia tăng căng thẳng, xung đột. Đài Loan không phát biểu nhiều về chuyến thăm, khi Trung Quốc tập trận bắn đạn thật, kể cả bắn tên lửa qua lãnh thổ, Đài Loan đặt quân đội trong tình trạng cảnh báo cao, nhưng chủ yếu theo dõi, đề phòng và rất kiềm chế trong hoạt động.

Như vậy, đằng sau vấn đề này vẫn là sự khác biệt giữa các bên về điều được gọi “nguyên trạng” và chính sách “một Trung Quốc”.

Phía Trung Quốc coi việc thống nhất Đài Loan là tất yếu và là nội bộ của Trung Quốc. Trong khi Mỹ và Đài Loan cho rằng việc này phải thông qua thương lượng hoà bình giữa hai bờ eo biển.

Đi cùng với đó là sự nghi kị về các tính toán, hành động của bên này, bên kia, tìm cách lấn tới hoặc làm phương hại đến lợi ích của mình. Mỹ và Đài Loan nói Trung Quốc muốn đơn phương thay đổi nguyên trạng, còn Trung Quốc nghi ngại Mỹ tìm cách tách Đài Loan ra.

- Theo ông thì mối quan hệ Mỹ - Trung tới đây sẽ như thế nào: “căng thẳng”, “rất căng thẳng” hay “đặc biệt căng thẳng”?

Quan hệ Mỹ - Trung đã chuyển sang giai đoạn cạnh tranh chiến lược từ lâu và trước khi có chuyến thăm lần này.

Cục diện cạnh tranh đi cùng quản trị cạnh tranh, vẫn là lợi ích của hai bên và sẽ vẫn tiếp tục, dù trước mắt sẽ có nhiều phức tạp hơn.

Hiện vẫn có nhiều khả năng diễn biến trong cục diện chung này, không chỉ vì chuyến thăm, mà quan trọng hơn là cả hai phía Mỹ và Trung Quốc đều đang phải cân nhắc và tính toán hướng đi chiến lược của mối quan hệ này.

Trong hơn một năm rưỡi qua, chính quyền Tổng thống Biden một mặt cụ thế hoá hơn các ưu tiên và nội hàm cạnh tranh chiến lược, nhưng mặt khác cả hai bên cũng rất chú ý đến quản trị cạnh tranh, tránh xung đột trực diện. Điều này thể hiện khá rõ trong không chỉ các chiến lược của Mỹ, mà còn qua các tiếp xúc mới đây giữa hai bên. Có thể kể đến như cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình (28/7), hay cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng bên lề G20 ở Bali (8/7), đều nhấn mạnh khía cạnh quản trị, tránh xung đột và tìm kiếm các mặt hợp tác, trong khi vẫn cạnh tranh nhau, như về biến đổi khí hậu hay kiểm soát vũ khí chiến lược.

Hai bên đang tính toán cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, có thể vào tháng 11 sắp tới. Rõ ràng cạnh tranh, nhưng cần giữ quan hệ là điều hai bên đều cần.

Chính quyền Biden cũng đang tìm cách tháo gỡ một phần thuế thương mại đối với hàng hoá Trung Quốc, vốn giữ từ thời Tổng thống Trump. Mặt khác, cả Mỹ và Trung Quốc đều có tính tới các quan tâm của nhau, dù rất khác biệt trong vấn đề Nga - Ukraine (chí ít là Trung Quốc không ủng hộ Nga, nhất là về quốc phòng). Không loại trừ, trong bối cảnh căng thêm này, phía Mỹ lại có thể có bước đi mới, dù nhỏ, như về kinh tế thương mại, trong quan hệ với Trung Quốc, vì sẽ tránh bị nội bộ chỉ trích là mềm yếu với Trung Quốc.

Nhìn chung, căng lên sau chuyến đi này có thể gây thêm một số phức tạp nhưng sẽ là trong ngắn hạn và khó thay đổi cục diện chung hiện nay giữa hai nước. Có lẽ, từ lợi ích của quan hệ giữa 2 nước, vào lúc này, hai nước sẽ vẫn duy trì kiềm chế và phản ứng có kiểm soát trong vấn đề Đài Loan và không để làm sứt mẻ mối quan hệ.

- Với bối cảnh tình hình bất ổn như vậy, các nước xung quanh và ASEAN, mà đặc biệt là Việt Nam, sẽ như thế nào?

Đối với ASEAN và các nước khu vực, ở đây có hai câu chuyện: khả năng gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan và cạnh tranh Mỹ - Trung.

Căng thẳng hay xung đột ở eo biển này sẽ làm bất ổn tới cả khu vục và có những tác động rất lớn, nhất là về kinh tế thương mại đến các nước. Vì đây là khu vực địa chiến lược và nằm trên tuyến thông thương hàng hải, hàng không. Lần đầu tiên, ASEAN đã ra tuyên bố các Ngoại trưởng về tình hình eo biển, kêu gọi các bên kiềm chế, tránh khiêu khích, nỗ lực giảm căng thẳng và giải quyết hoà bình tranh chấp. Tuyên bố cũng tái khẳng định quan điểm về chính sách một Trung Quốc, nhưng thêm ý, theo cách nhìn nhận của mỗi nước.

Việc ASEAN kêu gọi kiềm chế, giảm căng thẳng được các bên, cả Mỹ và Trung Quốc ủng hộ. Trung Quốc và Mỹ dù bất đồng về chuyện chuyến thăm, nhưng vẫn coi trọng và tham dự các cuộc họp của ASEAN được tổ chức đúng vào lúc cao điểm của vụ việc này.

Về cạnh tranh Mỹ - Trung, quan điểm chung của ASEAN và Đông Nam Á là không muốn bị kẹt về chọn bên, muốn hai nước lớn quản trị quan hệ không để gia tăng căng thẳng, mong muốn tranh thủ được cả 2 nước nhưng cũng muốn không bị lệ thuộc vào bên nào.

ASEAN mong muốn khu vực hoà bình, ổn định và hợp tác, có sự tham gia của các nước lớn và bảo đảm cân bằng chiến lược, trong đó ASEAN duy trì, phát huy được tiếng nói và vai trò trung tâm ở khu vực. Những mong muốn này là điều luôn cùng lúc song hành.

Có thể thấy, dù là cạnh tranh chiến lược, nhưng Mỹ - Trung khó có thể đi đến kiểu phân cực thành hai hệ thống đối nghịch và biệt lập như thời chiến tranh lạnh Mỹ - Xô trước đây, vừa do cả hai nước không muốn và không có khả năng đi đầu và bao cấp cho việc này. Hai nước cạnh tranh trong bối cảnh tiếp tục tuỳ thuộc lẫn nhau và cần tranh thủ các nước khác.

Vì vậy, cục diện hiện tại sẽ tiếp tục đan xen giữa các thách thức và cơ hội. Và quan điểm chung của các nước khu vực sẽ vẫn tiếp tục là đa dạng hoá, linh hoạt quan hệ với cả hai và không chọn bên. Nhưng điều này sắp tới không dễ dàng.

Mặc dù Mỹ có giải thích, nhưng dường như các nước đều cho rằng, chuyến đi của bà Pelosi không những không giúp ích gì, mà chỉ tạo cớ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.

Mặt khác, dù nói hay không nói ra, các nước cũng đã và đang theo dõi chặt chẽ các phản ứng của cả hai nước, nhất là việc đáp trả quyết liệt của Trung Quốc, với không ít lo ngại.

Vụ việc này cũng làm phức tạp thêm quan hệ của các đồng minh của Mỹ với Trung Quốc, trong khi Trung Quốc vừa cần tranh thủ vừa gia tăng sức ép trong quan hệ với khu vực, bao gồm cả về vấn đề Đài Loan và trong quan hệ với Mỹ.

Điều cũng đáng lưu ý là, sau vụ việc lần này, Trung Quốc lại càng thêm chú ý soi quan hệ của khu vực với Mỹ với hàm ý chọn bên và kiềm chế Trung Quốc, kể cả với các sáng kiến về kinh tế, thương mại và an ninh ở khu vực.

Các đánh giá đều cho rằng, sắp tới, quan hệ của các nước trong khu vực với hai nước lớn sẽ phức tạp thêm, kể cả khả năng sẽ dè chừng hơn trong quan hệ với Mỹ, trong khi cũng có những quan ngại về Trung Quốc.

Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của ASEAN và cũng đã có tuyên bố quan điểm của mình, khẳng định các nguyên tắc về vấn đề Đài Loan, trong đó có chính sách một Trung Quốc, kêu gọi các bên kiềm chế, và về mong muốn tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc và với Mỹ, hai nước lớn và đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Hơn bao giờ hết, Việt Nam càng tiếp tục đề cao chính sách đối ngoại độc lập tự chủ và đa dạng, đa phương hoá quan hệ, từ đó xử lý phù hợp các thách thức và cùng khu vực giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển, tranh thủ và phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia cũng như của chung khu vực./.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nội dung: Lê Thọ Bình

Trình bày: Văn Lâm