Quan hệ Mỹ - Nga thời Donald Trump không dễ phục hồi, Quốc hội Mỹ mới là nhân tố quyết định

VietTimes -- Mặc dù ông Donald Trump có các tuyên bố tốt về Nga, nhưng chính sách đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới sẽ chịu chi phối mạnh mẽ bởi Quốc hội Mỹ, do đó, việc tái khởi động quan hệ Mỹ - Nga còn chờ quan sát.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Tân Hoa xã
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Tân Hoa xã

Tờ Nhật báo Quang Minh Trung Quốc ngày 6/12 có bài viết bình luận cho hay khi trả lời phỏng vấn báo chí Nga ngày 4/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump "từng là một thương nhân và một nhà doanh nghiệp thông minh, đến nay đã trở thành nhà hoạt động chính trị, trở thành nhà lãnh đạo Mỹ - một nước lớn thế giới và một cường quốc quân sự.

Có thể đạt được thành công về thương mại cho thấy ông là một người thông minh. Nếu là người thông minh có nghĩa là ông hoàn toàn có thể nhanh chóng ý thức được trách nhiệm của mình đã đạt đến cấp độ mới".

Phát biểu của ông Vladimir Putin cho thấy Điện Kremlin trông đợi ông Donald Trump xác lập chính sách với Nga một cách "thông minh", đạt được đột phá trong xử lý quan hệ Mỹ - Nga.

Từ khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đến nay, chính trường Nga đã xuất hiện bầu không khí vui vẻ trông đợi quan hệ Nga - Mỹ được tan băng.

Chính phủ, Quốc hội và các thành phần ưu tú xã hội trong các lĩnh vực khác của Nga phổ biến cho rằng thời đại Donald Trump sắp bắt đầu sẽ làm thay đổi trạng thái thù địch hiện nay giữa Nga và Mỹ, tăng thêm "triển vọng tốt đẹp" cho quan hệ Nga - Mỹ.

Tuy nhiên, giới ưu tú của xã hội Nga vẫn giữ thái độ nghi ngờ về khả năng ông Donald Trump "thay đổi hoàn toàn phương châm chiến lược đối ngoại của Mỹ". Không ít nhà nghiên cứu Nga đặc biệt nghi ngờ khả năng ông Donald Trump chuyển hóa những khẩu hiệu tranh cử "ba hoa" thành các hành động thực tế của Chính phủ Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: bjd.com.cn
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP/bjd.com.cn

Một số nhà nghiên cứu Nga cho rằng, ông Donald Trump trúng cử Tổng thống hoàn toàn không có nghĩa là chính sách đối với Nga của Mỹ sẽ có sự điều chỉnh mang tính cách mạng. Quan hệ Nga - Mỹ thời đại Donald Trump có thể sẽ bất ổn hơn và đầy tính không xác định, khó có thể dự liệu được.

Bản thân ông Donald Trump có thể sẽ không mạnh mẽ thúc đẩy chính sách chống Nga, nhưng "các lãnh đạo hai đảng của Mỹ kiểm soát thực tế đối với chính sách đối ngoại của Mỹ" sẽ hoàn toàn không tạo ra khả năng thể hiện ý chí chủ quan cho ông Donald Trump về mặt chiến lược toàn cầu và chính sách đối với Nga của Mỹ.

Đảng Dân chủ Mỹ có đầy đủ lý do giận dữ đối với ông Donald Trump, Đảng Cộng hòa Mỹ cũng khó có thể vui mừng với các hành động của ông Donald Trump. Bởi vì, về bản chất, ông Donald Trump và Đảng Cộng hòa cũng không thuộc cùng một phe.

Trên phương diện sửa đổi chính sách đối nội của Mỹ, ông Donald Trump có thể có không gian nhất định, nhưng trên phương diện chính sách đối ngoại, ông không thể tiến hành phủ định toàn bộ đối với chính sách đối ngoại được ông Barack Obama trù tính sâu xa và ra sức thúc đẩy.

Các chuyên gia thuộc câu lạc bộ Valdai nổi tiếng Nga cho rằng một loạt chính sách đối ngoại nhằm củng cố quan hệ với các đồng minh của Tổng thống Barack Obama phù hợp với lợi ích căn bản của Mỹ. Tân Tổng thống Mỹ chưa chắc sẽ từ bỏ những "kế hoạch phát triển kiểu Mỹ" này.

Đồng thời, thông tin Mỹ rút khỏi hệ thống thương mại thế giới cũng là điều khó có thể tưởng tượng. Nếu hoàn toàn tin vào những phát biểu của ông Donald Trump trong thời gian tranh cử thì không chỉ Mỹ sẽ xuất hiện cục diện hỗn loạn mà tình hình thế giới cũng sẽ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng với những bất ổn và bất an.

Đại tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.
Đại tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.

Trên thực tế, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa Mỹ đã bắt đầu bắt tay "lập ra cái bẫy" cho ông Donald Trump, người sắp lên nắm quyền. Quốc hội Mỹ hiện đã quyết định chi 4,3 tỷ USD trong năm 2018 để "ngăn chặn Nga" và cung cấp viện trợ quân sự 350 triệu USD cho Ukraine.

Luật này còn quy định chấm dứt hợp tác quân sự với Moscow trên các lĩnh vực, cho đến khi nào "Nga chấm dứt xâm chiếm một bộ phận lãnh thổ của Ukraine" và Nga không còn tiếp tục tạo ra mối đe dọa cho "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và các nước thành viên NATO".

375 nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu tán thành đối với dự luật này, chỉ có 34 phiếu giữ thái độ phủ định.

Đồng thời, Quân đội Mỹ gần đây không ngừng có những tiếng nói trái ngược với ông Donald Trump, đã phát đi tiếng nói chống Nga cứng rắn. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford vừa cho biết mục tiêu của Nga là chống lại NATO, phá hoại uy tín của  NATO, từ đó hạn chế khả năng thể hiện sự hiện diện quân sự trên toàn cầu của Quân đội Mỹ. "Đến nay, họ thường xuyên hoạt động ở những khu vực chưa từng xuất hiện trong vài chục năm qua".

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Frank Kendall cũng cho biết nếu chính sách trước đây của Mỹ nhằm ứng phó với mối đe dọa ở châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông thì hiện nay nó tập trung hơn vào Nga.

Ngày 4/12, tại Diễn đàn quốc phòng tổ chức ở bang California, Tư lệnh Không quân Mỹ Deborah Lee James cho biết: "Nga là mối đe dọa hàng đầu của Mỹ. Chúng ta đối mặt với rất nhiều mối đe dọa, nhưng do nguyên nhân của vũ khí hạt nhân, Nga có thể là mối đe dọa thực sự của Mỹ".

Bộ trưởng Không quân Mỹ, bà Deborah Lee James. Ảnh: Defense
Tư lệnh Không quân Mỹ, bà Deborah Lee James. Ảnh: Defense

Dư luận thấy được, mặc dù ông Donald Trump đã thắng cử với tư cách là ứng cử viên Đảng Cộng hòa Mỹ, nhưng nghị sĩ Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Quốc hội Mỹ hoàn toàn không phải là "phái thân Donald Trump".

Mặc dù Tân Tổng thống Mỹ được coi là "rất thân Nga", nhưng Quân đội Mỹ vẫn phát đi những tiếng nói chống Nga cứng rắn trước khi Tân Tổng thống bước vào Nhà Trắng.

Liệu ông Donald Trump có thực sự tái khởi động quan hệ Mỹ - Nga? Nga rõ ràng không nhận được câu trả lời xác định. Điều duy nhất xác định là bất kể thế giới có thay đổi như thế nào, Nga đều phải tiếp tục đi con đường của họ.