Quan hệ giữa Hướng Việt và nhà chủ OCB

VietTimes -- Kể cả cho Hướng Việt có là một công ty của gia đình nhà vợ Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn, thì quan hệ tín dụng giữa Hướng Việt và OCB sẽ vẫn hoàn toàn minh bạch, hợp lý và hợp lệ, nếu nó đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện và chuẩn mực theo quy định của pháp luật hiện hành.

Kỳ trước, VietTimes đã phát lộ về một cổ đông ít biết của chủ đầu tư Quốc Lộc Phát: Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Hướng Việt (Hướng Việt).

Nắm giữ tới cả chục triệu cổ phần và là một cổ đông lớn của Quốc Lộc Phát nhưng mối quan hệ giữa Hướng Việt và chủ đầu tư Khu phức hợp Sóng Việt (được xem như đắc địa bậc nhất bán đảo Thủ Thiêm) chưa từng được đề cập trên truyền thông.

Không phải là một doanh nghiệp quá nổi bật, thậm chí là một cái tên vô danh trong lĩnh vực bất động sản, nhưng như VietTimes đã chia sẻ, Hướng Việt có mối liên hệ dắt dây và nhận được sự hậu thuẫn khá tích cực từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) của đại gia Trịnh Văn Tuấn.

Vốn điều lệ ban đầu của Hướng Việt chỉ là 5 tỷ đồng, ở thời điểm thành lập (tháng 7/2009).
Vốn điều lệ ban đầu của Hướng Việt chỉ là 5 tỷ đồng, ở thời điểm thành lập (tháng 7/2009).

Thành lập tháng 7/2009, thuở ban đầu Hướng Việt và OCB không có sự liên quan. Khi ấy, Hướng Việt đăng ký vốn điều lệ 5 tỷ đồng, do 3 cổ đông sáng lập, đều là các thể nhân, đóng góp, gồm: Võ Quang Long (2 tỷ đồng, chiếm 40%); Nguyễn Ngọc Quỳnh Như (20%), Mai Thanh Thanh (40%).

Ông Long (SN: 1978), thời điểm ấy, đang là Trưởng phòng Đầu tư của Công ty quản lý quỹ ACB (ACB Capital), là cấp trên của ông Mai Thanh Thanh (SN: 1982) - khi ấy đang là Trưởng bộ phận đầu tư và kinh doanh trái phiếu. Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh Như (SN: 1986) lúc đó còn rất trẻ (chưa đầy 23 tuổi), làm đại diện theo pháp luật của công ty với vai trò Giám đốc.

Mối cộng sự mang tính ê kíp giữa ông Long và ông Thành còn được thể hiện qua sự đồng pha trong quá trình nhảy việc. Sau khi rời ACB Capital năm 2010, họ đều lựa chọn Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. HCM (HDBank) làm bến đỗ, đảm nhận chức vụ Trưởng và Phó phòng Đầu tư.

Cuối năm 2010, ông Võ Quang Long chuyển sang OCB làm Phó Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ và đầu tư thì sang năm 2011, ông Mai Thanh Thanh cũng chuyển về ngân hàng này làm Phó Giám đốc đầu tư.

Tháng 10/2011, vốn điều lệ của Hướng Việt tăng lên mức 100 tỷ đồng, cùng sự xuất hiện của 2 cổ đông mới.
Tháng 10/2011, vốn điều lệ của Hướng Việt tăng lên mức 100 tỷ đồng, cùng sự xuất hiện của 2 cổ đông mới.

Khi ông Long và ông Thanh về công tác tại OCB thì công ty riêng của hai ông này cũng lên một tầm cao mới. Tháng 10/2011, vốn điều lệ của Hướng Việt được điều chỉnh tăng 20 lần, từ 5 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng.

Bên cạnh sự đóng góp của các cổ đông hiện hữu thì còn có nguồn vốn góp của 2 cổ đông mới, là ông Phan Vũ Tuấn và Trình Kiên Cường. Cơ cấu sở hữu Hướng Việt được điều chỉnh mạnh: Mai Thanh Thanh (25%); Nguyễn Ngọc Quỳnh Như (16,6%); Võ Quang Long (16,6%); Trình Kiên Cường (8,4%); Phan Vũ Tuấn (33,4%).

Doanh nhân Phan Vũ Tuấn

Thời điểm góp vốn vào Hướng Việt, cổ đông lớn nhất Phan Vũ Tuấn (SN: 1969) đã là một người ít nhiều có “name” trên thị trường tài chính.

Xuất thân là một cán bộ của Phòng Thanh tra, NHNN Chi nhánh Tp. HCM, từ năm 1994, ông Tuấn lăn lộn qua hàng loạt tổ chức tài chính, với nhiều cương vị như: chuyên viên Vietcombank – CN Tp. HCM; Trợ lý Giám đốc ngoại hối Ngân hàng United Overseas – CN Tp. HCM; Giám đốc VIB – CN Bình Thạnh; Giám đốc Chi nhánh Tp. HCM – Công ty CP Chứng khoán Quốc tế (VISe); Tổng Giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Lộc Việt Tp. HCM; Giám đốc điều hành CTCP Chứng khoán Châu Á (ASCS); Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở An Bình Phú.

Ông Phan Vũ Tuấn. (Ảnh: OCB)
Ông Phan Vũ Tuấn. (Ảnh: OCB)

Hơn cả, ông Phan Vũ Tuấn được thị trường biết đến là một nhân sự chủ chốt trong hệ sinh thái Hoàn Lộc Việt của doanh nhân Phan Minh Hoàn. Theo đó, tại pháp nhân lõi của hệ sinh thái này, Công ty cổ phần Hoàn Lộc Việt, ông Tuấn là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc.

Ngoài chuyện cộng tác với hai nhân sự cấp trung của OCB ở Hướng Việt và từng là thuộc cấp cũ của Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn (thời còn công tác ở VIB và VISe) thì phải đến nửa cuối năm 2014, ông Phan Vũ Tuấn mới chính thức tham gia hệ thống OCB – nếu coi CTCP Chứng khoán Phương Đông (ORS) là một thành viên của hệ thống này.

Cụ thể, tháng 9/2014, ông Phan Vũ Tuấn được bổ sung vào HĐQT ORS và trở thành Chủ tịch HĐQT công ty chứng khoán này với tư cách người đại diện vốn của OCB. Với cương vị của mình, ông Tuấn là người đóng vai trò quan trọng trọng thương vụ triệt thoái 2,64 triệu cổ phiếu ORS của OCB. Đặc biệt khi bên nhận chuyển nhượng lại là nhóm Hoàn Lộc Việt – nơi ông Tuấn gắn bó.

Tuy vậy, ông và các cộng sự lại bất thành trong kế hoạch sáp nhập ORS với ASCS sau đó. ASCS, nhấn mạnh rằng, cũng là một thành viên trong hệ sinh thái Hoàn Lộc Việt, và là nơi mà ông Phan Vũ Tuấn đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành cho đến khi chuyển sang ORS.

Cuối năm 2016, ông Phan Vũ Tuấn rút khỏi ORS nhưng trước đó, năm 2015, ông đã được bầu tham gia HĐQT OCB, với vai trò Thành viên độc lập.

Ông Tuấn liên tục giữ chức vụ Ủy viên HĐQT độc lập Ngân hàng OCB từ đó đến nay, đồng thời với vai trò Thành viên HĐQT kiêm Phó Giám đốc CTCP Hoàn Lộc Việt, và một số cương vị khác.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Hướng Việt của ai?

Sau 8 năm gắn bó trong vai trò Phó Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ và đầu tư, đầu năm 2018, ông Võ Quang Long rời OCB.

Dường như ông Long muốn dồn sức cho công tác điều hành Công ty Hướng Việt – nơi ông không chỉ là cổ đông sáng lập mà gần đây đã đứng đầu Ban điều hành với vai trò Tổng Giám đốc.

Việc Hướng Việt tăng mạnh vốn điều lệ và đạt con số 1.000 tỷ đồng vào giữa năm 2017 cho thấy tham vọng lớn của công ty này, mà việc rót vốn vào Quốc Lộc Phát là một minh chứng. Mà không chỉ khu phức hợp Sóng Việt, tài liệu của VietTimes cho thấy, gần đây Hướng Việt đã âm thầm thâu tóm loạt dự án địa ốc khủng khác từ một ông lớn bất động sản đang chìm đắm trong khó khăn trên địa bàn Tp. HCM. Thương vụ, dĩ nhiên, nhận được sự hậu thuẫn lớn từ dòng tiền của OCB.

Vấn đề là tại sao OCB lại có hợp tác chặt như vậy với Hướng Việt?

Đó có thể chỉ là một mối hợp tác thuần tính thị trường. OCB là tổ chức tín dụng, còn Hướng Việt là một doanh nghiệp có nhu cầu lớn về vốn cho các kế hoạch kinh doanh, hai bên tìm đến nhau là quy luật cung – cầu.

Việc thành viên HĐQT độc lập của OCB Phan Vũ Tuấn hay cựu Phó Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ và đầu tư OCB Võ Quang Long là những cổ đông sáng lập Hướng Việt, nhìn ở giác độ tích cực, sẽ giúp người đi vay và kẻ cho vay hiểu nhau hơn, tin nhau hơn.

Ông Trịnh Văn Tuấn ngày mới về OCB và vẫn đang giữ cương vị Tổng Giám đốc. (Ảnh: OCB)
Ông Trịnh Văn Tuấn ngày mới về OCB và vẫn đang giữ cương vị Tổng Giám đốc. (Ảnh: OCB)

Kể cả cho Hướng Việt có thể xem như một công ty của gia đình vợ Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn - do em trai bà Cao Thị Quế Anh (phu nhân ông Trịnh Văn Tuấn), là ông Cao Quế Lâm, làm Chủ tịch HĐQT và một số họ hàng khác nắm giữ một lượng đáng kể cổ phần, theo tài liệu xác đáng mà VietTimes thu thập được – thì quan hệ tín dụng giữa Hướng Việt và OCB sẽ vẫn hoàn toàn minh bạch, hợp lý và hợp lệ, nếu nó đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện và chuẩn mực theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tổng Giám đốc Hướng Việt Võ Quang Long và bà Cao Thị Quế Anh hẳn cũng không xa lạ gì nhau khi cùng là những thành viên trong HĐQT của Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK).

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Hướng Việt đang được phát triển theo mô hình một holdings, với nhiều công ty thành viên như Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISe), Công ty cổ phần phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Tây Ninh (Indeco),…

Bên cạnh cổ phần Quốc Lộc Phát, Indeco, VISe, STK, được biết, doanh nghiệp của nhà vợ Chủ tịch OCB từng nắm giữ lượng cổ phần đáng kể của hàng loạt cái tên “hot” như: Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB); Công Ty CP Dịch Vụ Dầu Khí Sài Gòn (SPSC) và cả… Ngân hàng OCB./.