Câu chuyện này có nguy cơ làm thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng giữa EU với điện Kremlin.
Uỷ ban Châu Âu đã chính thức mở cuộc điều tra nhằm vào Gazprom từ hồi tháng 9 năm 2012 nhưng đã trì hoãn thúc đẩy vụ việc này do cuộc khủng hoảng trong quan hệ với Moscow liên quan đến vấn đề Ukraine.
Liên minh Châu Âu (EU) sẽ chính thức khiếu nại về việc tập đoàn Gazprom đang cản trở sự cạnh tranh trên các thị trường khí đốt Trung Âu và Đông Âu. Đây là những khu vực mà tập đoàn Gazprom của Nga đang được hưởng lợi từ vị trí thống trị.
Nếu bị kết luận là vi phạm luật chống độc quyền, tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga có nguy cơ phải đối diện với mức phạt rất cao, chiếm tới 10% tổng doanh thu của công ty. Con số này sẽ tương đương với mức 93 tỉ euro (100 tỉ USD) trong năm 2013.
Các nước tham gia vào vụ kiện có Lithuania, Estonia, Bulgaria, CH Czech, Hungary, Latvia, Slovakia và Ba Lan.
"Điều chúng tôi đang xem xét là liệu các khách hàng có được hưởng giá tốt nhất hay không hay là một công ty thống trị đang sử dụng lợi thế sức mạnh của mình để đưa ra các mức giá khác nhau cho những khách hàng khác nhau”, Cao uỷ phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU Margrethe Vestager cho hãng truyền hình Bloomberg biết như vậy nhưng không xác nhận về việc có vụ điều tra.
"Sẽ là điều đáng nói cho một nước nếu họ phải trả cho khí đốt số tiền nhiều hơn mức đáng ra họ phải trả”, bà Vestager nói thêm.
Vị trí hàng đầu của Gazprom cùng với mối quan hệ gắn bó của tập đoàn này với chính phủ Nga sẽ khiến việc xử lý vụ khiếu nại đặc biệt nhạy cảm đối với các nhà điều tiết EU.
Riêng Nga đã cung cấp đến 1/3 nhu cầu khí đốt của EU. Năm ngoái, Liên minh Châu Âu đã mua 125 tỉ mét khối khí đốt từ Gazprom và một nửa trong số này đi qua đường ống dẫn khí đốt ở Ukraine.
Tuy nhiên, các cuộc tranh cãi liên tục với Ukraine đã dẫn đến việc Gazprom thỉnh thoảng lại ngừng cung cấp khí đốt, biến vấn đề cung cấp năng lượng cho Châu Âu trở thành môt khía cạnh quan trọng trong cuộc xung đột giữa chính quyền Kiev và lực lượng ly khai miền đông Ukraine.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất với điện Kremlin kể từ sau Chiến tranh Lạnh, EU đã trì hoãn vụ khiếu nại Gazprom trong khi vẫn tuyệt vọng tìm cách đa dạng hoá nguồn cung cấp năng lượng cho liên minh.
Người đứng đầu tập đoàn Gazprom - ông Alexei Miller đang đe doạ sẽ ngừng cung cấp khí đốt qua mạng lưới đường ống ở Ukraine vào năm 2019, đẩy tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang.
Tin tức về vụ kiện Gazprom được đưa ra một ngày trước khi ông Miller đến thăm Athen trong bối cảnh có những thông tin trái chiều nhau về việc Nga và Hy Lạp sẽ ký một thoả thuận đường ống mà theo đó Gazprom sẽ trả trước hàng tỉ USD cho chính phủ đang “đói” tiền của Hy Lạp.
Chính phủ theo đường lối cảnh tá ở Athen hiện đang rơi vào một cuộc tranh cãi cay đắng với các đối tác Châu Âu về những nghĩa vụ nợ của họ. Hy Lạp từng ám chỉ sẽ quay sang nhờ đến Moscow nếu không có giải pháp cho cuộc tranh cãi trên.
EU không chịu dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho Nga?
Trong một diễn biến khác liên quan đến chính sách của Châu Âu đối với Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức mới đây tuyên bố, tương lai của các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga phụ thuộc vào các bước tiếp theo của Moscow cũng như việc nước này tuân thủ đầy đủ thoả thuận ngừng bắn ở Ukraine.
"Sẽ rất quan trọng để làm rõ một điều: Các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào những cá nhân và tổ chức ở Nga cũng như ở Crimea là đòn đáp trả trực tiếp đối với các hành động của Nga trên bán đảo", phát ngôn viên Martin Schaefer cho biết.
Chính phủ Đức xem việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi giữa tháng 3 năm ngoái là “một hành động đi ngược lại với luật pháp quốc tế và điều đó khiến họ không thể trở lại chương trình nghị sự như thường lệ”, ông Schaefer cho hay.
"Gói biện pháp trừng phạt thứ hai được thông qua hồi tháng 5 có liên quan đến những sự kiện xảy ra ở miền đông Ukraine”, ông Schaefer nói thêm.
"Tình hình liên quan đến các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ phụ thuộc vào các hành động của Nga cũng như việc nước này thực hiện thoả thuận Minsk", phát ngôn viên Schaefer cho biết.
"Mọi việc đã được quyết định rõ ràng rằng thời gian áp đặt các biện pháp trừng phạt có liên quan đến việc thực hiện đầy đủ các thoả thuận Minsk”, ông Schaefer nhấn mạnh thêm.
Cuộc xung đột nghiêm trọng ở Ukraine chứng kiến một cuộc đối đầu Đông -Tây căng thẳng và quyết liệt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên cũng như bất chấp việc phương Tây chẳng thể đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào chứng minh cho các cáo buộc của họ, các cường quốc Châu Âu dưới sự dẫn dắt của Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Nga cũng đáp trả bằng việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ những nước áp đặt đòn trừng phạt nhằm vào họ.
Mới đây, Mỹ tiếp tục đe doạ sẽ tăng cường thêm các biện pháp trừng phạt Nga nếu thoả thuận Minsk thất bại. Moscow đã lên tiếng chỉ trích lời đe doạ trên là lố bịch, vô lý bởi Kiev mới là bên đang cản trở tiến trình hoà bình.
Theo: VnMedia