Phương Tây muốn “sỉ nhục và làm suy yếu Nga”

Người Nga tin rằng phương Tây muốn “sỉ nhục và làm suy yếu” nước Nga, nhưng nước này sẽ “tiếp tục theo đuổi chính sách của mình bất chấp các biện pháp trừng phạt”.
Phương Tây muốn “sỉ nhục và làm suy yếu Nga”

ây là kết quả của một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Lavada tiến hành và vừa được tờ nhật báo kinh doanh Kommersant công bố.
 

Phương Tây muốn “sỉ nhục và làm suy yếu Nga” ảnh 1

Ảnh minh hoạ


Có tất cả 66% người được hỏi cho biết, các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nhằm để “làm suy yếu và hạ nhục Nga". Trong khi đó, có 21% người tham gia cuộc thăm dò dư luận cho rằng, mục đích của các biện pháp trừng phạt của phương Tây là nhằm để “khôi phục lại sự cân bằng địa chính trị bị phá vỡ sau vụ sáp nhập bán đảo Crime vào Nga”. Chỉ có 5% tin rằng, các nước đang sử dụng những biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga để “ngăn chặn chiến tranh, sự phá huỷ và thương vong ở miền đông Ukraine”.
 
Khi được hỏi về việc những biện pháp trừng phạt của phương Tây đang nhằm vào ai, 46% người được hỏi đã trả lời, chính sách đó nhằm vào “các tầng lớp rộng lớn trong nhân dân của Liên bang Nga”; 29% người tham gia cuộc thăm dò nói các biện pháp trừng phạt là dùng để “chống lại một nhóm người nhỏ chịu trách nhiệm về chính sách của Nga đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine”. 19% người dân Nga tin, giới lãnh đạo phương Tây không nghĩ đến ai hay thành phần nào là mục tiêu của những đòn trừng phạt mà họ tung ra với Nga.
 
Đề cập đến đòn trả đũa của Nga, 70% người được hỏi đã trả lời, Nga nên “tiếp tục theo đuổi chính sách của mình bất chấp các biện pháp trừng phạt" và chỉ có 20% muốn tìm kiếm một sự nhượng bộ, thoả hiệp để phương Tây “dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt” đang được áp đặt lên Nga.
 
42% người dân Nga tham gia cuộc thăm dò dư luận đã đưa ra đề xuất, Nga trước tiên cần phải “củng cố, tăng cường các mối quan hệ kinh tế và quân sự với các nước Trung Đông, Trung Quốc và Ấn Độ". 38% cho rằng, Nga nên “áp đặt những đòn trừng phạt trả đũa hà khắc". Trong khi đó, 37% người được hỏi đã không ngần ngại trả lời, Nga nên phớt lờ các nước phương Tây. 16% người dân Nga ủng hộ tăng ngân sách quốc phòng, 7% từ chối trả bất kỳ khoản nợ nước ngoài nào trong khi 10% muốn thoả hiệp, nhượng bộ.
 
Người dân Nga cũng không sẵn sàng nói đến sự cần thiết phải tiến hành vụ sáp nhập bán đảo Crimea. 53% người dân Nga “ủng hộ tuyệt đối” vụ sáp nhập và 34% "tương đối ủng hộ" bước đi này.
 
Có tất cả 800 người dân Nga tham gia cuộc thăm dò dư luận của Trung tâm Lavada.
 
Crimea và Sevastopol đã chính thức trở thành một phần của nước Nga sau khi Tổng thống Putin ký sắc lệnh hoàn tất tiến trình sáp nhập hôm 21/3. Việc Crimea sáp nhập vào Nga xuất phát từ nguyên nhân là một cuộc đảo chính vũ trang ở Kiev, trong đó Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ. Crimea – một bán đảo tự trị thuộc Ukraine, đã từ chối không thừa nhận tính hợp pháp của chính phủ lâm thời mới ở Kiev . Chính vì thế, Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của họ với Ukraine và Nga. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, hơn 96% người dân trên bán đảo Crimea lựa chọn ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập trở lại Nga – nơi họ vẫn luôn coi là “mái nhà” của mình.
 
Sự kiện Nga sáp nhập bán đảo nhận được sự ủng hộ rộng khắp của người dân xứ sở Bạch Dương nhưng lại bị Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) ra sức phản đối. Mỹ và EU đã tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì việc này.
 
Phương Tây tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Moscow hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine và tham gia vào các hoạt động gây bất ổn ở nước láng giềng.
 
Để đáp trả phương Tây, hôm 6/8/2014, Nga chính thức tuyên bố áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm và nông sản từ các nước đang áp dụng biện pháp trừng phạt lên Nga. Lệnh cấm này được áp dụng một năm với các sản phẩm như thịt bò, thịt lợn, gia cầm, cá, pho mát, sữa, hoa quả, rau và các sản phẩm từ sữa. Các nước phải hứng chịu đòn trả đũa của Nga gồm Australia, Canada, Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ và Na-uy.
 
Giới chức Nga liên tục bác bỏ những cáo buộc về việc “thôn tính” Crimea bởi bán đảo này đã sáp nhập vào Nga một cách tự nguyện sau một cuộc trưng cầu dân ý. Moscow cũng phủ nhận việc nước này có liên quan, dính líu đến các hoạt động thù địch ở miền đông Ukraine.
 
Cuộc khủng hoảng Ukraine chứng kiến cuộc đối đầu gay gắt, quyết liệt giữa Nga và phương Tây. Đây là cuộc đối đầu Đông-Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Phương Tây cáo buộc cuộc khủng hoảng ở Ukraine là do Nga gây ra và vì thế tìm cách bao vây, dồn ép Nga trên mọi mặt trận, từ kinh tế, chính trị, ngoại giao đến quân sự.
 
Về phần mình, Moscow tin rằng, phương Tây đang dựa vào những cáo buộc của họ để làm cái cớ bao vây, kiềm chế Nga.
 
Cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây cho đến nay vẫn chưa có hồi kết và tiếp tục căng thẳng vì những diễn biến quân sự đầy lo ngại trong thời gian qua. Người ta không tránh khỏi có những lo ngại về việc bất kỳ hành động vô tình hay hiểu sai ý định nào giữa các bên cũng có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang. Đây sẽ là viễn cảnh ác mộng đối với thế giới.

Theo: VnMedia