Phương Tây chớ nói chuyện với Nga kiểu ra “tối hậu thư”

Nguyên tắc đầu tiên là độc lập. Đối với Nga, không có gì quan trọng hơn độc lập, phải làm chủ được vận mệnh của mình trong mọi hoàn cảnh. Đôi khi Nga chấp nhận lời khuyên nhưng không bao giờ chấp nhận mệnh lệnh.
Tổng thống Nga Putin
Tổng thống Nga Putin

Quan hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng trên nhiều vấn đề như Syria, Ukraine. Theo nhật báo Pháp Le Figaro, muốn quan hệ với Nga thì phải hiểu Nga, tức phải hiểu được “các trụ cột của nền ngoại giao Nga”.

Trong cuộc họp của G7 hồi đầu tháng 4/2017 tại Ý, ông Angelino Alfano - ngoại trưởng nước chủ nhà, đã nhắc lại với các đồng nhiệm một định đề ngoại giao và đã được chứng minh trong lịch sử: Không nên nói chuyện với Nga theo kiểu ra tối hậu thư.

Le Figaro cho rằng chính sách đối ngoại của Nga được soạn thảo một cách bình tĩnh, có ý thức, không bao giờ là kết quả của một sự xúc cảm nào đó. Ngoại giao Nga luôn nhìn về dài hạn hoặc trung hạn, không bao giờ ngắn hạn và dựa trên các nguyên tắc.

Nguyên tắc đầu tiên là độc lập. Đối với Nga, không có gì quan trọng hơn độc lập, phải làm chủ được vận mệnh của mình trong mọi hoàn cảnh. Đôi khi Nga chấp nhận lời khuyên nhưng không bao giờ chấp nhận mệnh lệnh. Năm 2012, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Trong thế giới ngày nay, độc lập là một thứ xa xỉ mà ít quốc gia nào có được”.

Nguyên tắc thứ hai là lợi ích quốc gia và ngoại giao có nhiệm vụ tạo các điều kiện tốt nhất để phát triển lợi ích quốc gia. Không tự coi mình là một pháo đài khép kín, nước Nga tự cho mình là một phần của nền văn minh châu Âu-Đại Tây Dương và trong không gian này, Nga muốn được đối xử bình đẳng, không ưu tiên, không hạ cố. Cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine, hồi tháng 2/2000, đã ngạc nhiên khi nghe thấy tổng thống Putin bày tỏ mong muốn xây dựng một không gian pháp lý chung giữa Nga và Liên hiệp châu Âu.

Nguyên tắc thứ ba là vấn đề an ninh quốc gia. Matxcơva cảnh giác với các quân đội đến từ phía tây vì đã từng nhiều lần xâm lược nước Nga. Chính quyền Nga trách cứ phương Tây không giữ lời hứa không mở rộng Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến sát biên giới Nga mà thủ tướng Đức Helmut Kohl đã cam kết với Gorbatchev hồi tháng 2/1990. Nga muốn duy trì vùng đệm, ngăn cách lãnh thổ quốc gia với các cường quốc phương Tây. Nga duy trì vũ khí hạt nhân vì lực lượng quy ước không đủ sức bảo vệ một lãnh thổ rộng gấp 26 lần nước Pháp.

Nga gắn bó với Liên Hiệp Quốc và thường trách cứ các nước phương Tây trình ra Hội Đồng Bảo An những đề nghị với thái độ hoặc là đồng ý tất cả hoặc là không, không chấp nhận đàm phán, thương lượng và có những nhượng bộ.

Theo Le Figaro, việc đưa nước Nga hội nhập vào gia đình châu Âu đòi hỏi nhiều thời gian. Nhưng giai đoạn đầu tiên là phải hiểu được nước Nga qua việc kiên trì phân tích các nền tảng chiến lược của Nga.

Theo nhận định của nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, chính việc cô lập Nga trên phương diện địa chính trị từ năm 2014, đã thúc đẩy nhanh hơn nữa mối liên kết Nga-Trung, trên mọi phương diện, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự. Chẳng hạn Nga đã đồng ý bán cho Trung Quốc 24 chiếc Sukhoi-35, chiến đấu cơ hiện đại nhất của Nga. Hợp đồng này trị giá 2 tỷ USD và việc giao hàng đã được bắt đầu từ tháng 12/2016.

Trung Quốc còn là khách hàng lớn nhất của Nga đặt mua hệ thống tên lửa đất đối không S-400 đời mới nhất, dự kiến đợt giao hàng đầu tiên diễn ra vào năm 2018. Đó là chưa kể đến các cuộc tập trận hải quân chung giữa hai nước ở Vùng Viễn Đông, và cả ở Địa Trung Hải. Những mối hợp tác gây khó chịu cho Mỹ.