Phong tỏa bắp chân – trào lưu làm đẹp đáng sợ của các thiếu nữ Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mùa Hè để các thiếu nữ mặc váy, đi giày cao gót khoe cặp chân thon thả đã tới. Tuy nhiên, bên cạnh những người có cặp chân thon tự nhiên, một số lại chọn cách làm đẹp đáng sợ: cắt dây thần kinh để chân thon.
Quảng cáo phẫu thuật nội soi phong tỏa bắp chân trên mạng ở Trung Quốc (Ảnh: Sohu).
Quảng cáo phẫu thuật nội soi phong tỏa bắp chân trên mạng ở Trung Quốc (Ảnh: Sohu).

Gần đây tại Trung Quốc đang nổi lên trào lưu làm đẹp đáng sợ gọi là “Phong tỏa bắp chân” thực chất là một thủ thuật cắt bỏ các cơ và dây thần kinh để cơ bắp mất chức năng và teo đi một cách tự nhiên, từ đó đạt được mục đích làm chân thon gọn lại.

Chủ đề "thủ thuật phong tỏa bắp chân" gần đây đã xuất hiện trên danh sách tìm kiếm nóng của Weibo và có hơn 300 triệu lượt view, rất nhiều người đã bày tỏ mong muốn được thử nó. Một số cư dân mạng Trung Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm bản thân họ thực hiện phương pháp làm đẹp "phong tỏa bắp chân" trên mạng xã hội khiến dư luận bàn tán sôi nổi. Một số cô gái đưa hình ảnh bản thân trước và sau khi thực hiện thủ thuật, khoe khoang hiệu quả rất hấp dẫn “chân nom dài hẳn ra, mặc váy đi giày cao gót dất duyên dáng, yểu điệu”...

Quảng cáo về hiệu quả của thủ thuật Phong tỏa bắp chân sau 3 tháng (Ảnh: Sohu).

Quảng cáo về hiệu quả của thủ thuật Phong tỏa bắp chân sau 3 tháng (Ảnh: Sohu).

Nhiều cư dân mạng cho rằng, thủ thuật này có thể làm bắp chân teo từ từ, từ đó đạt được hiệu quả tạo nên đôi chân thon gọn vĩnh viễn để có thể mặc váy ngắn khoe đôi chân thon thả, thẳng tắp, nuột nà trên đôi giày cao gót. Nhìn thấy trải nghiệm hậu phẫu “hấp dẫn” như vậy, một số cư dân mạng bày tỏ mong muốn được thử sức, “đợi có tiền nhất định sẽ làm” nhưng cũng không ít người phản đối, giễu cợt: "Bộ não tàn phế sau khi có cẳng chân đẹp”; "Hãy mặc váy dài nếu chân thô, đừng làm những việc ảnh hưởng đến sức khỏe"; "Bác sĩ và người thực hiện loại phẫu thuật này đều là những người bị bệnh"...

Một video clip lưu hành trên mạng cho thấy chân của bệnh nhân sau khi được “phong tỏa cơ bắp chân” đã nhỏ đi đáng kể, nhưng tư thế đi lại có vẻ khập khiễng, yếu ớt. Theo lời giới thiệu của tài khoản weibo "Dingxiangyuan", nguyên lý của "phong tỏa bắp chân" là cắt bỏ dây thần kinh chi phối nhánh cơ nuôi bên trong bắp chân, để cho cơ bị teo do không hoạt động, như vậy mới đạt được mục đích làm bắp chân nhỏ lại. Sau khi cắt đứt dây thần kinh sẽ rất khó nối lại, nếu cơ bắp chân bị teo sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại, chạy nhảy.

Bác sĩ đánh dấu vị trí trước khi phẫu thuật nội soi (Ảnh: The Paper).

Bác sĩ đánh dấu vị trí trước khi phẫu thuật nội soi (Ảnh: The Paper).

"Dingxiangyuan" cũng chỉ ra rằng sau khi phẫu thuật, các biến chứng thường gặp bao gồm sức mạnh cơ bắp chân suy giảm, cẳng chân tê mỏi và đau nhức bắp chân; sẹo tăng sắc tố và tăng diện; kích thước bắp chân không cân xứng nhẹ ở cả hai bên; nếu phẫu thuật thực hiện không đúng kỹ thuật, vô tình cắt bỏ nhánh cơ soleus hoặc dây thần kinh da đã gây rối loạn chức năng bắp chân và rối loạn cảm giác da cục bộ.

Trang mạng Guangming, Sohu ngày 22/5 đăng bài phân tích, cho biết, về vấn đề này, một số bác sĩ ở Trung Quốc đại lục nói rằng tổn thương thần kinh là không thể phục hồi, hành vi này không khác gì tự làm bản thân tàn phế. Theo họ, “phong tỏa cơ bắp chân” về mặt lý thuyết có thể đạt được làm cho đôi chân thon, nhưng về mặt lâm sàng, bắp chân của bệnh nhân sẽ gầy như bị bệnh sau khi phẫu thuật và trông rất khó coi. Bác sĩ cũng chỉ ra rằng một khi dây thần kinh bị tổn thương thì rất khó phục hồi “Các bệnh nhân bị chấn thương dây thần kinh và teo cơ bắp chân rất đau đớn, họ thường tìm mọi cách để phục hồi dây thần kinh. Thật không thể ngờ, người khỏe mạnh lại chủ động làm đứt dây thần kinh của họ. Điều này chẳng khác nào với việc tự làm hại bản thân mình.

Các thủ thuật cần làm: tiêm thuốc tê (trên) và phẫu thuật nội soi cắt dây thần kinh (giữa và dưới). Ảnh: Sohu.

Các thủ thuật cần làm: tiêm thuốc tê (trên) và phẫu thuật nội soi cắt dây thần kinh (giữa và dưới). Ảnh: Sohu.

Nhiều bác sĩ chuyên khoa đã đứng lên để vạch trần chân tướng của thủ thuật này. Dưới con mắt của các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ chuyên nghiệp và các chuyên gia y học thể thao, kiểu hành vi này là "không khác nào tự hại mình" và là phẫu thuật gây tổn hại "không thể sửa chữa được". Việc làm teo dây thần kinh này sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của cẳng chân và cũng có thể ảnh hưởng đến sự cử động của khớp cổ chân.

Trên trang web tư vấn y tế, nếu gõ "thủ thuật phong tỏa bắp chân" làm từ khóa tìm kiếm, có thể thấy các yêu cầu giúp đỡ của bệnh nhân đau khổ. Một cô gái xin giúp đỡ trên Good Doctor Online: hai tháng sau khi mổ, cô vẫn đi lại yếu ớt, có cảm giác tê cứng, kiễng chân lên không được. Cô cho biết rất lo lắng, sợ hãi và hỏi bác sĩ làm thế nào để phục hồi được như trước đây.

Bài báo trên trang Guangming viết: Trên đời không có thuốc chữa hối hận, con người không phải là Thạch sùng, dây thần kinh đã bị đứt không thể tái sinh. Tìm kiếm vẻ đẹp bằng cách gây tổn hại cho cơ thể chắc chắn tự chuốc hậu họa.

Mặc dù vấn đề này đã được tìm kiếm sôi nổi, mặc dù nhiều "nạn nhân" - hoặc "khách hàng" đã được công khai trên các nền tảng xã hội khác nhau, vấn đề này đã gây ra sự phẫn nộ của công chúng, nhưng liệu nó có thực sự trở thành bài học cảnh báo cho những người tìm kiếm vẻ đẹp một cách mù quáng?

Hiện nay nhiều cơ sở giải phẫu thẩm mỹ và diễn đàn phụ nữ vẫn tuyên truyền, rêu rao về thành tựu “phong tỏa bắp chân”? Nhiều người nổi tiếng trên Internet vẫn đang quảng cáo cho thủ thuật này. Được biết trào lưu này có nguồn gốc từ Hàn Quốc, chi phí cho mỗi ca phẫu thuật vào khoảng 30 ngàn Nhân dân Tệ (tức trên 100 triệu VND).

Chân của một cô gái Australia khi đã được phẫu thuật nội soi Phong tỏa bắp chân (Ảnh: The Paper).

Chân của một cô gái Australia khi đã được phẫu thuật nội soi Phong tỏa bắp chân (Ảnh: The Paper).

Mặc dù "phong tỏa bắp chân" đã bị giới y học loại bỏ và cấm làm thủ thuật, vậy ai vẫn còn hoạt động vi phạm quy định? Những cô gái này đã thực hiện những thao tác này ở đâu? Các bác sĩ này có phạm tội hành nghề bất hợp pháp không? Cơ quan giám sát y tế nên tiến hành điều tra toàn diện xem các bác sĩ làm trái lương tâm là ai? Phải cấm thủ thuật này từ phía cung, để con dao mổ không bao giờ được trở thành "con dao đồ tể".

Bài báo cho rằng, mặt khác, các nền tảng Internet chính như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và nền tảng video cũng cần kịp thời uốn nắn những quan niệm thẩm mỹ không lành mạnh và chấm dứt việc tuyên truyền có hại cho xã hội; tuyệt đối không cho phép những hoạt động y khoa có hại như “đập gãy xương tăng chiều cao, tổ chức lại hệ tiêu hóa, người lành cắt dạ dày”...

Cần phải hiểu rằng "con đường tắt để làm đẹp" mà phải trả giá bằng sức khỏe là một trò lừa đảo. Thu hẹp dạ dày, chặn ruột, bẻ chân, lấy gân ... là những phương pháp làm đẹp có hại phải được kịp thời ngăn chặn, cần có sự chung tay của các bộ phận giám sát mạng và bộ phận giám sát y tế, sự tự giác tẩy chay của các nền tảng mạng và tất cả cư dân mạng.