Theo Đông Phương, gần đây, ở Nga đã xuất hiện và nhanh chóng lan truyền phương pháp làm đẹp mới bằng cách tiêm filler vào môi để tạo nên đôi môi có hình lượn sóng hoặc thậm chí là hình đa giác. Phương pháp làm đẹp này đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi giữa các cư dân mạng; một số người nói rằng nó trông giống như bị phồng rộp và khiến người khác sợ hãi.
“Cặp môi quỷ dữ” trông giống như bạch tuộc, vì vậy nó còn được gọi là “môi bạch tuộc”. Trào lưu này đang lan rộng khắp nước Nga và nhiều phụ nữ đã tìm mọi cách để tạo cho mình có “Devil's Lips” với nhiều hình dạng khác nhau rồi tải ảnh lên mạng xã hội; điều này khiến nó đang lan ra châu Âu và Mỹ.
Một số mẫu “Devil's Lips”
|
“Devil's Lips” được “sáng tác” bởi một thợ làm đẹp gây tranh cãi ở Nga tên là Emelian Braude và tung ra từ ngày 30 tháng 11. Do Emelian Braude dính vào kiện cáo về phẫu thuật thẩm mỹ và cũng không có giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ chuyên nghiệp, nên việc bà tiêm các chất làm đầy để tạo hình thành những cặp môi “gợn sóng” hoặc “đa giác” mới, cũng đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi giữa các cư dân mạng và các chuyên gia, nhà khoa học.
Theo tin các báo, mặc dù cư dân mạng địa phương hiện vẫn tranh cãi gay gắt về phương pháp làm đẹp này, nhưng “Cặp môi của quỷ” đã thành trào lưu quét khắp nước Nga, nhiều phụ nữ đua nhau đi tạo cho mình “đôi môi quỷ” với nhiều hình dạng khác nhau và tải ảnh lên Instagram khiến nó lan nhanh sang các nước châu Âu và cả Mỹ. Bên cạnh các ý kiến chê bai “điều này (vi phẫu tạo hình môi) chỉ khiến cặp môi trông giống như những mụn nước”, “trông giống như một mụn rộp kỳ quái” và “ nó làm cho người khác sợ hãi”; nhưng “Devil's Lips” cũng đã thu hút sự quan tâm, hứng thú của nhiều phụ nữ...
Một cô gái với “Devil's Lips”
|
Tuy nhiên, chuyên gia thẩm mỹ y khoa Krystyna cảnh báo: nếu muốn thay đổi hình dạng của đôi môi, bạn hãy sử dụng các loại mỹ phẩm như bút chì kẻ môi để tăng cường các đường viền, tạo dáng cho cặp môi, thay vì tìm đến các thợ làm đẹp không có giấy phép hành nghề để tạo cho mình “cặp môi của quỷ”.
Bà nói, khu vực xung quanh có đầy các mạch máu. Nếu chất làm đầy được tiêm không đúng cách, chúng có thể xâm nhập vào mạch máu, gây tắc nghẽn và thậm chí hoại tử mô.