Tại toạ đàm Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng triển vọng và thách thức do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 15/10, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR cho hay, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi, các tổ chức lớn như IMF, OECD, WB, UN và Euromonitor đều có những điều chỉnh tích cực cho dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm 2024, thể hiện sự lạc quan hơn về triển vọng kinh tế thế giới.
Quá trình phục hồi vẫn tiếp tục ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và khu vực EU trong quý III, tuy nhiên đã xuất hiện dấu hiệu chậm lại so với quý II. Chỉ số PMI của Mỹ và EU đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm, trong khi Trung Quốc cũng ghi nhận mức giảm 3 điểm, xuống còn 51 điểm.
Điều này có thể tác động tiêu cực đến khu vực kinh tế đối ngoại của Việt Nam, khi thương mại luôn được xem là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, rủi ro từ cuộc xung đột tại Trung Đông cũng làm gia tăng lạm phát nhập khẩu, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Hơn nữa, theo ông Việt, độ trễ từ tác động của cơn bão Yagi cũng sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam trong quý IV. Những thách thức này đòi hỏi sự điều hành chính sách linh hoạt và hiệu quả để duy trì đà phục hồi kinh tế của đất nước.
"Có thể thấy rằng, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam so với dự báo của viện có mức chênh lệch là 0,5%-1%. Từ đó, chúng tôi đưa ra hai kịch bản cao và thấp. Với kịch bản cao, tăng trưởng quý IV sẽ đi ngang với mức 7,4%; kịch bản thấp, tăng trưởng quý IV sẽ dưới mức 7%", ông Việt nói.
Với kịch bản thấp, tốc độ tăng trưởng quý IV dưới mức 7%, kết hợp với độ lệch dự báo tăng trưởng của các tổ chức, VEPR dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức từ 6,84%. Với kịch bản cao, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt 7%.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Việt, hiện tại kinh tế vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro như số doanh nghiệp rời khỏi thị trường tăng cao.
“Các chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm xuống mức dưới 50 điểm cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Sự trồi sụt của chỉ số này cho thấy sức khoẻ của ngành dịch vụ và sản xuất chưa thực sự bền vững”, ông Việt nói. Cùng với đó, ông Việt khẳng định tiêu dùng trong nước và giải ngân đầu tư công vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Trước đó, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2024, cả nước có hơn 183.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, bình quân một tháng có hơn 20.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 163.800 doanh nghiệp, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trên cơ sở kết quả hoạt động kinh tế quý III và 9 tháng năm 2024, Tổng cục Thống kê nhận định, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5-7% là khả thi. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%, quý IV sẽ cần tăng 5,7%; đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong quý IV cần tăng 6,76%; hướng mục tiêu 7% trong quý IV cần tăng trưởng 7,5%.