Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch VCCI, nguyên thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng Phan Văn Khải tại tọa đàm Đối thoại chính sách “Phục hồi tăng trưởng triển vọng và thách thức” diễn ra sáng nay (15/10).
Kinh tế phục hồi tốt
Báo cáo kinh tế quý III/2024, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay, nền kinh tế đang phục hồi mạnh trên mức tăng trưởng thấp của cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng 6,82% gấp 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái.
Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn FDI tích cực vẫn là động lực tăng trưởng chính. Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn so với dự kiến, 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu 20,8 tỷ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong giai đoạn 2020 - 2024.
Ở phía tổng cung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng của cơn bão Yagi, mức tăng trưởng giảm so với cùng kì năm ngoái từ 3,43% xuống còn 3.20%. Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng 6,32%, nhờ sự hồi sinh của du lịch và các ngành thương mại, vận tải duy trì được đà tăng trưởng.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh lên mức 8,19% so với 2,41% cùng kì năm ngoái, nhờ vào sự phục hồi ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Tăng trưởng thương mại đã góp phần giúp cho nhu cầu trong nước từng bước phục hồi, trong đó tăng trưởng đầu tư và tiêu dùng đạt lần lượt 6,8% và 8,8% so cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và áp lực tỷ giá trong nửa đầu năm 2024 cũng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của vốn.
GDP tăng cao nhưng đời sống người dân còn khó khăn
Đánh giá báo cáo kinh tế quý III, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định những con số trong báo cáo hết sức thú vị và cũng rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang có khát vọng lớn thúc đẩy để phát triển đất nước sang một thời kỳ mới. Những khát vọng đó đang được triển khai ngay từ bây giờ.
Theo bà Lan, báo cáo kinh tế quý III được đưa ra trên tinh thần thẳng thắn về nhiều mặt, trong đó làm rõ những mảng chúng ta đạt được trong thành tựu về phục hồi tăng trưởng của năm nay.
“Riêng quý III, tiếp nối sự tăng trưởng của quý II đã đạt được, thực sự tôi rất mừng. Thời gian qua, khi theo dõi tình hình kinh tế, chúng tôi rất lo liệu năm nay có đạt được mục tiêu tăng trưởng hay không.
Nếu năm 2024 không đạt tốc độ tốt thì rất khó để thúc đẩy thời gian tới, thậm chí mục tiêu phát triển cho cả thời kỳ 5 năm”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Thành tựu của quý III năm nay được phân tích khá rõ, bà Lan cho rằng điều này sẽ tạo ra những niềm tin về phục hồi tăng trưởng tiếp trong thời gian tới. Trên thực tế, không chỉ các tổ chức doanh nghiệp đã phấn chấn hơn nhiều mà đời sống xã hội cũng ổn định hơn.
Bên cạnh điểm tích cực trong báo cáo trên, bà Phạm Chi Lan cũng lưu ý về những khó khăn, thách thức đan xen cần xem xét.
Thứ nhất, tăng trưởng trong quý III vẫn dựa vào 2 động lực chính là xuất khẩu và FDI. Xuất khẩu đến nay chiếm 73,5% nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi tăng trưởng chủ động về xuất khẩu chủ yếu vẫn nhờ “bàn tay” các doanh nghiệp FDI. Ở đây không phải chỉ xuất khẩu mà cả nhập khẩu đều cho thấy tăng lên khá nhiều.
Theo bà Lan, nhập khẩu tăng lên là cần thiết để có được thành tựu xuất khẩu và có thể được sử dụng cho các nguồn lực trong nước để từ đó các doanh nghiệp khôi phục dần các hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc tăng xuất khẩu, nhập khẩu là điều đáng mừng, duy trì được vai trò động lực, tuy nhiên cũng không nên quá dựa vào.
Thứ hai, chỉ tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch. Theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, người ta đo sự phục hồi kinh tế hay chưa là phải so sánh với mức trước dịch Covid-19. Nếu những chỉ tiêu nào vẫn thấp hơn thì chứng tỏ kinh tế vẫn chưa phục hồi.
Bà Lan nhấn mạnh đây là điều rất đáng lưu ý, bởi nó thể hiện đến cuộc sống của người dân. Do đó, dù GDP quý III tăng, kéo theo GDP bình quân đầu người tăng, song trên thực tế cuộc sống của đông đảo của người dân vẫn chưa được cải thiện.
“Chúng tôi cảm thấy không thực sự vui, bởi vì cuộc sống của người dân còn khó khăn”, bà Lan bày tỏ.
Thách thức thứ ba, theo vị chuyên gia, trong bảng tăng trưởng nhắc đến vị trí rất quan trọng đến từ ngành dịch vụ, công nghiệp nhưng ngành nông nghiệp lại chưa cao. Nhìn vào thực tế, nền kinh tế Việt Nam vừa qua ổn định được, cuộc sống của người dân tương đối ổn là nhờ rất nhiều vào nông nghiệp.
“Tôi kiến nghị chúng ta cần nhìn nhận một cách công bằng hơn cho nông nghiệp, và đóng góp của người dân vào nền nông nghiệp. Nông nghiệp vẫn là một ngành hết sức quan trọng và đóng vai trò rất lớn trong tương lai”, bà Lan nói.
Thứ tư, về lạm phát, bà Lan cho rằng Việt Nam kiểm soát được vấn đề này khá tốt, nhưng nếu vào nhìn vào cuộc sống của người dân, nhìn vào giá cả thì những chi phí vẫn tăng lên nhiều. Do đó, cần điều tiết để từ đó giảm cho tiêu dùng nhiều hơn.
Cuối cùng về đầu tư, hiện vốn đầu tư của khu vực tư nhân đóng vai trò càng ngày càng lớn, tỷ trọng cao lên đáng kể.
“Đây là điều tôi vui mừng, vì đúng với tinh thần chỉ đạo. Những năm gần đây, chúng ta đang rất mạnh về nội lực và trong tinh thần phát triển thời gian tới, chúng ta tập trung vào những nhân tố tự lực, tự cường, tự tin để vươn lên”, nữ chuyên gia bày tỏ.
Kỳ vọng trong tương lai, nhất là gần đây khi Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp các doanh nghiệp lớn và đề nghị họ tham gia vào các dự án lớn của nhà nước, từ đó sẽ làm tăng thêm vai trò của nội lực, vai trò của các doanh nghiệp tư nhân trong nước đối với sự phát triển.
Tại buổi họp công bố tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm diễn ra ngày 6/10, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết trong quý III/2024, tổng sản phẩm trong nước (GDP Việt Nam) ước tính tăng 7,4% so với năm ngoái. Tính chung 9 tháng của năm 2024, GDP ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước.