Phó Thủ tướng tin tưởng bà Kwakwa, với kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về Việt Nam, trên cương vị công tác mới, sẽ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi trong giai đoạn chuyển tiếp khi Việt Nam “tốt nghiệp" IDA.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về ODA, khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa hiệu quả nguồn vốn của WB nói riêng và các nhà tài trợ nói chung cho giảm nghèo và phát triển bền vững.
Đối với các dự án ODA, nhiều ý kiến độc lập đã khẳng định Việt Nam đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, quản lý tốt nợ công, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong tình hình mới (thay thế Nghị định 33), quy định cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
"Trong bối cảnh nhu cầu vốn đầu tư lớn, Việt Nam cần có lộ trình để “tốt nghiệp” IDA, qua đó giúp Việt Nam duy trì và phát huy được những thành quả giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho hay, trong các cuộc hội đàm với lãnh đạo WB và các nước, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã chính thức đề nghị xây dựng một cơ chế “tốt nghiệp” phù hợp cho Việt Nam. Hội nghị về IDA 18 tổ chức tại Myanmar vừa qua đã thống nhất WB tiếp tục xem xét để xây dựng cơ chế chuyển đổi thuận lợi nhất cho Việt Nam.
Bà Kwakwa đánh giá những thành công của Việt Nam trong thời gian qua là nhờ nỗ lực của Chính phủ và người dân Việt Nam, nhất trí cho rằng Việt Nam cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để quá trình chuyển tiếp diễn ra suôn sẻ.
Bà Kwakwa cho biết WB đang xây dựng Chiến lược hợp tác quốc gia giai đoạn 2017-2020, do đó WB mong muốn hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam để bảo đảm Chiến lược phản ánh được những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.
Phó Thủ tướng và Phó Chủ tịch WB cũng đã trao đổi về một số biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn vay trong thời gian tới.
X.T