DATC được tăng vốn điều lệ rất mạnh, từ mức 2.400 tỉ đồng lên mức 6.000 tỉ đồng.
Việc tăng vốn này được DATC kiến nghị từ nhiều năm qua, nay được Chính phủ chấp thuận. Thông tư số 135/2015 của Bộ Tài chính ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của DATC có hiệu lực từ ngày 1-11-2015 đã chính thức công bố việc tăng vốn trên.
Các hoạt động của DATC theo thông tư này không thay đổi nhiều so với hoạt động hiện nay, gồm mua lại nợ theo giá thị trường và xử lý tài sản thế chấp có liên quan, hoặc tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp theo hình thức góp vốn từ nợ được chuyển đổi…
Tuy nhiên, có một thay đổi đáng lưu ý. Từ trước tới nay DATC được thành lập và hoạt động tập trung vào xử lý nợ xấu cho doanh nghiệp nhà nước trước và sau cổ phần hóa. Nay DATC được bật đèn xanh để tham gia vào việc mua bán nợ với các tổ chức tín dụng.
Với cách làm việc của DATC, ngân hàng có thể mua bán nợ theo giá thị trường với công ty này và DATC có thể thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt đối với nợ mua lại từ ngân hàng, tức là mua đứt bán đoạn nợ xấu. Điều này nếu làm được sẽ hỗ trợ một tay cho VAMC trong việc xử lý nợ xấu đang tồn đọng trong hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
Theo website Bộ Tài chính, trong sáu tháng đầu năm, DATC đã hỗ trợ hàng chục doanh nghiệp nhà nước xử lý nợ và tài sản tồn đọng, trong đó có những tập đoàn, tổng công ty.
Cụ thể, DATC đã hỗ trợ xử lý nợ và tài sản tồn đọng cho 33 doanh nghiệp nhà nước. Doanh thu từ xử lý tài sản và thu hồi nợ loại trừ đã tiếp nhận là 62,4 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2014. Công ty đã nộp ngân sách 68,3 tỉ đồng (trong đó 43,7 tỉ đồng nộp qua Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước - SCIC), tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ 2014.
Công ty đã tăng cường hoạt động thu nợ, xử lý nợ đối với các doanh nghiệp đã mua nợ, xử lý tài sản đảm bảo để thu nợ, kể cả việc phối hợp với tòa án để theo sát và đẩy nhanh tiến độ xét xử với các doanh nghiệp đã bị khởi kiện… Cùng với đó, DATC đã phối hợp chặt chẽ với Ban đổi mới doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhằm chủ động tổ chức tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp.
Công ty đã xử lý nợ, tái cơ cấu tại các doanh nghiệp nhà nước lớn, trong đó có Tổng Công ty tàu thủy Việt Nam (SBIC), Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), Công ty thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng công ty thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Haprocimex. Trong 6 tháng đầu năm Công ty đã triển khai thoái vốn tại 11/24 doanh nghiệp nhà nước.
Theo lãnh đạo công ty, DATC từ đầu năm đã đẩy mạnh đàm phán mua nợ đối với các ngân hàng song quá trình đàm phán mua nợ với một số ngân hàng rất chậm do cơ chế bán nợ đặc thù của một vài ngân hàng thường rất phức tạp, quá trình phê duyệt để bán khoản nợ thường kéo dài.
Theo TBKTSG