Phát triển ngành thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo: Cần chính sách cho nguồn nhân lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đó là ý kiến của các chuyên gia về định hướng chính sách thu hút đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo của Đà Nẵng.

Phát triển ngành thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo: Cần chính sách cho nguồn nhân lực

Cần 50.000 kỹ sư ngành vi mạch, bán dẫn

Toạ đàm với chủ đề “Đà Nẵng và chính sách đón làn sóng đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo” do UBND TP Đà Nẵng vừa tổ chức, đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, các trường đại học trong lộ trình xây dựng các chính sách khuyến khích hỗ trợ để phát triển ngành thiết kế vi mạch bán dẫn Việt Nam nói chung và cho TP Đà Nẵng nói riêng.

Ông Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) - cho biết, theo Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, định hướng năm 2045, Việt Nam sẽ làm chủ được quy trình kỹ thuật thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại; làm chủ được công nghệ đóng gói và kiểm tra vi mạch bán dẫn.

Mục tiêu đến 2030, Việt Nam sẽ đào tạo được 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia. Trong đó, có 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư phục vụ các công đoạn khác của quá trình sản xuất chip bán dẫn.

Trong số 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch có khoảng 7.500 kỹ sư có trình độ thạc sĩ và 500 kỹ sư có trình độ tiến sĩ; đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

vt-vi-mach-ban-dan-3-7213.png
Ông Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC)

Đến 2045, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ hơn 200.000 kỹ sư, chuyên gia chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.

Trong đó có 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 150.000 kỹ sư phục vụ các công đoạn khác của quá trình sản xuất chip bán dẫn và đào tạo chuyên sâu cho 3.000 giảng viên giảng dạy tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thu hút được ít nhất 40% số lượng học sinh, sinh viên hằng năm theo học các ngành STEM/STEAM nói chung, ngành vi mạch bán dẫn nói riêng; mở rộng mạng lưới đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn lên khoảng 400 cơ sở tại các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; có các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ươm tạo doanh nghiệp vi mạch bán dẫn hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế ở 3 miền Bắc, Trung, Nam.

“Với mục tiêu của đề án, áp lực cung ứng đủ nguồn nhân lực đối với các địa phương và các trường đại học là không hề nhỏ. Chính vì vậy, Đà Nẵng cần có lộ trình đào tạo, mục tiêu đào tạo cũng như chính sách đào tạo hiệu quả để đảm bảo nguồn nhân lực cho định hướng phát triển ngành công nghiệp này”- ông Võ Xuân Hoài chia sẻ.

Đồng quan điểm với ông Hoài, ông Võ Kỳ Phong - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ampere Computing Việt Nam – cho rằng, cần xác định mục tiêu rõ ràng, định hình cụ thể về ngành đào tạo, từ đó xây dựng sản phẩm đào tạo cùng với chính sách thúc đẩy thì mới có thể đạt được hiệu quả như mong đợi.

vt-vi-mach-ban-dan-2-2801.png
Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng

“Thiết kế vi mạch là ngành có phạm vi rất lớn. Tuy nhiên theo tôi, cốt lõi vẫn là công nghệ máy tính và phần mềm, nên đối với nguồn nhân lực, cần nhất là nhìn rõ đào tạo cụ thể, rõ ràng ngành nghề gì thì mới đạt được mục tiêu”- ông Võ Kỳ Phong nhấn mạnh.

Giải pháo nào cho Đà Nẵng

Ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng – cho biết, Đà Nẵng định hướng ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn theo 3 giai đoạn. Trong ngắn hạn (đến 2030), sẽ tập trung vào hoạt động thiết kế, kiểm thử; trong trung hạn (từ 2031 trở đi) thực hiện các công đoạn sản xuất; và trong dài hạn (từ 2045) sẽ làm chủ một số công nghệ lõi; sản phẩm đi từ SoM (System on Module) đến SiP (System in Package) đến SoC (System on Chip), bám sát xu hướng về tích hợp trí tuệ nhân tạo, tính toán lượng tử và các công nghệ tính toán mới.

“Chính vì vậy, phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, Đà Nẵng lấy nhân lực là yếu tố quyết định. Xác định đào tạo bổ sung, đào tạo lại là nhiệm vụ cần chú trọng bên cạnh đào tạo mới, với các chính sách cần tập trung tạo ra hệ sinh thái kết hợp giữa Nhà nước - nhà trường và nhà doanh nghiệp.

"Chính vì vậy, Đà Nẵng quan tâm đến chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành vi mạch, trí tuệ nhân tạo; chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vi mạch và trí tuệ nhân tạo; chính sách về ưu đãi, thu hút đầu tư lĩnh vực vi mạch, trí tuệ nhân tạo; chính sách về hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhân sự tham mưu cho lĩnh vực vi mạch và trí tuệ nhân tạo, mà đặc biệt là thành lập và đưa Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) vào hoạt động”- ông Nguyễn Quang Thanh nói.

vt-vi-mach-ban-dan-4-4679.png
Ông Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Hàn

Gợi ý cho Đà Nẵng, ông Võ Xuân Hoài cho rằng, Đà Nẵng cần triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo phân công; xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực cho ngành bán dẫn cho địa phương. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn lực của địa phương để hỗ trợ triển khai đào tạo về bán dẫn; tổ chức đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức về ngành công nghiệp bán dẫn cho cán bộ, đồng thời ban hành cơ chế đặc thù để phát triển, vận dụng các quy định về cơ chế đặc thù để tạo động lực, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Đà Nẵng.

Riêng đối với Đại học Đà Nẵng, cần xây dựng các chương trình phát triển cơ sở đại học thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển hàng đầu châu Á trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2045; triển khai các chương trình nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, thực hành ngắn hạn, dài hạn về bán dẫn theo định hướng, phân công tại Đề án.

Bên cạnh đó, huy động tối đa các nguồn lực hiện có, kết hợp với các chương trình, dự án khác, và nguồn hỗ trợ của Nhà nước để đào tạo kỹ sư; kỹ sư thực hành và đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia bán dẫn; tăng cường hàm lượng thực hành trong đào tạo bán dẫn để sinh viên có điều kiện tiếp cận thực tế.

Ông Huỳnh Công Pháp – Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Hàn – cho biết, thực trạng nhân lực và đào tạo vi mạch bán dẫn ở Việt Nam đang phụ thuộc 100% nguồn cung từ nước ngoài. Hiện đang có có khoảng 50 doanh nghiệp lĩnh vực thiết kế vi mạch với khoảng 5.000 kỹ sư ở TP HCM (chiếm 85%), Hà Nội (8%) và Đà Nẵng (7%).

Bên cạnh đó, Việt Nam đang cần 10.000 – 20.000 nhân lực bán dẫn, nhưng còn rất ít trường đại học đào tạo về lĩnh vực vi mạch bán dẫn, quy mô đào tạo chỉ đáp ứng dưới 20% nhu cầu thị trường.

“Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng của ngành vi mạch bán dẫn nên cần nắm bắt cơ hội này. Nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đứt gãy và sự bùng nổ công nghệ mới IoT, điện toán biên, AI, 5G”- ông Pháp chia sẻ.

Tuy vậy, đây cũng là thách thức của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong đào tạo nhân lực và lựa chọn phân đoạn sản xuất trong chuỗi công nghiệp vi mamchj bán dẫn này.

Để nắm bắt cơ hội và xu hướng, đại diện Đại học Việt – Hàn cho rằng, Việt Nam cần chính sách hỗ trợ cho người học, cho chuyên gia nước ngoài, thủ tục visa, hỗ trợ chỗ ở…

“Cần có chính sách hỗ trợ đủ hấp dẫn cho người học thiết kế vi mạch bán dẫn như: học phí ưu đãi, chính sách học bổng, khuyến học… từ các nguồn. Đối với Chính phủ, Bộ ngành, cần có chính sách thúc đẩy nhiều trường đại học, tổ chức, doanh nghiệp tham gia đạo tạo; nhiều loại chương trình đào tạo; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng… Đặc biệt, cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ; thu hút chuyên gia, nhân lực; cải tiến thủ tục mời chuyên gia, giáo sư nước ngoài đến làm việc; cải tiến thủ tục tiếp nhận viện trợ, tài trợ từ nước ngoài… vì hiện nay các thủ tục này rất phức tạp”- ông Huỳnh Công Pháp cho hay.

vt-vi-mach-ban-dan-5-5090.png
Ông Trịnh Thanh Lâm - Giám đốc bán hàng, Synopsys Nam Á

Riêng đối với Đà Nẵng, ông Huỳnh Công Pháp cho rằng, địa phương cần xây dựng Đề án giữ chân và thu hút nhân lực; tài trợ học phí cho sinh viên có hộ khẩu TP Đà Nẵng, hỗ trợ/tài trợ chi phí chỗ ở cho sinh viên ngoài TP Đà Nẵng theo học ICT và vi mạch tại Đà Nẵng (không nhất thiết làm cho cơ quan nhà nước, kể cả doanh nghiệp). Bên cạnh đó, triển khai chương trình đào tạo, tập huấn (Accelerator), đào tạo giảng nguồn tuyển chọn từ các trường đại học tại Đà Nẵng; chính sách thu hút các chuyên gia Việt kiều, người nước ngoài; chính sách đối với người học và doanh nghiệp; tuyển dụng, dự báo nguồn nhân lực…

Dưới góc độ thành viên Tổ tư vấn cho Đà Nẵng trong xây dựng đề án, ông Trịnh Thanh Lâm - Giám đốc bán hàng, Synopsys Nam Á - cho biết, việc thành lập DSAC và các chính sách đang cho thấy Đà Nẵng đã và đang chạy nhanh nhất cả nước, cũng như thể hiện quyết tâm của Đà Nẵng đối với ngành vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

“Bên cạnh các chức năng như các trung tâm khác, DSAC còn có 2 chức năng quan trọng, và được xem là khác biệt đó là hỗ trợ thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế. Trung tâm sẽ như cầu nối trong hợp tác đầu tư và hợp tác đào tạo quốc tế, giúp Đà Nẵng đi nhanh, khai thác hiệu quả lợi thế trong lĩnh vực này”- ông Trịnh Thanh Lâm cho hay.