Trong một phiên điều trần trước Thượng viện trong tuần này, Cố vấn Y tế Nhà Trắng Anthony Fauci và quyền Ủy viên Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ Janet Woodcock đã thảo luận về một giả thuyết mới rằng xét nghiệm dịch họng có thể phát hiện biến chủng Omicron hiệu quả hơn so với xét nghiệm dịch mũi, đặc biệt với các xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
"Một số nghiên cứu mới đây cho thấy độ nhạy của xét nghiệm dịch họng để phát hiện virus SARS-CoV-2 so với xét nghiệm dịch mũi, ít nhất là đối với biến chủng Omicron", chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci nói.
Theo các phát hiện mới đây, so với các biến chủng khác, Omicron có thể nhân bản trong các tế bào miệng và cổ họng tốt hơn so với các biến chủng khác. Điều này đồng nghĩa với việc lấy mẫu xét nghiệm nước bọt có thể là cách tốt hơn để phát hiện sớm người nhiễm biến chủng Omicron.
Giáo sư Don Milton của Đại học Y tế Công cộng Maryland, cho biết các thí nghiệm của ông cho thấy Omicron có thể được phát hiện hiệu quả hơn thông qua nước bọt. Nếu điều này được chứng thực, việc phân phối nhanh các bộ xét nghiệm ở họng có thể giúp giảm nguy cơ âm tính giả.
Một nghiên cứu nhỏ gần đây ở Mỹ cũng cho thấy, xét nghiệm PCR nước bọt của 29 người nhiễm biến chủng Omicron phát hiện virus sớm hơn trung bình 3 ngày trước khi xét nghiệm kháng nguyên dịch mũi cho kết quả dương tính. Do vậy, một số chuyên gia ở Mỹ bắt đầu khuyến nghị lấy dịch họng để xét nghiệm nhanh kháng nguyên trước khi lấy dịch mũi.
Một số quốc gia đã tiến hành cả phương pháp xét nghiệm dịch mũi và họng. Đầu tuần này, Israel đã yêu cầu người dân tự xét nghiệm ở nhà phải làm lấy dịch cả ở mũi và họng để tăng hiệu quả phát hiện biến chủng.
Cơ quan Y tế Quốc gia Anh cũng khuyến cáo lấy dịch cả mũi và họng khi xét nghiệm nhanh Covid-19 tại nhà, nhưng không khuyến cáo chỉ lấy dịch họng. Tuy nhiên, Jonathan Li, bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm tại Anh, cho biết nếu không phải nhân viên y tế, việc lấy mẫu dịch họng tại nhà sẽ khó khăn hơn so với lấy dịch mũi.
Trong khi đó, Bộ Y tế Đức cho biết, cơ quan này sẽ nghiên cứu về độ tin cậy của xét nghiệm kháng nguyên trong việc phát hiện biến chủng Omicron.
Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở châu Phi và đã lan ra khoảng 150 quốc gia trên thế giới. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Hong Kong, so với biến chủng Delta, Omicron có thể nhân bản nhanh hơn 70 lần ở đường hô hấp trên, dẫn đến nguy cơ lây lan cao hơn. Các nghiên cứu ban đầu chỉ ra, mặc dù khả năng cao hơn, nhưng Omicron dường như gây triệu chứng nhẹ hơn so với các chủng khác của SARS-CoV-2.
Theo Dantri.com