Phát hiện lục địa bí ẩn nằm ngay bên dưới châu Âu

VietTimes -- Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra một lục địa bị giấu kín trên Trái đất, nhưng nó không phải là Atlantis. Lục địa này được phát hiện trong lúc giới khoa học đang dựng lại quá trình phát triển địa chất phức tạp của khu vực Địa Trung Hải - với các dãy núi trải dài từ Tây Ban Nha cho tới Iran.
Phần còn lại của lục địa Greater Adria nằm ở dãy Taurus, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: CNN)
Phần còn lại của lục địa Greater Adria nằm ở dãy Taurus, Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: CNN)

Lục địa mới này được gọi là Greater Adria. Nó có kích thước ngang với Greenland và đã tách khỏi Bắc Phi, nhưng rồi bị chôn vùi ở khu vực miền Nam châu Âu vào khoảng 140 triệu năm trước. Bởi vậy mà nhiều người đã đặt chân đến đây trong khi không biết rằng họ đã tới một lục địa bí ẩn.

"Hãy quên Atlantis đi" - Douwe van Hinsbergen, Giáo sư địa chất học và cổ địa lý học tại ĐH Utrecht, nói - "Có rất nhiều du khách mỗi năm vẫn tới đây nghỉ dưỡng mà không biết rằng đó là lục địa Greater Adria".

Nghiên cứu về sự biến đổi của các dãy núi có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu sự tiến hóa của các lục địa.

"Phần lớn các dãy núi mà chúng tôi theo dõi đều bắt nguồn từ một lục địa duy nhất từng tách khỏi Bắc Phi vào khoảng hơn 200 triệu năm trước" - ông van Hinsbergen nói - "Phần duy nhất còn lại của lục địa này là một dải đất chạy dọc từ Turin, đi qua biển Adriatic tới phần gót của chiếc giày (hình dáng của đất nước Italy) hình thành nên đất nước Italy".

Giới địa chất học gọi khu vực này là Adria, vậy nên các nhà nghiên cứu đặt tên cho lục địa mới được phát hiện là Greater Adria.

Ở khu vực Địa Trung Hải, các nhà địa chất có nhiều cách hiểu khác nhau về kiến tạo mảng. Đây là một giả thuyết lý giải sự hình thành của các đại dương và lục địa; và đối với phần còn lại của Trái đất, giả thuyết này cho rằng các mảng kiến tạo không bị biến dạng khi chúng di chuyển cùng nhau trong các khu vực có đường đứt gãy lớn.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ, và Địa Trung Hải, lại hoàn toàn khác.

"Cách lý giải khá đơn giản: Mọi thứ đều bị bẻ cong, đứt gãy và xếp chồng lên nhau" - ông Van Hinsbergen nói - "Chẳng hạn như dãy Himalaya đại diện cho một hệ thống khá đơn giản. Ở đó, bạn có thể nhìn thấy những đường đứt gãy lớn với khoảng cách hơn 2.000 km".

Trong trường hợp Greater Adria, phần lớn lục địa ở dưới nước và được bao phủ bởi nước biển và các rặng san hô. Các trầm tích hình thành các tảng đá và những thứ đó đã bị chôn vùi khi Greater Adria nằm dưới lớp che phủ của miền Nam châu Âu. Những tảng đá đó cấu thành các rặng núi ở nhiều khu vực gồm Alps, Apennines, Balkan, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Công việc dựng lại quá trình phát triển của các rặng núi ở Địa Trung Hải cần có sự phối hợp, bởi nó bao phủ hơn 30 quốc gia, mỗi nước lại có nghiên cứu địa chất học, bản đồ hay giả thuyết về sự hình thành riêng biệt - các nhà nghiên cứu cho hay.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng Greater Adria bắt đầu tự hình thành lục địa từ khoảng 240 triệu năm trước, vào thời kỳ Triassic. Ông Hinsbergen cho hay: "Từ việc ghép nối những bức tranh, bản đồ của Greater Adria và một số lục địa nhỏ, hiện là một phần của Romania, Bắc Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Armenia, những tàn dư biến dạng của vài km trên cùng của lục địa vẫn có thể được nhìn thấy từ các dãy núi. Phần còn lại của mảng lục địa dày khoảng 100 km, ẩn sâu dưới miền Nam châu Âu."

Đây không phải lần đầu tiên mà một lục địa bí ẩn được phát hiện.

Vào tháng 1/2017, các nhà nghiên cứu tuyên bố phát hiện một lục địa từng bị tách khỏi siêu lục địa Gondwana - quá trình này bắt đầu từ 200 triệu năm trước. Phần lục địa bị tách - bị bao phủ bởi nham thạch - giờ nằm bên dưới Mauritius, một hòn đảo nằm trên Ấn Độ Dương. Và vào tháng 9/2017, một nhóm các nhà khoa học khác cũng phát hiện ra lục địa Zelandia thông qua hoạt động khoan đào ở vùng biển Nam Thái Bình Dương. 2/3 lục địa này nằm dưới đáy biển sâu.

Theo CNN