Theo đó, Ấn Độ đã gửi lời mời dự thầu đến 4 nước gồm Nga, Pháp, Mỹ, Anh tham gia cùng Ấn Độ đóng tàu sân bay mới và cung cấp máy bay chiến đấu cho tàu này.
Tàu sân bay mới này dự kiến có tên Vishal, dài 300 m, ngang 70 m, lượng choán nước 65.000 tấn, có thể mang theo tới 54 máy bay. Động cơ của tàu có thể là hạt nhân với vòng đời hoạt động 50 năm. Dự kiến kinh phí bỏ ra cho con tàu sân bay hạt nhân này khoảng 5 tỉ USD, và đây sẽ là tàu chiến lớn nhất của Ấn Độ.
Nga bày tỏ ý định tham gia đóng và cung cấp loại tiêm kích tàu sân bay MiG-29K cho Ấn Độ dùng trên tàu này. Hiện Nga đang cung cấp loại máy bay này cho tàu sân bay Vikramaditya của Ấn Độ, nguyên là tàu sân bay do Nga cải tạo và bán lại cho Ấn Độ.
Còn phía Pháp chào loại tiêm kích Rafale M dùng trên tàu sân bay. Pháp cũng đã đạt hợp đồng cung cấp 36 chiếc tiêm kích Rafale cho Không quân Ấn Độ.
Trang tin quốc phòng Nga bmpd cho rằng thậm chí Nga có thể đề xuất hợp tác Ấn Độ chế tạo mẫu máy bay tàng hình cho tàu sân bay mới, tương tự loại FGFA (phiên bản xuất khẩu của máy bay tàng hình T-50 PAK FA) mà hai nước đang cộng tác nghiên cứu phát triển. Hồi đầu tháng 2.2016, có tin Hải quân Nga yêu cầu phát triển phiên bản T-50 cho tàu sân bay.
Tàu sân bay Vikramaditya là tàu chiến lớn nhất hiện tại của Hải quân Ấn Độ - Ảnh: Bộ Quốc phòng Ấn Độ |
Theo NDTV, hiện Hải quân Ấn Độ có 2 tàu sân bay đang hoạt động là chiếc Vikramaditya (lượng choán nước 45.000 tấn, là cải tạo từ tàu tuần dương - sân bay Đô đốc Gorshkov của Nga, bán cho Ấn Độ năm 2011, hoạt động từ 2013) và tàu sân bay Viraat (28.000 tấn, là tàu sân bay Hermes của Anh đóng từ năm 1959, bán cho Ấn Độ năm 1985).
Dự kiến đến năm 2018 tàu Viraat sẽ nghỉ hưu và được thay bằng tàu sân bay Vikrant đang đóng (37.000 tấn) với sự hỗ trợ của Nga và Ý. Tàu Vikrant sẽ trang bị loại tiêm kích MiG-29K của Nga.
Theo Thanh Niên