Máy bay ném bom chiến thuật Su-34 là một trong những “con ngựa chiến” của chiến dịch Syria, do Công ty Sukhoi thuộc Tổng công ty Chế tạo máy bay thống nhất (OAK) sản xuất. Việc sản xuất máy bay đang được thực hiện ở Novosibirsk, tại Nhà máy mang tên V.P. Chkalov.
Ngày 28/10/2015, Công ty Sukhoi đã bàn giao cho VKS lô Su-34 mới theo Đơn đặt hàng nhà nước năm 2015. Các máy bay đã cất cánh từ sân bay của Nhà máy Chkalov bay đến nơi đóng quân. “Màn trình diễn” của Su-34 ở Syria cho phép Nhà máy hy vọng nhận được thêm các hợp đồng từ nước ngoài. Trong năm 2015, Nhà máy dự kiến sản xuất 16 máy bay chiến đấu và theo tuyên bố của Phó Thống đốc tỉnh Novosibirsk, ông Sergei Syomka, thì sẽ tăng sản lượng trong thời gian tới. “Các xí nghiệp của chúng tôi hiện nay làm việc không ngừng nghỉ. Kế hoạch cho năm sau là tăng tương đối nhỏ ở mức 3-4%”, ông Syomka nói.
Hiện nay, Nhà máy ở Novosibirsk đang làm việc với hiệu quả tối đa. Hợp đồng nhà nước với Bộ Quốc phòng Nga cung cấp Su-34 cho VKS đến năm 2020 bảo đảm công việc ổn định cho nhà máy trong những năm tới. Năm 2014, VKS nhận được 18 máy bay, nhiều hơn 2 chiếc so với mức dự định của Hợp đồng nhà nước. VKS đến cuối năm 2015 sẽ nhận 2 lô (gần 10 máy bay) Su-34, hãng Interfax dẫn một nguồn tin trong công nghiệp quốc phòng Nga đưa tin.
Phương thức tác chiến chính của Su-24М và Su-34 là ném bom từ trạng thái bay bằng ở độ cao gần 5.000 m, bên ngoài khu vực sát thương của phương tiện phòng không lục quân, trước hết là pháo tự hành và tên lửa phòng không mang vác. Su-25 còn tác chiến với thủ đoạn tấn công bổ nhào.
Tiêm kích bom đa năng Su-30SM (“S” - nghĩa là sản xuất loạt, “M” - là hiện đại hóa) là biến thể dành cho VKS. Ban đầu, máy bay này được xuất cho Ấn Độ với tên Su-30MKI. Năm 2015, OAK và Nhà máy chế tạo máy bay Irkutsk dự định chuyển giao 27 máy bay cho Bộ Quốc phòng Nga.
Theo khái niệm bảo vệ máy bay ném bom từ trên không, VKS vẫn triển khai Su-30SM, tuy số lượng không nhiều, chỉ có gần 4 máy bay, mặc dù IS không có không quân. Nhưng không ai có thể cam đoan sẽ không xuất hiện một máy bay tiêm kích khủng bố “điên rồ” nào đó, hay một nước nào đó bỗng tìm cách kiềm chế hoạt động của VKS ở Syria.
Hơn nữa, Su-30SM tự thân còn là một máy bay ném bom, nhưng vai trò chính của nó trong chiến dịch Syria trước hết là hộ tống. Chính tổ lái Su-30SM đã lần đầu tiên có “tiếp xúc” với máy bay Mỹ trên bầu trời Syria.
Ngày 10/10/2015, “khi tiến vào khu vực đã định, hệ thống cảnh báo chiếu xạ vốn được trang bị cho tất cả các máy bay của chúng tôi đã phát hiện có bức xạ phát từ một vật thể bay lạ. Một tiêm kích của chúng tôi đã quay lại và bay đến gần ở cự ly gần 2-3 km không phải để đe dọa ai mà để nhận dạng vật thể này và quốc tịch của nó. Sau đó, chiếc Su-30SM của Nga đã quay về tốp bay chiến đấu để thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói với các phóng viên. Theo lời ông, cuộc chạm trán của các máy bay đã diễn ra khi một tốp máy bay Nga với sự yểm trợ của một tiêm kích Su-30SM đang làm nhiệm vụ chiến đấu tiêu diệt một trong các mục tiêu của IS ở tỉnh Aleppo.
Cũng cần lưu ý đến vai trò lớn của công nghiệp Nga trong việc đổi mới trang bị của quân đội Nga khi mà chỉ riêng các xí nghiệp của OAK trong 3-4 năm qua đã bàn giao cho quân đội Nga hơn 200 máy bay mới thuộc các loại Yak-130, Su-30SM, Su-34 và Su-35S.
Để chọc tức Nga, các chuyên gia phương Tây nói rằng, không quân liên minh chống IS trong một năm kể từ khi mở chiến dịch ở Iraq và Syria đã sử dụng hơn 20.000 đơn vị vũ khí hàng không, tỷ lệ vũ khí chính xác cao là 99%, còn Nga sử dụng toàn bom “ngu” với độ chính xác thấp, gây ra nhiều tàn phá và thương vong đi kèm.
Chiếm tỷ lệ áp đảo trong các vũ khí hàng không được VKS sử dụng đúng là các loại bom không điều khiển OFAB-100 và OFAB -200, bom chùm RBK-500-SPBE-D, bom nhiệt áp ODAB-500RMV và bom xuyên bê tông BETAB-500-M62. Tuy nhiên, đa số báo chí phương Tây tuy có chỉ trích tham số độ chính xác sử dụng bom không điều khiển của Nga, nhưng chẳng nêu ra được dữ kiện cụ thể nào.
Trên thực tế, điều đó chứng tỏ rằng, việc hoàn thiện các hệ thống điều khiển vũ khí trên khoang của các máy bay ném bom chiến thuật Nga về mặt sử dụng bom không điều khiển đã mang lại kết quả tích cực. Sai lệch khi ném bom không điều khiển từ trạng thái bay bằng từ độ cao gần 5.000 m từ máy bay Su-34 là 25-50 m, điều mà đối với một quả bom nặng 250 kg có nghĩa là gần như chắc chắn tiêu diệt được mục tiêu.
Khả năng gia tăng của VKS về mặt sử dụng vũ khí chính xác cao, ví dụ tên lửa dẫn bằng laser Kh-25L và nhất là bom KAB-500S dẫn bằng tín hiệu định vị vệ tinh GLONASS cũng được ghi nhận. Cho đến nay, phương Tây vẫn cho rằng, Nga lạc hậu hơn 20 năm so với họ về mặt chế tạo các mẫu vũ khí chính xác cao hiện đại, trước hết là vũ khí dẫn bằng tín hiệu vệ tinh như chương trình JDAM của Mỹ.
Rõ ràng là tỷ lệ vũ khí chính xác cao mới được sử dụng ở Syria so với các vũ khí hàng không không điều khiển là nhỏ, nhưng bản thân sự hiện diện của chúng và việc sử dụng tác chiến thành công từ các máy bay hiện đại hóa và máy bay mới như Su-34 cho thấy không chỉ sự thể hiện ấn tượng của tiềm lực quân sự mới của Nga trong điều kiện thực chiến, mà cả những thành công trong các nỗ lực nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội Nga trong những năm gần đây, trong đó có trình độ huấn luyện phi công.
Bất chấp mọi chỉ trích, VKS đã cho thấy khả năng duy trì cường độ xuất kích chiến đấu cao trong suốt cả tháng, độ tin cậy và chính xác không kích cao so với liên quân chống IS đã không đạt được kết quả rõ ràng trong cuộc chiến chống IS.
Theo VND