Phan Sào Nam và VTC Online: “Không có chiến lược đúng, ngai vàng nào rồi cũng sụp“

VietTimes -- Cách đây 6 năm, trong một lần trả lời với báo chí, Phan Sào Nam (lúc đó đang là Chủ tịch VTC Online) từng nói: “ Không có chiến lược đúng, ngai vàng nào rồi cũng sụp”. Cả giới công nghệ khi ấy đều đánh giá “Hoàng tử bóng đêm” (biệt danh của Phan Sào Nam) trẻ, đa tài và quyết đoán. Ông luôn tâm niệm thành công có được là do kết hợp được 3 nhân tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nhưng sau 6 năm, khi mà “nhân không hòa, địa không lợi, thời thế lại thay đổi”, cả Phan Sào Nam và VTC Online đều gặp những biến cố lớn mà nguyên nhân đều xuất phát từ việc… không có một chiến lược đúng đắn.
Ông Phan Sào Nam  - Nguyên Chủ tịch VTC Online (ảnh Internet)
Ông Phan Sào Nam - Nguyên Chủ tịch VTC Online (ảnh Internet)

Khi cực thịnh…

Sinh năm 1979, ông Phan Sào Nam từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP. HCM. Trong khi bạn bè đi Anh, Mỹ… để du học thì Nam lại chọn Hàn Quốc – một quốc gia có nền văn hóa giống Việt Nam và có những huyền thoại thần kỳ về sự vươn mình trỗi dậy. Tại đây, Nam theo học về IT Business Management, một ngành rất mới khi đó, ngành này kết hợp 2 lĩnh vực: quản trị và công nghệ thông tin.

Về nước đúng vào thời điểm bùng nổ internet, Phan Sào Nam được mời về Trung tâm Internet FPT HCM – tiền thân FPT Telecom làm Phó Giám đốc. Nhưng thời điểm đó, doanh nghiệp này đang tái cấu trúc nên Phan Sào Nam “Bắc tiến”  đầu quân cho VASC.

Năm 2006, khi VTC quyết định đầu tư vào nội dung số,  một “đàn anh” trong lãnh đạo công ty đã kéo Nam và một số anh em ở VASC về. Tại đây, Phan Sào Nam được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc VTC Intecom khi mới 27 tuổi.

Hai năm sau, Phan Sào Nam cùng một số cộng sự sáng lập CTCP truyền thông trực tuyến VTC (VTC Online), sau đó lần lượt giữ các chức vụ CEO, Phó Chủ tịch kiêm CEO, rồi đến Chủ tịch VTC Online.

Cả giới công nghệ khi ấy đều đánh giá “Hoàng tử bóng đêm” (biệt danh của Phan Sào Nam) trẻ, đa tài và quyết đoán. Ông luôn tâm niệm thành công có được là do kết hợp được 3 nhân tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Lãnh đạo VTC Online bấy giờ đánh giá Phan Sào Nam là một người có tài, ông chính là người có công trong việc kêu gọi được khoản đầu tư 10 triệu USD cho VTC Online từ Công ty Quản lý Quỹ Duxton năm 2012. Bên cạnh đó, với sự góp sức của Nam, sau 3 năm hình thành và phát triển, VTC Online trở thành 1 trong 3 công ty công nghệ mạnh nhất Việt Nam, đặc biệt là về game. Trong đó có những game hết sức thành công như: CF, Fifa Online 2... Ở thời điểm đó, VTC Online được định giá hàng nghìn tỷ đồng, có tới hơn 500 nhân viên. Với vẻ ngoài rất lãng tử, Phan Sào Nam được người trong giới và báo chí đặt biệt danh “hot boy” là làng công nghệ, ưu ái dùng những mỹ từ: “trẻ, đa tài và quyết đoán”.

cũng là lúc khởi suy

Sau giai đoạn thăng hoa (2009-2011), Phan Sào Nam và VTC Online đã phải nếm trái đắng đầu tiên. Chiến lược “Go Global” thất bại với việc 10 văn phòng đại diện tại nước ngoài đã phải đóng tới 6, chỉ còn 4 văn phòng hoạt động. VTC Online đã mất số tiền không nhỏ từ những thương vụ này.

Bên cạnh đó, việc quyết định đầu tư vào những dự án không hiệu quả như mạng xã hội go.vn hay những thất bại về game bóng rổ, game giáo dục … đã khiến VTC Online xuống dốc không phanh.

Theo BCTC hợp nhất năm 2015 đã được kiểm toán của VTC Online, tại ngày 31/12/2015, nợ ngắn hạn của công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 81,812 tỷ đồng (1/1/2015 – đã phân loại lại : 76,563 tỷ đồng). Công ty này cũng có những khoản vay lớn cần tài trợ trong vòng 12 tháng kế tiếp trị giá 97,044 tỷ đồng.

Sang đến năm 2016, tình hình cũng không có gì khả quan hơn, nợ ngắn hạn của VTC Online vẫn vượt quá tài sản ngắn hạn là 40,297 tỷ đồng, công ty này vẫn tồn tại các khoản vay lớn cần tài trợ trong vòng 12 tháng kế tiếp trị giá 55,173 tỷ đồng.

Với tình hình này, Công ty kiểm toán KPMG (công ty kiểm toán VTC Online) trong 2 năm liên tiếp đã đưa ra nhận định: “Những yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty”.

Đồng thời, hãng kiểm toán uy tín này còn hé lộ một thông tin liên quan đến việc VTC online trình bày các khoản tiền đã nhận từ việc phát hành cổ phiếu cho IDG Ventures và Prime Limtied.  Theo đó, VTC Online đã có những thỏa thuận “lạ kỳ” khi nhận đầu tư vốn đầu tư của 2 quỹ ngoại này.

Đầu tư hay cho vay?

Cụ thể, KPMG cho biết: “Tại ngày 31/12/2014, Công ty (VTC Online) đã trình bày các khoản tiền từ việc phát hành cổ phiếu cho Công ty IDG Ventures VietNam và Công ty Prime Limited trong các năm 2010 và 2012 theo các hợp đồng thỏa thuận được ký giữa công ty và NĐT này trong khoản mục vốn sở hữu của Công ty. Tuy nhiên, các hợp đồng/thỏa thuận này cho phép các NĐT được quyền bán lại số cổ phiếu đã mua theo mức giá thỏa thuận trong hợp đồng sau môt thời hạn đã được quy định hoặc nếu Công ty không đạt một số điều kiện nhất định”.

“Theo Thông tư số 210/2009/TT-BTC ngày 6/11/2009 của BTC hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính về thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính, các công cụ tài chính không bao gồm nghĩa vụ theo hợp đồng để trả tiền hoặc tài sản tài chính cho đơn vị khác theo các điều kiện có thể bất lợi cho người phát hành và các công cụ tài chính không phải là công cụ vốn chủ sở hữu được tổ chức phát hành trình bày là nợ phải trả. Nếu Công ty áp dụng theo Thông tư 210, một phần, hoặc toàn bộ số tiền thu được từ phát hành cổ phần cho IDG  Ventures và Prime Limited mà Công ty đang ghi nhận là vốn chủ sở hữu có thể phải trình bày lại là nợ phải trả”- Trích cơ sở kiểm toán loại trừ của KMPG trong BCTC riêng năm 2015 của VTC Online.

Như vậy, khác với hình dung của nhiều người, VTC Online đã chủ động “đưa đằng chuôi” cho hai đối tác ngoại nắm và nhận “đằng lưỡi” về phần mình. Bởi nếu VTC Online tuân thủ theo Thông tư 210, thực chất khoản đầu tư của IDG  Ventures và Prime Limited là một khoản cho vay với “thời hạn được ấn định” và rủi ro hơn là “quyền mua” này có thể kích hoạt bất cứ lúc nào nếu VTC Online “ không đạt một số điều kiện nhất định”.

Rủi ro là vậy, nhưng đây chưa hẳn là những “chiến lược không đúng đắn” của VTC Online và ông Phan Sào Nam. Thay vì tập trung xây dựng và phát triển VTC Online, Pham Sào Nam đã “bắt tay” với Nguyễn Văn Dương – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (CNC) để điều hành đường dây đánh bạc trá hình qua mạng với quy mô lớn, thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng.

Vụ việc bị phát giác, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương về tội Tổ chức đánh bạc. Ngoài ra, cơ quan CSĐT đã khởi tố trên 80 bị can, bắt giữ 38 người về các hành vi tổ chức đánh bạc, đánh bạc, rửa tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đường dây này. Đáng chú ý, trong số bị can bị khởi tố có  ông Nguyễn Thanh Hóa – Nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát Phòng Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 – Bộ Công an. Ông Hóa được cho là có tham gia tiếp tay cho đường dây đánh bạc nói trên trong một thời gian dài. Từ cuối năm 2017, ông Hóa và nhiều cán bộ thuộc C50 đã bị đình chỉ chức vụ, công tác để kiểm điểm các sai phạm có liên quan.

Theo nguồn tin riêng của VietTimes, một số lãnh đạo chủ chốt của VTC Online nhiều ngày nay đã không tới nơi làm việc. Để làm rõ thông tin, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với ông Trần Phương Huy, Chủ tịch HĐQT VTC Online để xác minh. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía ông Huy và VTC Online về vấn đề này.