PV: Một trong những chủ đề nóng nhất hiện nay là quan hệ giữa hai siêu cường Mỹ - Trung, bởi đây là mối quan hệ rường cột mang tính định hình trật tự quan hệ quốc tế hiện tại. Ông nhận định gì về chiều hướng quan hệ Mỹ - Trung thời gian qua?
Ông David Shear: Trong hơn 30 năm qua, quan hệ song phương Mỹ - Trung được xây dựng dựa trên các lợi ích chung. Mặc dù những bất đồng luôn tồn tại nhưng hai bên đều sẵn sàng tìm cách thu hẹp khoảng cách. Đây là nền tảng để giữ cho quan hệ không tiến đến bờ vực đổ vỡ.
Nhưng qua quan sát của tôi, quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi nghiêm trọng, nhất là từ khi Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền năm 2017 trong khi hoàn toàn thiếu vắng nền tảng niềm tin chiến lược như đã đề cập ở trên.
Đại dịch Covid-19 khiến cho tình hình còn trở nên tồi tệ hơn. Trong suốt mấy tháng gần đây, chúng ta đã chứng kiến trò chơi đổ lỗi, “hòn bấc ném đi hòn chì ném lại” giữa hai bên.
Chính quyền của ông Tập đã gọi cả Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo là những kẻ dối trá. Trong khi đó, lập trường của ông Trump buộc tội Trung Quốc phải chịu trách nhiệm phát tán virus đã được phản ánh rộng rãi trên truyền thông.
Sự căng thẳng giữa hai bên không chỉ diễn ra trong lời nói mà còn leo thang trên thực địa. Các hoạt động quân sự của cả hai bên đã gia tăng ở những điểm nóng trong quan hệ như eo biển Đài Loan sau diễn văn nhậm chức của lãnh đạo Thái Anh Văn, hay ở Biển Đông khi Bắc Kinh ra sức đẩy nhanh các hoạt động quân sự hóa và Hoa Kỳ buộc phải thể hiện động thái cứng rắn như điều tàu và máy bay trinh sát đến vùng biển chiến lược này.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, Hoa Kỳ đã gia tăng hoạt động quân sự trên không và trên biển “sát cửa” Trung Quốc nhiều gấp ba lần so với cả năm 2019.
Sự căng thẳng giữa hai bên không chỉ diễn ra trong lời nói mà còn leo thang trên thực địa
|
Hành xử thù địch công khai và trực tiếp này càng được “đổ thêm dầu vào lửa” khi các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc hầu như cắt liên lạc trực tiếp. Trong quá khứ ở các đời tổng thống tiền nhiệm, kênh liên lạc trực tiếp này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định của quan hệ song phương.
Tuy nhiên, ông Trump ít khi liên lạc với ông Tập. Cuộc điện đàm gần đây nhất với ông Tập là ngày 26/3. Tình trạng tương tự cũng diễn ra giữa Ngoại trưởng Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Esper với những người đồng cấp bên phía Trung Quốc.
- Nguyên nhân sâu xa khiến quan hệ Mỹ - Trung xấu đi nhanh chóng là gì, thưa ông?
Ông David Shear: Quan hệ Mỹ - Trung đảo chiều nhanh chóng phải kể đến thời điểm năm 2012 khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Đó cũng là khi Bắc Kinh chính thức từ bỏ chiến lược “giấu mình chờ thời” và công khai theo đuổi tham vọng bá quyền và gia tăng các hành động quyết đoán nhằm mở rộng lợi ích và ảnh hưởng của mình trên toàn cầu.
Chúng ta đã được chứng kiến Bắc Kinh ngày càng quyết liệt theo đuổi cái mà ở Mỹ chúng tôi gọi là “ngoại giao chiến lang”. Đây là thuật ngữ bắt nguồn từ một bộ phim hành động của Trung Quốc năm 2015 (bộ phim Chiến lang (Wolf Warrior) - NV), trong đó Lực lượng Đặc nhiệm Trung Quốc chiến đấu chống lại một loạt kẻ thù, trong đó có Mỹ.
“Ngoại giao chiến lang” được dùng để mô tả sự hung hăng và trắng trợn trong cách mà Trung Quốc theo đuổi các tham vọng của mình hiện nay.
Ví dụ dễ thấy nhất chẳng hạn như Đại sứ Trung Quốc tại Úc đã công khai chế nhạo nước này về đề xuất xây dựng bộ quy tắc ứng xử cộng đồng quốc tế trong việc truy xuất nguồn gốc của virus corona chủng mới.
Tiếp đó, Bắc Kinh ra lệnh hạn chế nhập khẩu thịt bò của Úc. Ví dụ khác là việc Bắc Kinh liên tiếp gia tăng các hoạt động khiêu khích ở Biển Đông, trong đó có những vụ đánh chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam gần đây.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục diễn ra
|
Tầm nhìn tham vọng và sự quyết đoán của chính quyền ông Tập đã khiến cho Mỹ trở nên dè chừng và ngày càng coi Bắc Kinh là một nguy cơ thách thức địa vị của Mỹ trong trật tự quốc tế.
Nếu như trong suốt 3 thập kỷ trước, chính sách nhất quán của cả Dân chủ và Cộng hòa là đưa Trung Quốc gia nhập hệ thống thỏa thuận đa phương, thông qua thương mại và giao lưu nhân dân, thậm chí thúc đẩy tự do hóa ở nước này đến một chừng mực nhất định thì nay cả hai Đảng đều có quan điểm chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trên tất cả các bình diện chính trị, an ninh và kinh tế-thương mại như chúng ta đang chứng kiến.
- Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, người ta chứng kiến Bắc Kinh không ngừng gia tăng các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông. Họ đang toan tính điều gì?
Ông David Shear: Những gì mà Bắc Kinh đang làm ở Biển Đông kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra hoàn toàn nhất quán với chiến lược lâu nay của họ, đó là xây dựng các cơ sở quân sự trên những đảo mà Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa và Hoàng Sa (của Việt Nam), đe dọa, bắt nạt các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, phớt lờ luật pháp quốc tế.
Mục tiêu của Trung Quốc là giành thế cửa trên, nhất là về mặt quân sự ở Biển Đông. Không nghi ngờ gì nữa, mối đe dọa của Trung Quốc đối với tự do hàng hải cũng như các nước có tuyên bố chủ quyền của Biển Đông ngày càng thể hiện rõ ràng.
Trong khi đó, việc các nước trong khu vực phải tập trung kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và xao lãng sự chú ý đến Biển Đông đã tạo thời cơ thuận lợi cho Bắc Kinh tăng cường các hoạt động khẳng định chủ quyền nhằm kiểm soát vùng biển chiến lược này.
Mục tiêu của Trung Quốc là giành thế cửa trên, nhất là về mặt quân sự ở Biển Đông
|
- Vậy phải chăng sự trỗi dậy của Bắc Kinh là không thể ngăn cản, nhất là khi Mỹ đang phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh và sự chia rẽ trong nước?
Ông David Shear: Trung Quốc sẽ luôn muốn bạn nghĩ rằng không gì có thể ngăn cản được họ. Nhưng thực tế thì không phải vậy. Bản thân Trung Quốc đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về mặt kinh tế.
Hố sâu ngăn cách giàu nghèo và bất bình đẳng ngày càng gia tăng và gây bất bình trong nhiều tầng lớp xã hội. Trong khi chúng ta tưởng rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đang dành rất nhiều thời gian cho chính sách đối ngoại thì thực chất, các vấn đề đối nội mới đang khiến ông ta phải bận tâm.
Nói cách khác, mặc dù Trung Quốc nhìn có vẻ mạnh mẽ và “ăn to nói lớn” nhưng họ còn một chặng đường dài trước khi có thể phát triển được một chiến lược ngoại giao tinh tế mà họ cần phải có để duy trì các quan hệ ổn định và gia tăng ảnh hưởng của họ ở Đông Nam Á.
Và đừng quên, cho dù phải gồng mình chống dịch thì Mỹ vẫn không quên mối đe dọa từ Trung Quốc và Mỹ vẫn sẽ duy trì sự hiện diện ở khu vực này. Cứng rắn hơn với Trung Quốc là một chính sách đạt được sự đồng thuận lưỡng Đảng và đã bắt đầu từ thời chính quyền Obama, với chính sách tái cân bằng về châu Á.
Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc trở thành một trọng tâm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm nay. Cả hai ứng viên sẽ cạnh tranh nhau để chứng minh ai là người có chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong cuộc bầu cử lần này.
-Với những căng thẳng hiện tại, liệu quan hệ Mỹ - Trung có rơi vào đổ vỡ, đối đầu, thưa ông?
Ông David Shear: Để Trung Quốc và Mỹ có thể kiểm soát được nguy cơ khủng hoảng, hai cường quốc cần phải tăng cường lòng tin chiến lược, đối thoại giữa các quan chức cấp cao của hai nước, và phải kiềm chế. Cả ba yếu tố này gần đây đều đang suy giảm.
Mặc dù vậy, cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn thấy khủng hoảng xảy ra. Về phía Tổng thống Donald Trump, mặc dù ông có thể gia tăng tần suất chỉ trích Trung Quốc, ông ta cũng không muốn thấy một biến cố nào xảy ra từ giờ cho đến bầu cử. Phía Trung Quốc cũng vậy.
Nhưng nguy cơ khủng hoảng vẫn còn đó, xét ở góc độ ngoại giao khu vực, các hoạt động quân sự trong khu vực và nguy cơ đổ vỡ hợp tác tài chính Mỹ - Trung.
(còn tiếp)