Seelro sống trong một ngôi làng làm nghề nông có tên Allah Dino Seelro, nơi mà người dân sống trong những túp lều đắp bằng đất, sử dụng phân bò làm chất đốt, và vận chuyển hàng hóa trên lưng lừa...và người dân nơi đây tá hỏa khi phát hiện ra rằng có nhiều người trong làng bị nhiễm HIV trong tháng trước.
"Dân làng ngừng đến thăm chúng tôi" - anh Seelro nói - "Họ thậm chí còn không dám ăn chung với chúng tôi".
21 người trong làng Allah Dino Seelro - ngôi làng có tổng dân số khoảng 1.500 người - bị chẩn đoán nhiễm virus HIV trong tháng trước, trong đó có 17 trẻ em - Bác sĩ Ramesh Lal Shetiyah làm việc tại bệnh viện địa phương, cho hay. Trình độ học thức của người dân nơi đây khá thấp, và hiểu biết của họ về căn bệnh này cũng ít ỏi, điều này khiến cho nhiều người không hiểu lý do vì sao mà họ bị nhiễm.
Nhưng vấn đề của ngôi làng này chỉ là phần chóp của tảng băng trôi.
Hôm Chủ nhật tuần trước, chính quyền Pakistan tuyên bố rằng trong suốt 2 tháng qua, đã có 681 người - trong đó có 537 trẻ em trong độ tuổi 2-12 - được xét nghiệm dương tính với HIV ở Ratodero, một khu vực có 330.000 người sinh sống thuộc tỉnh Sindh, Đông Nam Pakistan. Đây là khu vực bao trùm cả ngôi làng Allah Dino Seelro.
Trong bối cảnh Pakistan - đất nước có dân số đông thứ 6 trên thế giới với 200 triệu dân - đối mặt với đợt bùng phát HIV, giới chuyên gia đã đổ lỗi cho cho thực trạng nhiều bác sĩ sử dụng lại kim tiêm.
Dù cho chính quyền Pakistan chưa đưa ra kết luận chính thức về nguyên nhân của đợt bùng phát này, nhưng ông Zafar Mirza - cố vấn đặc biệt của Thủ tướng về vấn đề sức khỏe - nói trong một cuộc họp báo mới đây rằng: "Có một vấn đề lớn ở Pakistan, đó là việc các ống kim tiêm đã qua sử dụng được đóng gói lại, và đem bán lại".
Một nhà hoạt động tuyên truyền cho người dân không sử dụng chung ống tiêm (Ảnh: CNN)
|
Khủng hoảng y tế
Nỗi lo về một đợt bùng phát HIV đã xuất hiện trong tháng 4 năm nay, khi một vị bác sĩ có tên Imran Arbani - người vận hành một phòng khám tư nhân ở Ratodero - phát hiện ra một đợt bùng phát HIV. Ông Arbani thông báo cho giới truyền thông địa phương. Kể từ đó, hơn 14.000 người được đi xét nghiệm ở thành phố này.
Trong lúc ngày càng có thêm nhiều người được xét nghiệm dương tính với HIV trong nhiều khu vực ở tỉnh Sindh - cách thủ đô Islamabad khoảng 1.000 km - các hệ thống chăm sóc y tế bỗng chốc bị quá tải. "Các bệnh viện chật cứng người" - ông Mirza nói - "Đến thăm và chứng kiến mới thấy được thực trạng của vấn đề này".
Đáng chú ý và sốc nhất là vào thời điểm cuối tháng 4, bác sĩ Muzaffar Ghanghro ở thành phố Ratodero đã bị cảnh sát bắt giữ vì liên quan tới cuộc khủng hoảng HIV, sau đó bị buộc tội âm mưu giết người và gây nguy hiểm tới sinh mạng con người hoặc khiến nạn nhân chịu tổn hại nặng nề về thể chất. Kẻ này hiện đang ngồi sau song sắt ở Ratodero, trong lúc cảnh sát tiếp tục điều tra thêm các cáo buộc.
Nhưng ông Athar Abbas Solangi, luật sư của bác sĩ Ghanghro, khăng khăng cho rằng thân chủ mình vô tội. "Vị bác sĩ này đã bị biến thành kẻ giơ đầu chịu báng vì cuộc khủng hoảng trong khu vực" - ông Solangi nói, cho rằng cảnh sát không hề phát hiện ra bất cứ ống tiêm sử dụng lại nào trong phòng khám của bác sĩ - "Công việc mà ông ấy làm là hợp pháp".
HIV luôn là một nỗi ám ảnh ở Pakistan, nơi mà người ta ước tính có 150.000 người lớn và trẻ em đang sống chung với HIV. Tuy nhiên, đợt bùng phát ở Sindh là bất thường bởi nó ảnh hưởng chủ yếu tới trẻ em. Trước khi đợt bùng phát diễn ra, chỉ có 1.200 trẻ em trên toàn lãnh thổ Pakistan đang phải điều trị HIV - theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Sự việc bất thường ở Sindh đã khiến các nhà điều tra nỗ lực tìm ra nguyên nhân của đợt bùng phát mới nhất. HIV có thể truyền nhiễm thông qua truyền máu, tình dục không an toàn hoặc qua ống tiêm đã sử dụng. Với độ tuổi của một số trẻ bị nhiễm, ông Mirza cho rằng, nguyên nhân chính của đợt bùng phát chính là sử dụng chung kim tiêm.
Muzaffar Ghanghro, vị bác sĩ bị cáo buộc đã gây ra đợt bùng phát HIV do sử dụng chung kim tiêm (Ảnh: CNN)
|
Hiểm họa từ những mũi tiêm
Tình trạng sử dụng ống kim tiêm đã qua sử dụng còn vươn xa ra khỏi thành phố Ratodero - và đã tiếp diễn suốt nhiều năm liền, bà Naseem Salahuddin, Giám đốc phòng nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Indus, thành phố Karachi, nhận định. "Chúng tôi đã ra sức cảnh báo với chính quyền các cấp, nhưng đến giờ họ vẫn chưa có hành động nào" - bà Salahuddin nói, thêm rằng bà đã đưa ra cảnh báo từ năm 2017.
Việc tiêm thuốc bằng ống kim tiêm rất phổ biến ở Pakistan, do niềm tin của người dân rằng các loại thuốc được tiêm hoặc truyền thường tốt hơn thuốc ở dạng viên. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2005 cho thấy, rất nhiều mũi tiêm được sử dụng lại ở tỉnh Sindh của Pakistan.
Trong các phòng khám nhỏ, bác sĩ thường phải tiếp nhận 200 bệnh nhân mỗi ngày - theo bà Salahuddin. Và để tiết kiệm thời gian, các bác sĩ này thường sử dụng chung ống kim tiêm cho các bệnh nhân của mình. "Việc sử dụng chung kim tiêm dường như đã trở thành quen thuộc" - bà Salahuddin nói, thêm rằng nhiều bác sĩ không được đào tạo tốt lúc còn ở trường đại học - "Họ bỏ qua những hướng dẫn an toàn".
Bà Maria Elena G Filio Borromeo thuộc tổ chức UNAIDS cũng nhất trí rằng, việc sử dụng lại các ống tiêm để tiêm thuốc và truyền máu đang diễn ra "lan tràn". Các ngân hàng máu và các cơ sở y tế không được cấp phép trong khu vực đã bị đóng cửa.
Trong tuần này, một đội ngũ phối hợp của WHO và Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh của Pakistan đã tới thành phố Ratodero để làm rõ nguyên nhân của đợt bùng phát và cách kiểm soát nó. "Trừ khi chúng ta hiểu rõ nguyên nhân của đợt bùng phát, nó sẽ tiếp tục lan rộng" - ông Mirza nói.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu