Chính quyền Tổng thống Trump đã thông báo cho các ủy ban của Quốc hội Mỹ rằng họ sẽ tiếp tục thực hiện 22 thương vụ quốc phòng với Arab Saudi, UAE và Jordan, khiến cho giới lập pháp nước này hết sức phẫn nộ. Đây là một tiền lệ chưa từng có, bởi từ trước đến nay Quốc hội Mỹ luôn có quyền quyết định các thương vụ mua bán vũ khí lớn.
Các thành viên của Quốc hội trước đó đã ra sức ngăn chặn thương vụ bán các trang thiết bị quốc phòng cho Arab Saudi và UAE trong suốt nhiều tháng liền, do phẫn nộ trước con số thương vong từ các chiến dịch mà liên minh do Arab Saudi dẫn đầu thực hiện ở Yemen, cùng các vấn đề liên quan tới nhân quyền, như vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị ám sát bên trong tòa lãnh sự của Arab Saudi ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi đầu tuần này, giới lập pháp cùng các cố vấn trong Quốc hội đã cảnh báo rằng ông Trump – vốn khó chịu với việc Quốc hội ngăn chặn các thỏa thuận bán vũ khí, trong đó có thương vụ bán nhiều trái bom cho Arab Saudi – đang tính toán về việc sử dụng một lỗ hổng trong đạo luật kiểm soát vũ trang để tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
“Tổng thống Trump đang lợi dụng lỗ hổng này bởi ông biết Quốc hội sẽ không phê chuẩn thương vụ…Không có lý do “khẩn cấp” nào trong việc bán bom cho Arab Saudi để rồi nước này đem thả ở Yemen. Làm như vậy chỉ khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nước này thêm trầm trọng” – Thượng nghị sỹ Chris Murphy nói.
Một số thành viên đảng Cộng hòa của ông Trump, cũng như các thành viên đảng Dân chủ, từng tuyên bố sẽ không ủng hộ thỏa thuận bán vũ khí này, và tỏ rõ sự lo ngại rằng việc ông Trump tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận sẽ làm hỏng khả năng kiểm soát việc bán vũ khí của Mỹ không chỉ ở thời chính quyền Trump mà cả trong các đời chính quyền sau này.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo trong một tuyên bố nói rằng, các đối tác của Mỹ ở khu vực Trung Đông cần có các bản hợp đồng vũ khí để đối phó với Iran, và rằng quyết định “qua mặt” Quốc hội để thông qua thương vụ này chỉ diễn ra “đúng một lần”.
Đây không phải lần đầu tiên mà Quốc hội và ông Trump xung đột về chính sách liên quan tới khu vực Trung Đông, hay bất đồng về quyền lực giữa Nhà Trắng và Đồi Capitol. Hạ viện và Thượng viện hồi đầu năm nay đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết trong đó nhất trí ngừng hỗ trợ về mặt quân sự cho chiến dịch mà Arab Saudi thực hiện trên lãnh thổ Yemen, tuy nhiên nghị quyết này bị ông Trump phủ quyết.
Mẫu phi cơ chiến đấu F-15 của Arab Saudi mà Mỹ sản xuất (Ảnh: NBC)
|
Trong các tài liệu gửi tới Quốc hội, Ngoại trưởng Pompeo liệt kê một loạt các trang thiết bị quân sự và dịch vụ đi kèm sẽ được cung cấp cho Arab Saudi, UAE và Jordan, trong đó có loại đạn định hướng có độ chính xác cao Raythen (PGM), hỗ trợ cho mẫu máy bay chiến đấu F-15 của hãng Boeing và tên lửa chống tăng Javelin – được chế tạo bởi hãng Raytheon và Lockheed Martin.
Một số công ty khác cũng được hưởng lợi từ thương vụ này, trong đó có General Electric – cung cấp động cơ sử dụng cho các phi cơ chiến đấu F-16 của UAE; ngoài ra còn có chi nhánh tại Mỹ của hãng Thales (Pháp) – bên cung cấp hệ thống kíp nổ bom định hướng Paveway IV cho Anh và UAE.
Việc thương vụ được ông Trump thúc đẩy cũng là tin vui cho công ty BAE Systems Plc của Anh và hãng Airbus của châu Âu – các bên cung cấp và lắp đặt bom định hướng bằng laser Paveway cho mẫu phi cơ chiến đấu Eurofighter của châu Âu sản xuất và phi cơ Tornado bán cho Arab Saudi.
“Tôi rất thất vọng, nhưng cũng không ngạc nhiên khi chính quyền Trump một lần nữa thất bại trong việc ưu tiên các lợi ích an ninh quốc gia dài hạn của đất nước hoặc bảo vệ nhân quyền; thay vào đó ông ấy lại đang thiên vị những nước độc đoán như Arab Saudi” – Thượng nghị sỹ Bob Menendez nói trong một tuyên bố.