Thương chiến Mỹ - Trung đang trong thế bế tắc, không bên nào có thể tuyên bố chiến thắng. Mặc dù kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, nhưng không hề chịu tác động lớn. Trong khi đó, Mỹ hết sức lo ngại rằng Trung Quốc sẽ bình thường hóa các biện pháp liên quan tới thương chiến như điều chỉnh cấu trúc nền kinh tế, như Nga từng làm trước đây, để rồi trong tương lai sẽ vô hiệu hóa các chiến lược kìm hãm của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
TPP mà chính quyền Barack Obama từng thúc đẩy bao gồm 12 quốc gia nằm dọc Vành đai Thái Bình Dương, không bao gồm Trung Quốc. Các nước này hợp thành 40% tổng GDP của toàn thế giới. Mục đích địa chính trị của Mỹ khi tham gia hiệp định thương mại tự do này là nhằm cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế, và được xem là công cụ mạnh mẽ hơn các đòn áp thuế, kiểm soát đầu tư và cấm xuất khẩu mà chính quyền Trump áp dụng hiện nay.
TPP đề xuất tiêu hủy tới 18.000 hàng rào thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn lớn xét về tiêu chuẩn nguồn nhân lực, các quy định về môi trường và tài sản trí tuệ. Thêm vào đó, ngành nông nghiệp và khu vực dịch vụ của Mỹ từng được cho là những bên sẽ thắng lớn nhờ TPP.
Tuy nhiên, những người phản đối TPP lại chỉ ra rằng ngành công nghiệp chế tạo của Mỹ sẽ trở thành “nạn nhân” của hiệp định này. Việc cân bằng nhu cầu của giới công nhân ngành chế tạo – vốn không phải một ưu tiên của chính quyền Obama – với các lợi ích địa chính trị của nước Mỹ bởi vậy trở thành một bài toán hóc búa với ông Trump. Và trong lúc thực thi chính sách “Nước Mỹ trên hết” của mình, ông Trump đã rút khỏi TPP nhằm tránh để mất công ăn việc làm của giới nhân công Mỹ vào tay các nước khác.
Quyết định của ông Trump trong việc tiêu hủy hiệp định này vấp phải nhiều lời chỉ trích, đặc biệt là từ phía Nhật Bản – nước đã ra sức thuyết phục Mỹ thay đổi quyết định. TPP về mặt kỹ thuật là đã chết, nhưng sự hồi sinh của nó cũng sẽ dễ dàng xảy ra bởi sự mong đợi của 11 thành viên còn lại vẫn còn đó, trong khi cấu trúc của hiệp định hầu như không thay đổi.
Khả năng TPP được hồi sinh nên được xem xét một cách nghiêm túc. Khi được phối hợp cùng với các biện pháp mà Mỹ đang theo đuổi hiện nay, hiệp định này có thể giúp tăng cường đáng kể vị trí chiến lược của Mỹ. Giới quan sát nhận định rằng, nếu Mỹ đóng vai trò trung tâm và là người giữ cửa của TPP, có quyền lực điều hướng thương mại khỏi Trung Quốc, thì đó sẽ là cơn ác mộng đối với Trung Quốc.
Trong lúc kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang tới gần và ông ông Trump được dự báo sẽ giành chiến thắng, TPP có khả năng sẽ được hồi sinh ngay trong đầu nhiệm kỳ hai của ông Trump. Dù Tổng thống Mỹ đang phải đối mặt với làn sóng phản đối ngày càng tăng, nhưng việc hồi sinh TPP chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng, bởi thỏa thuận này do chính đảng Dân chủ đề xuất.
Nếu xét về kiểu tự do áp đặt thuế quan đối với cả bạn lẫn thù của ông Trump, thì việc vực dậy TPP sẽ giúp các nước thành viên nhanh chóng đảm bảo được vị trí của mình trong khối thương mại tự do này. Điều này sẽ giúp ông Trump có quyền đàm phán lại các điều khoản có lợi cho ông, đặc biệt là các biện pháp nhằm hạn chế đặt công xưởng của Mỹ ở nước ngoài.
TPP dưới thời của Trump có thể phải “thay tên đổi họ”. Việc vực dậy hiệp định này sẽ giúp tăng cường khả năng đàm phán thỏa thuận của ông Trump, từ đó mở lại cánh cửa đàm phán về Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) mới – một phiên bản của TPP ở châu Âu.
Trong lúc mà các biện pháp kinh tế nhằm vào Trung Quốc của ông Trump đang bị cho là thất bại, khả năng TPP được hồi sinh càng cao. Với sự ủng hộ từ lưỡng đảng cùng các đồng minh của nước Mỹ, TPP có thể đóng vai trò hữu hiệu hơn trong việc đối phó với Trung Quốc và khiến những người chỉ trích ông Trump phải tắt tiếng.
Theo SCMP
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu