Ông Duterte đang dao động, sẽ đi ngược lại chính sách của ông Benigno Aquino III?

VietTimes -- Lễ nhậm chức Tổng thống Philippines của ông Rodrigo Duterte đã cố gắng tổ chức đơn giản, chỉ có khoảng 600 bạn thân, quan chức đại sứ quán các nước và giới thương nhân được mời tham gia.
Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 1/7 dẫn tờ The Straits Times Singapore cho hay Lễ nhậm chức Tổng thống Philippines của ông Rodrigo Duterte đã cố gắng tổ chức đơn giản, chỉ có khoảng 600 bạn thân, quan chức đại sứ quán các nước và giới thương nhân được mời tham gia.

Trong bài phát biểu dài 15 phút, ông Rodrigo Duterte chủ yếu nói đến vấn đề trong nước. Ông cho biết sẽ giải quyết các vấn đề như tham ô, tội phạm đường phố và thuốc phiện lan tràn. Đây không phải là khẩu hiệu tranh cử, mà là mong muốn của người dân. 

Ông tái khẳng định tiếp tục tuyên chiến với tội phạm một cách không thương tiếc, đồng thời cảnh báo các quan chức rằng ông sẽ không tha thứ cho các hành vi tham nhũng.

Ông đã chỉ thị cho tất cả các cơ quan chính phủ đơn giản hóa các lễ nghi phiền phức, thúc đẩy minh bạch các thủ tục giấy tờ. Ngoài ra, ông cũng sẽ dành toàn bộ sức lực để thúc đẩy hòa bình ở miền nam Philippines.

Bài phát biểu nhậm chức của ông Rodrigo Duterte không có chữ nào nhắc tới Biển Đông, cũng không bàn tới quan hệ ngoại giao với Trung Quốc hoặc Mỹ. 

Ông Rodrigo Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines.
Ông Rodrigo Duterte nhậm chức Tổng thống Philippines.

Nhưng theo báo chí địa phương, trong hội nghị đầu tiên của nội các mới tổ chức muộn hơn cùng ngày, đối với tình hình kết quả vụ kiện Biển Đông có thể có lợi cho Philippines, ông Rodrigo Duterte cho biết, Manila sẽ tránh đưa ra bất cứ quyết định nào "châm chọc hoặc khoe khoang". Ông cho biết ông không muốn "đặt đất nước vào tình cảnh khó xử", "nếu chúng ta có thể có hòa bình, tôi sẽ cảm thấy vui mừng". 

Ngoài ra, theo hãng tin Reuters Anh, trong hội nghị nội các, ông Rodrigo Duterte bày tỏ mong muốn tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông có thể "hạ cánh mềm". 

Tân Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay cho biết, tại hội nghị ông đã từ chối kiến nghị đưa ra tuyên bố nghiêm khắc đối với Trung Quốc. Ông cho biết: "Tôi nghĩ Trung Quốc sẽ tiếp tục xua đuổi ngư dân nước ta đánh bắt cá ở bãi cạn Scarborough". Ông nói như vậy được báo Trung Quốc tuyên truyền là ông nghi ngờ việc Philippines thắng kiện.

Cùng ngày, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện mừng tới ông Rodrigo Duterte, chúc mừng ông nhậm chức Tổng thống Philippines thứ 16. 

Ông Tập Cận Bình cho rằng "Trung Quốc và Philippines là hai nước láng giềng không thể rời nhau, tình hữu nghị láng giềng được kế thừa trong lịch sử nghìn năm của quan hệ hai nước và là phương hướng đúng đắn cần kiên trì.

Hiện nay, việc phát triển quan hệ Trung Quốc - Philippines đang đứng trước cơ hội quan trọng. Tôi sẵn sàng cùng ngài Tổng thống nỗ lực thúc đẩy cải thiện quan hệ Trung Quốc - Philippines, để quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định".
Trước đó, Tân Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết "tấn công các phần tử cấp tiến cần ưu tiên hơn so với giải quyết tranh chấp lãnh thổ Biển Đông". 

Liệu chính sách Biển Đông của ông Rodrigo Duterte có đi ngược lại chính sách của ông Benigno Aquino III?
Liệu chính sách Biển Đông của ông Rodrigo Duterte có đi ngược lại chính sách của ông Benigno Aquino III?

Đài VOA Mỹ cho rằng phát biểu của ông Delfin Lorenzana khiến cho người ta càng không hiểu chính quyền Rodrigo Duterte sẽ ứng xử như thế nào với "tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc". 

Bài viết nhận định ông Rodrigo Duterte đã bị "dao động" trong vấn đề này. Khi tranh cử, ông đã thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc, nhưng gần đây sau khi trúng cử Tổng thống, ông Rodrigo Duterte lại cho biết sẽ đến thăm Trung Quốc đầu tiên. 

Hiện nay, ông Rodrigo Duterte thậm chí không muốn công khai phát biểu về vấn đề Biển Đông, hơn nữa ông phải chờ đến sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc thì mới đưa ra tuyên bố. 

Nhà nghiên cứu Cook từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore nhận xét nếu Philippines giảm ủng hộ Mỹ trong vấn đề Biển Đông thì sẽ gây phiền toái cho Mỹ.

Tờ Asahi Shimbun Nhật Bản ngày 30/6 cho rằng ông Rodrigo Duterte không có kinh nghiệm ngoại giao, các nước xung quanh bao gồm Nhật Bản đều cảm thấy bất an vì không thể dự đoán cách làm của ông trong vấn đề Biển Đông.

Tờ Sankei Shimbun cùng ngày nhận định, chính quyền Rodrigo Duterte đã thể hiện thái độ chính trị “tiến hành đối thoại” với Trung Quốc, có thể gây ảnh hưởng tới môi trường an ninh châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản. 

Có quan điểm cho rằng ông Rodrigo Duterte “ghét” Mỹ. Nhà nghiên cứu Tetsuo Kotani từ Viện nghiên cứu Các vấn đề quốc tế Nhật Bản bình luận, sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức, quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines sẽ bị ảnh hưởng.
Hiện đã nhìn thấy khả năng ông thay đổi chính sách đối với Trung Quốc do ưu tiên cân nhắc lợi ích kinh tế. 

Nếu ông Rodrigo Duterte áp dụng chính sách “hội nhập” với Trung Quốc, quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines sẽ tiếp tục rơi vào thời kỳ khó khăn. 

Nếu Mỹ lựa chọn ông Donald Trump làm Tổng thống, quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines có thể “sụp đổ”, như vậy sẽ “dọn sạch trở ngại” cho Trung Quốc biến Biển Đông thành "ao nhà".

Tạp chí The National Interest Mỹ bình luận: "Trung Quốc đã làm tốt việc chuẩn bị chào đón ông Rodrigo Duterte". Thái độ đối với Trung Quốc của Tân Tổng thống Rodrigo Duterte và cựu Tổng thống Benigno Aquino III có sự chuyển ngoặt 180 độ. 
Trung Quốc hiện đang “lạc quan” nhìn thấy sự thay đổi bầu không khí chính trị ở Philippines. 

Tờ Philippine Daily Inquirer ngày 29/6 cho rằng mặc dù kết quả trọng tài sắp được công bố, thái độ đối với Trung Quốc của chính quyền mới Philippines tiếp tục hữu nghị, họ đã chìa ra “cành ô liu”, hy vọng cùng Trung Quốc hợp tác triển khai các dự án.

Tuy nhiên, tờ Công báo Manila Philippines ngày 30/6 cho rằng Philippines rất khó từ bỏ quan hệ thân mật từ trước tới nay với Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng. Philippines vẫn dựa vào ô bảo vệ của Mỹ, tờ báo này nhận định.