Sau khi Việt Nam – Mỹ nâng cấp mối quan hệ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, nhiều doanh nghiệp công nghệ bước đầu đã công bố những hợp tác quan trọng trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Rikkeisoft mới công bố khoản đầu tư hơn 30 triệu USD cho tới năm 2026 vào thị trường Mỹ. Công ty công nghệ Việt Nam trong mảng chuyển đổi số cho biết, khoản đầu tư sẽ tập trung vào phát triển nguồn lực công nghệ chất lượng cao, mở rộng thị trường và các hoạt động M&A.
Cụ thể, mức đầu tư trong năm 2023 là 2 triệu USD và sẽ tăng đến 30 triệu USD tới năm 2026. Khoản đầu tư này kỳ vọng sẽ tạo ra hàng trăm việc làm trong mảng công nghệ cho thị trường Mỹ, giúp Rikkeisoft trở thành công ty công nghệ trị giá tỉ USD trong 5 năm tới.
"Công ty đặt tầm nhìn trở thành công ty dịch vụ công nghệ toàn cầu với vốn hoá thị trường đạt 1 tỉ USD. Và thị trường lớn như Mỹ có thể giúp Rikkeisoft đạt được mục tiêu này", ông Tạ Sơn Tùng – Chủ tịch HĐQT Rikkeisoft cho biết.
Trước đó, Rikkeisoft đã thành lập RKTech với mục tiêu cung cấp giải pháp và dịch vụ công nghệ toàn diện cho khách hàng Mỹ. Công ty này còn hướng đến mục tiêu IPO tại Mỹ vào năm 2028.
Hành trình vươn tầm của Rikkeisoft
Chữ 'Ri' trong cụm từ ‘Rikkeisoft’ được cho là bắt nguồn từ tên gọi của Đại học Ritsumeikan – nơi chàng cựu sinh viên Bách Khoa Tạ Sơn Tùng theo học chuyên ngành Khoa học và Công nghệ thông tin trong 2 năm, trước khi hồi hương và bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực IT.
Tạ Sơn Tùng sinh ra trong một gia đình có căn nhà rộng 30m2 thường xuyên có 6 người lớn và 2 trẻ nhỏ cùng sinh sống. Mẹ anh làm nghề may áo dài, còn bố là thương binh. Từ nhỏ, Tùng đã rất chăm học.
Đỗ đại học Bách Khoa với số điểm 29,5, Tùng trở thành một trong những lứa sinh viên đầu tiên theo đuổi chương trình Kỹ sư Công nghệ thông tin chất lượng cao Việt Nhật do Chính phủ Nhật tài trợ. “Được đi nước ngoài là một sự thay đổi quá lớn đối với tôi”, nhà sáng lập Rikkeisoft từng chia sẻ với tờ Forbes Việt Nam.
Hồi hương vào năm 2011, Tùng đầu quân cho FPT. Tại đây, chàng trai sinh năm 1988 đã trải qua hầu hết các vị trí trong quy trình phát triển phần mềm, từ kiểm thử, lập trình, thiết kế đến quản lý dự án.
Quá trình làm việc tại một trong những công ty công nghệ IT hàng đầu Việt Nam đã đem lại nhiều kinh nghiệm, và phần nào là nguồn lực tài chính, để Tạ Sơn Tùng và những người bạn thành lập Rikkeisoft vào năm 2012.
Được biết, để mở công ty, ông Tạ Sơn Tùng đã dùng số vốn 80 triệu đồng tích góp từ thời gian làm tại FPT và tiền tiết kiệm khi du học tại Nhật. Ông cũng sử dụng chính căn nhà của mình thành văn phòng làm việc. Những khách hàng đầu tiên của Rikkeisoft là người Nhật và thị trường đầu tiên của công ty là Nhật Bản.
Năm 2016, Rikkeisoft thành lập pháp nhân ở Nhật Bản với tên Rikkeisoft Japan. Công ty này từng lọt vào Top 100 doanh nghiệp có sự tăng trưởng về doanh thu và quy mô đột phá nhất Nhật Bản.
Rikkeisoft hiện có hơn 1.600 nhân sự, nhiều người trong số đó đang học tập và sinh sống tại nước ngoài. Trên các trang tuyển dụng, Rikkeisoft đề ra mục tiêu cán mốc 10.000 nhân sự vào năm 2025.
Dẫn lời trên Forbes Việt Nam, nhà sáng lập Rikkeisoft từng cho biết công ty luôn đặt mục tiêu tăng trưởng về nhân sự, một phần do sở thích cá nhân của ông về quản trị số đông. “Thứ nhất, đó là bài toán hay và khó. Thứ hai, sẽ có nhiều người có cơ hội ra nước ngoài. Tôi muốn nhiều kỹ sư Việt Nam ra nước ngoài để trưởng thành hơn về tư duy và có nhiều cơ hội hơn”, ông Tùng nói.
Hé mở cơ cấu sở hữu của Rikkeisoft
Theo dữ liệu của VietTimes, Công ty TNHH Rikkeisoft được thành lập vào tháng 3/2012, ban đầu do ông Tạ Sơn Tùng làm giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Đến tháng 6/2018, vốn điều lệ của Rikkeisoft đạt mức 5 tỉ đồng, cơ cấu sở hữu gồm 6 thể nhân, cụ thể: ông Tạ Sơn Tùng (sở hữu 30,8% vốn điều lệ), ông Phan Thế Dũng (26,8% VĐL), ông Đặng Thái Hòa (20,5% VĐL), bà Hoàng Thị Nhị (8,9% VĐL), ông Bùi Quang Huy (8% VĐL) và ông Nguyễn Quang Kỳ (5% VĐL).
Tới tháng 10/2020, công ty này chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, với vốn điều lệ được nâng lên mức 68 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông không có nhiều biến động. Được biết, năm 2020 cũng là năm đầu tiên Rikkeisoft triển khai chương trình cổ phiếu ưu đãi ESOP dành cho các cán bộ, nhân viên có nhiều đóng góp cho sự phát triển của công ty.
Cập nhật đến ngày 10/10/2022, vốn điều lệ của Rikkeisoft đã được nâng lên mức 104,2 tỉ đồng. Chức vụ Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Rikkeisoft do ông Phan Thế Dũng (sinh năm 1989) đảm nhiệm. Trong khi đó, ông Tạ Sơn Từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty./.