Như VietTimes đã đưa tin, VNG Limited - cổ đông lớn nhất của CTCP VNG (VNG) - đã chính thức nộp hồ sơ theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC), dự kiến chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn Nasdaq. VNG được biết đến là “kỳ lân” đầu tiên của Việt Nam khi được World Startup Report định giá 1 tỉ USD vào năm 2014.
Trong bản cáo bạch, các nhà sáng lập VNG Lê Hồng Minh và Vương Quang Khải tự giới thiệu thuộc 'thế hệ Internet' đầu tiên của Việt Nam với thủa thiếu thời được đánh dấu bằng sự ra đời của máy tính để bàn (PC) và sau đó là Internet.
"Đó là cánh cửa dẫn đến một thế giới hấp dẫn với thông tin, kiến thức, sự phấn khích và quan trọng nhất là những giấc mơ", họ viết trong thư ngỏ. Nhà sáng lập VNG cùng với các cộng sự của mình khi đó đã đọc những câu chuyện về các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Mỹ với sự ngưỡng mộ và mơ ước được làm điều tương tự.
Hành trình tỉ USD
Ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập và hiện là Tổng giám đốc VNG - được biết đến là một người rất nghiện game. Trong thời gian theo học chuyên ngành Tài chính Ngân hàng của Đại học Monash (Australia), ông dành rất nhiều thời gian cho niềm đam mê đó.
Hồi hương vào năm 2001, Lê Hồng Minh từng làm việc cho công ty kiểm toán PwC và sau đó là quỹ đầu tư VinaCapital. Tuy nhiên, niềm đam mê với game của ông chưa bao giờ thay đổi.
Đến năm 2003, ông Minh cùng vài người bạn thành lập một phòng chơi game nhỏ để chơi game và dịch vụ kinh doanh kèm theo. Ban ngày, ông là một nhân viên tài chính, đến tối lại là chủ quán game.
Năm 2004, ông quyết định nghỉ việc, kết hợp cùng 5 người khác đã ra mắt Vinagame (sau này đổi tên thành VNG). Đội ngũ sáng lập chuẩn bị cho sự ra mắt trò chơi trực tuyến trên PC đầu tiên tại Việt Nam bằng cách nghiên cứu các tạp chí game PC và tuyển dụng nhân sự trên các diễn đàn game thủ trong nước.
Đồng thời, công ty khởi nghiệp non trẻ cũng dành nhiều thời gian để tìm hiểu về những tên tuổi thành công trong lĩnh vực này và tìm gặp một số đối tác tiềm năng. Sau một số lần thất bại, cuối cùng ông Minh được KingSoft tin tưởng, trao cơ hội phát hành game Võ Lâm Truyền Kỳ tại Việt Nam vào năm 2005.
Để quảng bá cho game mới phát hành trong khi tài chính còn 'mỏng', đội ngũ Vinagame đã di chuyển khắp Việt Nam bằng xe máy, dán poster về trò chơi lên 5.000 quán cà phê Internet. Họ cũng xây dựng trung tâm dữ liệu tạm thời của riêng mình và hệ thống thanh toán bằng thẻ cào trước ngày game ra mắt.
Chiến lược này đã đem lại thành công rực rỡ, khi chỉ trong một thời gian ngắn, người chơi game trên khắp cả nước đã biết đến cái tên Võ Lâm Truyền Kỳ. Thậm chí website đăng ký còn bị “sập” khi mở cửa vì quá tải.
Số lượng người tham gia trò chơi Võ Lâm Truyền Kỳ đã vượt dự báo cho ba năm chỉ trong tuần đầu tiên và vẫn có “chỗ đứng” vững chắc trong làng game Việt Nam sau 19 năm.
Từ thành công của Võ Lâm Truyền Kỳ, công ty của ông Minh tiếp tục phát hành các game khác tại Việt Nam. Đến năm 2006, doanh thu của Vinagame đã đạt 17 triệu USD, gấp 6 lần năm 2005. Đến nay, toàn hệ thống công ty đã phát hành khoảng 170 tựa game và phủ rộng hơn 40 thị trường.
Theo thời gian, đội ngũ VinaGame cũng đã mở rộng kinh doanh, giới thiệu nhiều sản phẩm internet khác nhau để đáp ứng nhu cầu dân số trực tuyến đang tăng nhanh ở Việt Nam.
Tham vọng trở thành công ty công nghệ toàn cầu
VNG đã tiên phong tạo ra Zing MP3, website âm nhạc đầu tiên của Việt Nam vào năm 2007. Tới nay, Zing MP3 là một trong những ứng dụng phát nhạc trực tuyến hàng đầu Việt Nam.
Năm 2009, CEO Lê Hồng Minh quyết định đổi tên Vinagame thành CTCP VNG, điều này phần nào đã khẳng định quyết tâm của ông trong việc mở rộng lĩnh vực hoạt động. Cũng trong năm này, VNG ra mắt mạng xã hội Zing Me. Dù thất bại trong cuộc cạnh tranh với Facebook, dự án đóng vai trò là tiền thân của ứng dụng nhắn tin di động Zalo, được VNG ra mắt vào năm 2016. Hiện nay, Zalo là nền tảng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam với 75 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Năm 2018, ZaloPay ra đời, nhắm đến thị trường thanh toán không dùng tiền mặt giàu tiềm năng tại Việt Nam.
Thành danh từ những dự án công nghệ, năm 2014, VNG được World Startup Report định giá 1 tỉ USD và trở thành kỳ lân đầu tiên của Việt Nam. Đến năm 2019, VNG được quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore định giá 2,2 tỉ USD trong một thương vụ rót vốn.
VNG giờ đây cũng tham gia đầu tư vào một số 'startup', trong đó có thể kể đến trang thương mại điện tử Tiki, nền tảng cung cấp quà tặng Got It, công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải hàng hóa EcoTruck.
Trong bản cáo bạch gửi SEC, các nhà sáng lập VNG tin rằng kỹ năng và tài năng của các kỹ sư Việt Nam thuộc hàng tốt nhất thế giới, và đặt mục tiêu một ngày nào đó sản phẩm của công ty sẽ phục vụ hàng trăm triệu người dùng bên ngoài Việt Nam.
Họ đặt mục tiêu đưa VNG trở thành một công ty công nghệ toàn cầu có trụ sở chính tại Việt Nam, một công ty có nhiều nhân tài toàn cầu nhưng vẫn mang đậm bản sắc Việt Nam: độc lập, kiên cường, cởi mở và khao khát học hỏi và phát triển. Và việc IPO tại Mỹ là 'bước đi đầu tiên' trong hành trình mới này./.