Ông Austin muốn đối thoại với Phó Chủ tịch Quân ủy, không phải Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lầu Năm Góc tuyên bố Bộ trưởng Austin sẽ hội đàm với lãnh đạo quân đội Trung Quốc vào thời điểm thích hợp, nhưng nhắc lại quan chức phía Trung Quốc là Phó Chủ tịch Quân ủy, không phải Bộ trưởng Quốc phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin muốn đối thoại với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc Hứa Kì Lượng (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin muốn đối thoại với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc Hứa Kì Lượng (Ảnh: Reuters)

Theo trang tin Singapore Zaobao ngày 13/8, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby hôm thứ Tư (11/8/2021) thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cùng ngày đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nhằm duy trì sự minh bạch quân sự và nỗ lực giảm thiểu rủi ro sau khi hai bên nối lại cuộc đối thoại ổn định chiến lược tại Geneva vào ngày 28/7.

Tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Kirby được hỏi về tiến độ của Bộ trưởng Austin trong việc cố gắng liên lạc với các quan chức quốc phòng cấp cao của Trung Quốc và truy hỏi liệu người đồng cấp của ông Austin ở phía các quan chức quốc phòng cấp cao của Trung Quốc là Phó chủ tịch Quân ủy trung ương hay Bộ trưởng Quốc phòng.

Ông Kirby nói, Bộ trưởng Austin sẽ hội đàm với các quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc vào thời điểm thích hợp, và người đồng cấp của ông ở Trung Quốc là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Ông John Kirby, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ (Ảnh: Sputnik).

Ông John Kirby, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ (Ảnh: Sputnik).

Có tin cho hay, Bộ trưởng Austin đã nhiều lần gọi điện muốn đối thoại với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng, thay vì Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa, nhưng đều bị Trung Quốc cự tuyệt vì “vi phạm nghi thức ngoại giao”.

Trong hệ thống quan chức và chỉ huy của Trung Quốc, Phó Chủ tịch Quân ủy Hứa Kì Lượng được coi là có nhiều quyền lực hơn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa và có ảnh hưởng lớn hơn đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng thường không phải là Ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan nắm quyền lực cốt lõi, mà chỉ là Ủy viên Trung ương và Ủy viên Quân ủy.

Trong hệ thống của Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng là một trong những thành viên nội các cốt lõi của Tổng thống, và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (tương đương Tổng Tham mưu trưởng) phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thống.

Các chuyên gia quốc phòng Mỹ cho rằng người đồng cấp của ông Lloyd Austin trong chỉ huy cấp cao của quân đội Trung Quốc phải là Phó Chủ tịch Quân ủy Hứa Kì Lượng, không phải Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa.

Phó Chủ tịch Quân ủy Hứa Kì Lượng gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Martit năm 2018 (Ảnh: BQPTQ).

Phó Chủ tịch Quân ủy Hứa Kì Lượng gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Martit năm 2018 (Ảnh: BQPTQ).

Trong chuyến thăm Singapore vào tháng trước, ông Austin nói: "Tôi hứa sẽ nỗ lực để thiết lập một mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc, trong đó có việc thiết lập một phương thức liên lạc xử lý khủng hoảng đáng tin cậy hơn với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)". Nhưng kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1 năm nay, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có các cuộc đối thoại quân sự cấp cao.

Gần đây, giữa Mỹ và Trung Quốc đã nảy sinh bất đồng về vấn đề hội đàm của các quan chức cùng cấp, điều này đã ảnh hưởng đến việc triển khai các cuộc đối thoại cấp cao.

Vào tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đề xuất Thứ trưởng Thường trực Wendy Sherman sẽ tới Trung Quốc để gặp Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành, người phụ trách các vấn đề ngoại giao hàng ngày trong chuyến thăm Đông Á của bà. Nhưng phía Trung Quốc chỉ đồng ý để bà Sherman gặp ông Tạ Phong, Thứ trưởng Ngoại giao xếp thứ 5, phụ trách các vấn đề ở Châu Mỹ và địa điểm gặp ở Thiên Tân, không phải thủ đô Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (Ảnh: THX).

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (Ảnh: THX).

Sau khi Mỹ bác bỏ sự sắp xếp này, Trung Quốc mới đồng ý cho Ngoại trưởng Vương Nghị đến gặp bà Sherman, nhưng vẫn cử Tạ Phong chủ trì hội đàm với Sherman và địa điểm vẫn là Thiên Tân. Phía Mỹ chấp nhận thỏa thuận này vì đại cục chung của quan hệ hai nước.

Trước đó, tờ Financial Times của Anh ngày 21/5 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã 3 lần đề nghị được đối thoại với tướng Hứa Kì Lượng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng đều bị phía Trung Quốc từ chối. Ngoài ra, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, bị cho là không tiến hành đối thoại với các quan chức cấp tương đương ở Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ cho biết họ không muốn tổ chức các cuộc gặp cấp cao với các quan chức Trung Quốc chỉ vì mục đích gặp gỡ, đặc biệt là sau khi các quan chức chính sách đối ngoại hàng đầu của hai nước đã có một cuộc cãi vã công khai ở Alaska vào tháng 3. Tuy nhiên, chính quyền Joe Biden cho rằng do căng thẳng ngày càng gia tăng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cuộc đối thoại giữa Lloyd Austin và Hứa Kì Lượng sẽ rất quan trọng. Các cuộc chạm trán giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc cũng ngày càng dày hơn, đặc biệt là ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh eo biển Đài Loan.

Ông Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc (Ảnh: Sputnik).

Ông Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc (Ảnh: Sputnik).

Một quan chức quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng Mỹ đã yêu cầu để ông Austin nói chuyện với Hứa Kì Lượng, nhưng "quân đội Trung Quốc chưa bao giờ trả lời." Theo một quan chức khác, ngoại trừ bế tắc trong yêu cầu đối thoại của ông Austin, tướng Milley cũng đã không có đối thoại với các quan chức quân đội Trung Quốc ở cấp tương đương kể từ khi Tổng thống Biden tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1 năm nay.

Kể từ khi ông Biden nhậm chức, Washington và Bắc Kinh đã tranh cãi về các vấn đề từ nhân quyền của các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đến các hoạt động quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan. Đầu năm nay, máy bay chiến đấu Trung Quốc đã mô phỏng một cuộc tấn công tên lửa vào nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt gần Đài Loan. Trung Quốc cũng thể hiện lập trường cứng rắn trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Theo báo cáo, ông Austin ban đầu dự định tham gia Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào tháng 6, và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa dự kiến ​​sẽ tham dự. Tuy nhiên, cuộc đối thoại năm nay cuối cùng đã bị hủy bỏ do COVID-19. Các quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng họ đã thảo luận về việc ông Austin gặp Ngụy Phượng Hòa ở Singapore, nhưng ông Austin phản đối. Ông Austin, người đứng thứ tư trong nội các Joe Biden, muốn nói chuyện với Hứa Kì Lượng, người cao hơn Ngụy Phượng Hòa trong hệ thống chính trị và quân sự của Trung Quốc. Quan chức Mỹ này nói: "Chúng tôi cho rằng người đồng cấp thích hợp với ông Austin là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc".

Tin tức cho thấy, vào năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Jim Mattis đã gặp Hứa Kì Lượng khi ông đến thăm Bắc Kinh. Nhưng thời gian còn lại, Ngụy Phượng Hòa thường xuyên tiếp xúc với các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, điều này càng khiến Mỹ bực bội vì Ngụy Phượng Hòa có quyền lực rất nhỏ trong hệ thống Trung Quốc và không phải là một trong 25 ủy viên Bộ Chính trị có quyền ra quyết định.

Nhà Trắng được cho là đang bị chia rẽ về cách giải quyết vấn đề này. Một số quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia phản đối việc ông Austin tiếp xúc với Ngụy Phượng Hòa. Phe khác không chống lại mạnh như vậy, nhưng họ hy vọng rằng Austin sẽ nói với Ngụy Phượng Hòa thông qua các cuộc họp hoặc gọi điện thoại rằng ông sẽ chỉ hội đàm với Hứa Kì Lượng.

Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ chối bình luận. Quan chức quốc phòng tiết lộ thông tin này xác nhận rằng có sự bất đồng, nhưng từ chối cung cấp bất kỳ chi tiết nào. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Ngày càng có nhiều vụ chạm trán trên biển giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc. Trong ảnh: sĩ quan trên tàu khu trục USS Mustin giám sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh: USNavy).

Ngày càng có nhiều vụ chạm trán trên biển giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc. Trong ảnh: sĩ quan trên tàu khu trục USS Mustin giám sát tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh: USNavy).

Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Đức, cho rằng Lầu Năm Góc phải có khả năng liên lạc với những người ra quyết định quân sự thực sự, và chỉ ra rằng Quân ủy Trung Quốc có quyền chỉ huy PLA. Bà nói: "Để giải quyết những lo ngại ngày càng tăng của Mỹ về các hoạt động quân sự của Trung Quốc và có các biện pháp giảm thiểu rủi ro để tránh va chạm giữa quân đội Mỹ và PLA khi hoạt động ở cự ly gần, trọng tâm cần được đặt vào Quân ủy Trung ương Trung Quốc”.

Heino Klinck, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á của Bộ Quốc phòng Mỹ, người đã sống ở Trung Quốc, nói rằng do quân đội Trung Quốc và Mỹ có hệ thống cơ cấu khác nhau, nên việc đạt được một cuộc gặp với Trung Quốc là cả một thách thức.

Ông nói, "Xem xét tình hình ở Đài Loan và các vấn đề khác, chẳng hạn như Biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng như ý đồ của Trung Quốc nhằm bắt nạt các đồng minh và đối tác chính của chúng ta, chẳng hạn như Australia, việc tiếp xúc rõ ràng là rất quan trọng”. Ông nói, "Chúng ta cần truyền đạt cho người Trung Quốc biết ranh giới đỏ của chúng ta là gì, bởi vì họ đang truyền đạt lằn ranh đỏ của họ".