Đây là một trong những lời khuyên của các chuyên gia giáo dục dành cho sĩ tử trong khoảng thời gian áp lực trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, dự kiến diễn ra sau hơn 2 tuần nữa.
Để chuẩn bị cho kỳ thi, các giáo viên, nhà trường đã tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp dưới nhiều hình thức, bảo đảm các yêu cầu bài bản theo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ÐT) về tổ chức quản lý dạy học trực tuyến. Cụ thể, ngay khi có yêu cầu tạm dừng cho học sinh đến trường do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều trường đã chỉ đạo giáo viên xây dựng đề cương dạy ôn thi trực tuyến cho học sinh lớp 12 theo quy định. Theo đó, giáo viên tập trung ôn luyện theo cấu trúc đề thi tham khảo, nội dung bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT hiện hành, đồng thời theo dõi lực học của từng học sinh để có hình thức hướng dẫn ôn tập phù hợp.
Bên cạnh các lớp ôn tập do nhà trường mở, nhiều học sinh còn lựa chọn các gói học trực tuyến trên mạng nhằm linh động và thời gian, có thể xem lại bài giảng khi cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, đối với nhiều địa phương không thể tổ chức ôn tập trực tiếp thì đây là phương án tối ưu để giúp thí sinh nắm vững kiến thức, bảo đảm đủ năng lực đáp ứng kỳ thi. Tuy nhiên, giải pháp này còn gây khó khăn đối với học sinh, khiến hiệu quả ôn tập không đạt hiệu quả như nghe giảng trực tiếp.
Trao đổi với phóng viên VietTimes về quá trình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, em Chí Đức – học sinh lớp 12 trường THPT Đồng Quan (Hà Nội) cho biết: “Trường em hiện tại đã kết thúc các lớp ôn tập online. Em đang ôn tập kết hợp nhiều phía, vừa ôn theo chương trình của thầy cô, vừa làm thêm đề trên mạng nữa. Em cũng mua khoá học online từ trước, thi thoảng quên kiến thức hoặc chưa hiểu thì mở ra xem lại”. Đức chia sẻ, dù học trực tuyến tuy không mất thời gian đi lại nhưng lượng kiến thức tiếp thu không được nhiều như học trực tiếp, trong lớp đôi khi còn có tình trạng học đối phó, đôi lúc đường truyền không ổn định dẫn tới gián đoạn bài giảng.
“Cá nhân em thấy ôn trực tiếp sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức hơn, học online nhiều khi mất tập trung dẫn đến hiệu quả học tập chưa cao. Kỳ thi đang đến gần, em khá lo lắng vì cảm thấy lượng kiến thức còn chưa đủ” – Đức tâm sự.
Không chỉ thí sinh, các bậc huy huynh cũng bị áp lực tâm lý khi kỳ thi đến gần, đặc biệt là các gia đình phải chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Học sinh lớp 12 sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh minh họa. |
Chị Thanh Nga – phụ huynh của một học sinh lớp 12 tại Hà Nội - chia sẻ: “Năm nay, tôi thấy các cháu ôn thi rất vất vả. Vì lo thiếu kiến thức, ngoài tham gia các lớp ôn tập của thầy cô, cháu còn học thêm từ các gói bài giảng online khác, hầu như không có thời gian cho mắt nghỉ khỏi màn hình máy tính”. Dù lo lắng, chị Nga cũng chỉ biết động viên và đảm bảo sức khỏe, chế độ dinh dưỡng để giúp sĩ tử chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.
“Dù sao, chúng tôi vẫn may mắn khi đang ở trong ‘vùng an toàn’, không bị ảnh hưởng bởi dịch. Chỉ mong các cháu có sức khỏe và tâm lý thoải mái để làm bài tốt” – chị Nga bày tỏ.
Cần sự đồng hành của thầy cô và nhà trường
Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ÐT), dù ôn tập trực tiếp hay trực tuyến, điều quan trọng nhất là giúp các em tự học dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của thầy cô giáo thì mới hiệu quả. Ông Thành cho biết thêm, điều quan trọng khi ôn tập cho học sinh là giúp học sinh tự biết cách hệ thống hóa kiến thức đã học theo từng chương, từng phần rồi đến hệ thống kiến thức môn học, luyện tập kỹ năng. Giáo viên cần xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập ôn thi để giao cho học sinh làm, sau đó hướng dẫn và chữa bài tập cho các em hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng đã học. Ngoài ra, giáo viên cần xây dựng hệ thống bài tập bảo đảm phủ kín các dạng bài để học sinh có hướng xử lý khi gặp bài tương tự trong đề thi.
Là gương mặt quen thuộc trên kênh truyền hình chuyên về giáo dục - thầy Lại Tiến Minh - giáo viên môn Toán Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội – đã chia sẻ 2 bước đơn giản giúp học sinh ôn tập tại nhà có hiệu quả. Thứ nhất, thí sinh đọc lại và hệ thống lại tất cả các kiến thức đã học, kết hợp làm lại tất cả các ví dụ, dạng bài đã được ghi chép trong vở và trong sách giáo khoa. Thứ hai, học sinh tự tìm hiểu các các phần kiến thức mới, sau đó xâu chuỗi với các kiến thức đã biết để làm các bài tập nâng cao và khó hơn. Theo thầy Minh, để không bị áp lực học dồn, các em cần chủ động đọc và học trước các phần kiến thức trong sách giáo khoa trong thời gian nghỉ dịch. Đồng thời, thí sinh cũng cần rèn luyện cách học tập trung, ghi nhớ sâu và tư duy nhanh.
Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức đợt thi thứ 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đợt 1 thi vào các ngày 7/7 và 8/7/2021, đợt 2 dành cho đối tượng thí sinh không thể tham dự kỳ thi vào thời gian trên. Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT và các sở, ngành liên quan của địa phương tăng cường tuyên truyền chủ trương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh của ngành y tế, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh và tất cả những người tham gia tổ chức thi. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo lưu ý thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và ưu tiên xét nghiệm, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho những người tham gia tổ chức thi; bố trí điểm thi dự phòng và các phòng thi dự phòng ở mỗi điểm thi để sử dụng khi cần thiết.