Ở Syria, mỗi khi Su-35 cất cánh là F-16 nằm đất

Một bài viết trên trang web Đài Truyền hình quân đội Nga cho biết, ở Syria mỗi khi tiêm kích Su-35 của Nga xuất hiện trên trời là máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ gần như không cất cánh vì biết không phải đối thủ của loại tiêm kích hiện đại này của Nga.
Trực thăng Ka-52 của Nga được mệnh danh là Cá sấu, và được cho hơn hẳn loại AH-64 Apache của Mỹ
Trực thăng Ka-52 của Nga được mệnh danh là Cá sấu, và được cho hơn hẳn loại AH-64 Apache của Mỹ

Theo bài viết đăng tải ngày 3.4, sau khi Nga đưa 4 chiếc tiêm kích hiện đại nhất Su-35S sang tham chiến ở Syria, cường độ cất cánh của máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu là loại F-16 giảm rõ rệt. Giới quân sự Thổ Nhĩ Kỳ hẳn đã làm phép tính so sánh đơn giản để thấy F-16 không địch lại loại tiêm kích thế hệ 4++ với công nghệ của máy bay tàng hình này, cả về khối lượng vũ khí mang theo lẫn tính năng cơ động hoàn hảo.

Bay nhanh, bay xa, cực kỳ cơ động

Su-35S được Nga đưa sang Syria sau vụ tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay tiêm kích - bom Su-24 của Nga khi đang bay trong không phận Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tháng 11.2015. Sau vụ này, các máy bay ném bom Nga khi cất cánh đều có tiêm kích Su-30SM hoặc Su-35S bay hộ tống.

Bài viết cho biết Su-35S có kỹ năng bay rất tốt, có thể lộn vòng 360 độ tránh tên lửa nhờ động cơ mới, lực đẩy vectơ linh hoạt mà khó có loại máy bay nào có được.

Thân máy bay được thiết kế khí động học còn tốt hơn cả loại Su-27, và không cần cánh đằng mũi như Su-30. Sườn của Su-35 rất chắc chắn do làm bằng hợp kim titan bền chắc. Loại máy bay này còn có các bình nhiên liệu bổ sung, cho phép tăng bán kính tác chiến ở mức rất xa. Nếu bán kính chiến đấu của tiêm kích F-18 Mỹ là 2.700 km, Rafale của Pháp là 2.000 km thì bán kính chiến đấu của Su-35 đến 3.600 km chỉ với 1 lần bơm đầy xăng từ căn cứ.

Ở Syria, mỗi khi Su-35 cất cánh là F-16 nằm đất ảnh 1

Su-35S của Không quân Nga trên đường sang Syria - Ảnh: clip Bộ Quốc phòng Nga

Máy bay này ngay sau khi cất cánh là có thể ở chế độ bay tự động, điều ít người biết. Hoạt động của máy bay hầu như do máy tính thực hiện, và điều khiển máy bay này đơn giản, “như chơi đàn piano”, theo bài viết.

Su-35 có thể chia sẻ thông tin với các máy bay trong đội hình, và chỉ huy có thể biết được thông số nhiên liệu và đạn dược của từng chiếc trong biên đội.

Mới đây, trong lúc di chuyển từ Nga sang Syria, các chiếc Su-35 đều tắt liên lạc vô tuyến, bay theo đội hình gần nhau, việc điều khiển nhóm thực hiện bằng cách quan sát các dải phản quang phủ trên đuôi của máy bay. Khi đó radar không nhận dạng được đây là một nhóm máy bay mà chỉ nhận biết là 1 tín hiệu duy nhất.

Vũ khí hùng hậu, thiết bị điều khiển hiện đại

Su-35 vũ trang nhiều loại vũ khí từ tầm xa đến tầm gần, chẳng hạn tên lửa không đối không R27-T tấn công tầm xa, tên lửa RVV-AE tấn công mục tiêu tầm trung và tên lửa R-73 tấn công mục tiêu tầm cực gần khoảng 300 m. Máy bay có 1 pháo 30 mm với 150 viên đạn. Với 14 giá treo dưới cánh và bụng, loại tiêm kích này mang được 8 tấn vũ khí với tên lửa diệt hạm, bom thông minh, và cả rocket. Su-35 là tổng hợp của loại máy bay vừa chiến đấu vừa đánh chặn tầm xa và là máy bay ném bom - phóng tên lửa.

Ở Syria, mỗi khi Su-35 cất cánh là F-16 nằm đất ảnh 2

Tên lửa không đối không tầm trung RVV-AE dưới cánh Su-35S

Ở Syria, mỗi khi Su-35 cất cánh là F-16 nằm đất ảnh 3

Thiết bị gây nhiễu điện tử Khibiny của Su-35S

Su-35 còn có thiết bị gây nhiễu điện tử Khibiny, radar mảng pha chủ động. Máy bay này có thể phát hiện mục tiêu ở xa 400 km so với 200 km của F-18 và 150 km của Rafale. Radar của Su-35 phát hiện và theo dõi đồng thời 30 mục tiêu trên không và tự động nhắm bắn 8 mục tiêu. Trong tầm radar nếu có ít nhất 4 mục tiêu mặt đất thì máy bay có thể bắn đồng thời 2 mục tiêu. Loại Typhoon của NATO chỉ có thể thấy được 10 mục tiêu, theo bài viết.

Hệ thống điện tử điều khiển máy bay có chế độ sao lưu, nếu bị đối phương bắn trúng thì hệ thống sao lưu sẽ hoạt động và phi công vẫn nhận được các thông số cần thiết.

Hiện nay Su-35 phục vụ tại trung đoàn không quân thuộc quân khu miền Đông Nga, ở vùng Khabarovsk; và năm nay sẽ có mặt ở quân khu miền Tây.

Ở Syria, mỗi khi Su-35 cất cánh là F-16 nằm đất ảnh 4

Mỗi khi Su-35 cất cánh ở Syria là F-16 Thổ Nhĩ Kỳ nằm đất - Ảnh minh hoạ: AFP

Ở Syria, mỗi khi Su-35 cất cánh là F-16 nằm đất ảnh 5

Su-35, loại máy bay kết hợp chiến đấu, ném bom, đánh chặn tầm xa - Ảnh: Wikimedia

Ngoài Trung Quốc là nước đầu tiên đặt mua 24 chiếc Su-35, Indonesia dự kiến mùa thu này ký hợp đồng mua 8 - 10 chiếc Su-35 thay thế các máy bay F-5 đã lỗi thời. Indonesia có kinh nghiệm sử dụng các chiến đấu cơ Sukhoi vì đã trang bị 16 chiếc Su-27SK/SKM và Su-30MK2.

Bên cạnh Indonesia, một số nước cũng đang có ý định mua Su-35 như Việt Nam, Algeria, Pakistan, theo bài viết.

Xem Su-35S của Không quân Nga biểu diễn các thế bay ngoạn mục:

Theo Thanh Niên