Thông tin từ tờ Thông tấn xã Việt Nam, hãng tin Pháp AFP đưa tin Myanmar là trung tâm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Nguyên nhân một phần từ nhu cầu của thị trường nước láng giềng Trung Quốc.
Vào tháng 6/2020, Myanmar đã bật đèn xanh cho các cơ sở nuôi nhốt thú tư nhân, cho phép nuôi và nhân giống 90 loài - trong đó hơn 20 loài được xếp vào danh mục đang bị đe dọa hoặc cực kỳ nguy cấp - vì mục đích thương mại.
Theo đó, hổ (ở Myanmar được cho là chỉ còn 22 con), tê tê, voi, cá heo Ayeyarwady, cá sấu Xiêm,... có thể được nhân giống để lấy thịt và da.
Thông tin từ Wikipedia, nạn buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là tê giác, tê tê đang ở mức báo động. Tê tê là loài động vật bị buôn bán nhiều nhất thế giới, chiếm tới 20% tổng số các vụ buôn bán bất hợp pháp. Trước năm 2014, Tổ chức Liên minh bảo tồn thiên nhiên Quốc tế thống kê cho thấy có hơn 1 triệu con tê tê bị săn trộm.
Cùng với tê tê, hổ cũng là động vật hoang dã bị săn trộm, giết hại hàng đầu. Trong đó, hổ Bengal là phân loài phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% toàn bộ số lượng hổ, được tìm thấy ở Bangladesh, Bhutan, Myanmar, Nepal, Ấn Độ và đã bị săn bắt trong nhiều thế kỷ.
Các nhà bảo tồn hết sức bất ngờ trước hành động này của Myanmar. Bộ Lâm nghiệp nước này cho rằng hợp pháp hóa nuôi nhốt và cho sinh sản động vật hoang dã sẽ giúp giảm nạn săn trộm và gây giống bất hợp pháp.
Tuy nhiên, các nhà bảo tồn không đồng tình với lý giải này của Myanmar. Họ cho rằng hợp pháp hóa nuôi nhốt động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng sẽ dẫn đến hợp pháp hóa việc tiêu thụ các con vật này. Đồng thời, hành động này còn thúc đẩy nhu cầu của thị trường về lâu dài.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Tổ chức Động Thực vật thế giới (FFI), thực tế cho thấy nuôi nhốt để kinh doanh động vật hoang dã làm tăng hành vi buôn bán trái phép chúng và tạo ra thị trường song song, thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm động vật hoang dã.
Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), cho phép nuôi và sinh sản một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, các cơ sở phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt.
Không chỉ làm gia tăng hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã, các chuyên gia còn lo ngại Myanmar không đủ khả năng quản lý việc mua bán này và rủi ro của dịch bệnh lây từ động vật sang con người. Điều này có thể dẫn đến đại dịch COVID-19 tiếp theo.