Có nhiều vấn đề ảnh hưởng tới sự chuyển dịch trong quan hệ, nhưng tác động sâu sắc nhất là vấn đề Crưm, và khủng hoảng Đông Ukraina. Giữa các nước lớn vốn xuất hiện sự nghi kỵ, thiếu lòng tin, thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, Crưm như chất xúc tác tác động đến cấu trúc quan hệ, từ đó ảnh hưởng dây chuyền đến một loạt quan hệ khác. Crưm dẫn đến căng thẳng giữa Nga – Mỹ, Nga - Châu Âu, đưa đến sự xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc.
Crưm gây lo ngại vì qua đó, Mỹ, NATO, EU tiếp tục dồn ép Nga về phía Đông, tiếp tục cuộc Đông tiến của Mỹ và phương Tây trên cả khía cạnh an ninh chính trị và kinh tế, làm không gian an ninh an ninh chính trị của Nga ngày càng thu hẹp. Đến sự kiện này, Nga thấy không gian an ninh, sinh tồn của mình ngày càng bị thu hẹp hơn nên họ phản ứng dữ dội. Trong bối cảnh thiếu lòng tin, Mỹ cho rằng Nga muốn vẽ lại bản đồ Châu Âu. Từ đó đưa đến đối trên tất cả các mặt, trừ quân sự.
Nga bị cô lập về mặt kinh tế, chính trị trong quan hệ với phương Tây, đẩy Nga hướng Đông, tạo ra sự gắn kết Trung – Nga chưa từng có, kể cả so với thời kỳ 2 nước có quan hệ đồng minh giai đoạn 1949-1959. Riêng năm qua có 10 cuộc gặp cấp cao của Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường với Putin chính thức và bên lề các hội nghị cấp cao. Không chỉ là các liên kết kinh tế, chính trị, lòng tin giữa Trung Quốc và Nga đã cải thiện hơn nhiều, nghi ngờ về chiến lược của Trung Quốc đối với Nga đã giảm đi.
Một số vấn đề khu vực khác cũng tác động đến quan hệ các nước lớn, như sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo đe dọa đến Trung Đông, Châu Âu, đến đồng minh quan trọng nhất của Mỹ là Israel, khiến Mỹ bận tâm nhiều hơn đến Trung Đông.
Ở Đông Á, các điểm nóng nhiều hơn, đó là vấn đề bán đảo Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật, Biển Đông, quan hệ giữa Trung Quốc với một số nước ở Biển Đông.
Ngoài ra các vấn đề phi truyền thống như khủng bố, dịch Ebola cũng tác động nhiều đến an ninh toàn cầu. Và đến cuối năm có 2 yếu tố tiếp tục tác động mạnh là giá dầu giảm và khó khăn kinh tế của Nga.