Nước Mỹ chuẩn bị cho Lễ nhậm chức của ông Biden như sắp có chiến tranh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vào ngày 20/1 tới, ông Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ tại Điện Capitol ở Washington. Mối quan tâm lo ngại về an ninh của lễ nhậm chức đã bao trùm mọi công tác chuẩn bị có liên quan.
10 ngàn lính Vệ binh quốc gia đã được đưa tới Washington để bảo vệ an ninh cho Lễ nhậm chức của ông Joe Biden (Ảnh: Reuters).
10 ngàn lính Vệ binh quốc gia đã được đưa tới Washington để bảo vệ an ninh cho Lễ nhậm chức của ông Joe Biden (Ảnh: Reuters).

Kể từ sau vụ tấn công bạo lực vào Điện Capitol (trụ sở Quốc hội) của những người ủng hộ Tổng thống Trump hôm 6/1, đã có nhiều lo ngại rằng lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng sẽ bị phá rối. Vì vậy, các cơ quan hữu quan đã tăng cường các biện pháp an ninh. Tổng Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Quốc gia Daniel Hokanson thông báo với CNN rằng có tới 15.000 sĩ quan binh sĩ lực lượng Vệ binh Quốc gia sẽ được đưa đến thủ đô Washington để hỗ trợ lực lượng an ninh địa phương và bảo đảm cho Lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống mới vào ngày 20/1 diễn ra an toàn.

An ninh được siết chặt chưa từng thấy

Bộ An ninh Nội địa Mỹ tuyên bố, trước những sự kiện xảy ra gần đây, Cơ quan Mật vụ chịu trách nhiệm về an ninh của tổng thống đã bước vào giai đoạn tăng cường các nhiệm vụ của mình bắt đầu từ ngày 13 thay vì ngày 19/1 như kế hoạch cũ. Động thái này được Bộ thực hiện theo yêu cầu của nữ Thị trưởng Washington Muriel Bowser. Trước tình hình an ninh phức tạp và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, nữ chính trị gia đảng Dân chủ này trong một cuộc họp báo cũng kêu gọi tất cả những người bên ngoài không đến Washington để xem lễ nhậm chức như những lần trước đây.

Lễ đài phục vụ cho Lễ nhậm chức của ông Joe Biden đã được hoàn tất (Ảnh" Reuters).

Lễ đài phục vụ cho Lễ nhậm chức của ông Joe Biden đã được hoàn tất (Ảnh" Reuters).

Nhiều cơ quan truyền thông Mỹ đưa tin FBI đã ban hành một tài liệu nội bộ cho các cơ quan an ninh khác nhau cảnh báo rằng vào ngày 20/1 hoặc những ngày trước đó, các cuộc biểu tình bạo lực có vũ trang có thể xảy ra ở tất cả các thành phố thủ phủ của 50 bang. FBI đã tuyên bố trong tài liệu rằng mối đe dọa liên quan xuất hiện từ một nhóm liên quan đến sự kiện tấn công nhà Quốc hội hôm 6/1, vì vậy nó là đáng tin cậy.

Hiện tại, tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Washington đã được kéo dài tới ngày 24/1, các công tác chuẩn bị an ninh đã được nâng cấp toàn diện. Cơ quan Mật vụ Hoa Kỳ tuyên bố lễ khánh thành là một "Sự kiện An ninh đặc biệt quốc gia" để thúc đẩy liên lạc liên ngành và chuẩn bị giữa Cảnh sát Điện Capitol, Lầu Năm Góc, Bộ An ninh Nội địa và Cảnh sát đặc khu.

Vào ngày 20/1, Điện Capitol sẽ đóng cửa đối với công chúng; National Mall (Quảng trường quốc gia) ở phía tây, nơi mọi người thường được phép xem trực tiếp, cũng bị đóng cửa. Cuộc diễu hành trên đại lộ Pennsylvania ngày hôm đó cũng bị hủy bỏ. Thị trưởng Washington Muriel Bowser kêu gọi mọi người không nên đến trung tâm thành phố Washington trong những ngày tới.

Đặc vụ Mike Pilates, người phụ trách an ninh cho lễ nhậm chức, cho biết vì tính bảo mật, ông sẽ không tiết lộ quá nhiều chi tiết an ninh, nhưng ông đã tính đến tình huống Điện Capitol lại bị bao vây. Ông nói, nhiều biện pháp đã được thực hiện để đảm bảo một "môi trường ổn định, liền mạch và an toàn" cho những người được bảo vệ, đặc biệt là công chúng.

An ninh đã được siết chặt xung quanh Điện Capitol (Ảnh: AP).

An ninh đã được siết chặt xung quanh Điện Capitol (Ảnh: AP).

Trước khi nền tảng mạng truyền thông xã hội Parler, được gọi là "ngôi nhà" của những người hâm mộ ông Trump, bị gỡ xuống, một tấm áp phích đã được lưu hành trên nền tảng này. Tấm áp phích kêu gọi những người ủng hộ tới Đồi Capitol và tất cả các thủ phủ các bang tổ chức một cuộc biểu tình vũ trang vào ngày 17/1, với dòng chữ "Khi nền dân chủ bị phá hủy, hãy đừng im lặng". Điều đáng nói là hastad #boogaloo# trong áp phích đi kèm ám chỉ Phong trào Bugaloo và những người ủng hộ tổ chức này chủ trương "Nội chiến Hoa Kỳ lần thứ hai".

Đối mặt với một "cuộc nổi loạn" có thể xảy ra sau đó, Giám đốc Vệ binh Quốc gia của Bộ Quốc phòng Daniel Hokanson đã tuyên bố vào ngày 11/1: "Chúng tôi sẽ quan sát chặt chẽ toàn bộ đất nước để đảm bảo sự giám sát của chúng tôi và đảm bảo rằng Lực lượng Vệ binh Quốc gia ở mỗi bang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật địa phương để cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào cần thiết”. Ông Hokanson nói rằng Bộ Quốc phòng có kế hoạch triển khai tới 15.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia để đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh của thủ đô Washington trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Cơ quan quản lý Công viên Quốc gia đã thông báo vào ngày 11/1 rằng vì sự an toàn của lễ nhậm chức, họ sẽ cấm công chúng tới Đài tưởng niệm Washington cho đến ngày 24/1.

Công tác an ninh trong Điện Capitol được siết chặt. Trong ảnh: Chủ tịch Hạ nghị viện Nancy Pelosi chuẩn bị bước qua máy soi kim kim loại (Ảnh: Reuters)

Công tác an ninh trong Điện Capitol được siết chặt. Trong ảnh: Chủ tịch Hạ nghị viện Nancy Pelosi chuẩn bị bước qua máy soi kim kim loại (Ảnh: Reuters)

Khẩu hiệu lễ nhậm chức "America United" (Nước Mỹ đoàn kết)

Tổng thống đắc cử Joe Biden nói rằng ông không lo ngại về an ninh của lễ nhậm chức. Trả lời câu hỏi liên quan của phóng viên, Joe Biden nói ông không ngại tổ chức lễ tuyên thệ ngoài trời. Theo truyền thống, lễ tuyên thệ của tân tổng thống được tổ chức trên lễ đài phía tây của Điện Capitol. Những ngày này, các biện pháp an ninh đã được tăng cường đáng kể xung quanh Điện Capitol, bao gồm một bức tường bằng tấm lưới kim loại cao tới 2 mét đã được dựng lên.

Đội ngũ của ông Biden thông báo rằng tổng thống đắc cử sẽ sử dụng "America United" (Nước Mỹ đoàn kết) làm khẩu hiệu trong lễ nhậm chức của mình.

Theo hãng tin AP ngày 12/1, chủ đề lễ nhậm chức của ông Biden "phản ánh sự khởi đầu của hành trình phục hưng tâm hồn người Mỹ, đoàn kết toàn bộ đất nước và tạo ra một đất nước mới với một tương lai tươi sáng hơn".

Ông Tony Allen, Giám đốc điều hành của Ban tổ chức Lễ nhậm chức cho biết trong một tuyên bố: "Lễ nhậm chức này đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới đối với người dân Mỹ. Đó là sự hàn gắn vết thương, đoàn kết và thống nhất. Một chương mới của nước Mỹ đoàn kết”.

Nữ cựu binh Ashli Babbitt tham gia vụ bạo loạn hôm 6/1 bị cảnh sát Quốc hội bắn chết (Ảnh: Dwnews).

Nữ cựu binh Ashli Babbitt tham gia vụ bạo loạn hôm 6/1 bị cảnh sát Quốc hội bắn chết (Ảnh: Dwnews).

Ban tổ chức cũng thông báo, với chủ đề đoàn kết, ba vị cựu tổng thống sẽ "tái hợp" tại lễ nhậm chức của ông Biden. Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump đã bày tỏ ông sẽ không tham dự lễ nhậm chức. Ngoài vợ chồng ông Biden, vợ chồng phó tổng thống đắc cử Harris, vợ chồng các cựu Tổng thống Barack Obama, Bush Jr., Bill Clinton sẽ cùng nhau đến Nghĩa trang Quốc gia Arlington để đặt vòng hoa trước mộ Người lính Vô danh. Đây sẽ là hành động đầu tiên của Joe Biden sau khi ông đảm nhận chức vụ tổng thống, cho thấy tầm quan trọng của sự đồng lòng của hai đảng khi đất nước bị chia rẽ.

Hãng tin AP nhận định rằng "chú trọng đoàn kết" là đặc điểm của ông Biden. Ông đã nhiều lần tuyên bố rằng một trong những nhiệm vụ đầu tiên của tổng thống là "làm thống nhất đất nước".

Quân đội rà soát nội bộ tìm nội gián

Hậu quả của vụ tấn công Quốc hội hôm 6/1 vẫn chưa kết thúc. Ngày 20/1 lễ nhậm chức của ông Biden sẽ được tổ chức tại cùng khu vực do những người biểu tình chiếm đóng. Trước nguy cơ một cuộc phản đối vũ trang có thể diễn ra, an ninh ở Washington DC. đã được nâng cấp với 15.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia sẽ được triển khai.

Trước thực tế là các cựu chiến binh đã đi đầu trong việc tấn công Điện Capitol và có nội gián trong số các nhân viên thực thi pháp luật đã dẫn đường cho những người biểu tình, quân đội không dám coi thường điều đó. Họ đang rà soát xem có ai có "lý lịch đáng ngờ" trong số những người lính tham gia nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho lễ nhậm chức hay không và họ được yêu cầu "báo cáo bất cứ lúc nào".

Các phần tử thuộc tổ chức dân quân cực hữu “Oath Keepers” tham gia tấn công nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1 bị chụp ảnh (Ảnh: The Paper).

Các phần tử thuộc tổ chức dân quân cực hữu “Oath Keepers” tham gia tấn công nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1 bị chụp ảnh (Ảnh: The Paper).

CNN ngày 12/1 đã đề cập rằng khi lễ nhậm chức của ông Biden vào ngày 20/1 sắp đến gần, quân đội Mỹ đang thực hiện các biện pháp để kịp thời phát hiện và đối phó với chủ nghĩa cực đoan trong quân đội.

Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc đã thừa nhận trong một tuyên bố bằng văn bản cùng ngày 12/1 rằng quân đội đang hợp tác với Cơ quan Mật vụ Mỹ để xác nhận liệu có những binh sĩ Vệ binh Quốc gia tham gia công tác an ninh ở Washington, D.C có cần phải trải qua "kiểm tra lý lịch bổ sung" hay không.

Tuyên bố nêu rõ tất cả các quân nhân tại ngũ đều được tập huấn hàng năm và được yêu cầu báo cáo về "bất kỳ hành vi quá khích nào có tính đe dọa" trong quân đội. Tuy nhiên, Lực lượng Vệ binh Quốc gia ở Washington sẽ huấn luyện bổ sung cho các binh sĩ dần dần được điều đến và yêu cầu báo cáo cho cấp trên của họ "bất cứ điều gì thấy không phù hợp".

Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cũng ra tuyên bố cùng ngày, yêu cầu các binh sĩ Mỹ bảo vệ Hiến pháp và chống lại tư tưởng cực đoan.

Áp-phích kêu gọi biểu tình tại 50 bang vào ngày 17/1 trên mạng xã hội Parler (Ảnh: The Paper).

Áp-phích kêu gọi biểu tình tại 50 bang vào ngày 17/1 trên mạng xã hội Parler (Ảnh: The Paper).

Hiện tại, có khoảng 6.200 binh sĩ Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tại thủ đô Washington, con số này dự kiến ​​lên tới 10.000 người vào cuối tuần. Họ được điều đến Washington, D.C từ 6 tiểu bang bao gồm Virginia, Maryland, New York, Delaware, New Jersey và Pennsylvania. Các bang này cũng có thể cử thêm 5.000 người tùy theo tình hình, nâng tổng số binh sĩ tham gia bảo vệ an ninh cho lễ nhậm chức lên tới 15.000 người.

Điều đáng chú ý là 6 bang có sự hỗ trợ quân sự nói trên đều đến từ vùng đông bắc là nơi ủng hộ Đảng Dân chủ trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua.

CNN bình luận rằng sự xâm nhập của các tư tưởng cực hữu vào quân đội Mỹ luôn gây lo ngại. Không thiếu những cựu chiến binh đã tham gia cuộc bạo loạn ở Quốc hội hôm 6/1, chẳng hạn như người phụ nữ bị chết trong vụ xả súng của cảnh sát Quốc hội. Nhiều thành viên của “Oath Keepers” một trong những tổ chức vũ trang dân quân cánh hữu lớn nhất ở Mỹ, cũng bị chụp ảnh khi tham gia cuộc tấn công vào Điện Capitol. Tổ chức này tuyên bố đã tuyển mộ nhiều thành viên từ cơ quan thực thi pháp luật và quân đội.

Ông David Barno, một Trung tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu và là cựu chỉ huy của lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia ở Afghanistan, cho rằng các lính tại ngũ và cựu binh dễ bị ảnh hưởng bởi sự tấn công của tư tưởng cực đoan vì các tổ chức cực hữu “lợi dụng lòng yêu nước của họ".

An ninh của Lễ nhậm chức của ông Joe Biden đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở Mỹ hiện nay (Ảnh: Deutsche Welle).

An ninh của Lễ nhậm chức của ông Joe Biden đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở Mỹ hiện nay (Ảnh: Deutsche Welle).

David Barno đã "rất sốc" trước việc có binh lính và cảnh sát trong đoàn người tấn công Quốc hội. Ông cho rằng số lượng nhỏ những người tham gia trực tiếp chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và quân đội Mỹ phải nghiêm túc nhìn lại bản thân, "các hoạt động cực đoan như vậy phổ biến như thế nào trong các lính tại ngũ và cựu binh?"

Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) trước đây đã cảnh báo rằng "các cuộc phản kháng có vũ trang" có thể nổ ra ở Washington, D.C vào ngày lễ nhậm chức của ông Biden 20/1. Ngoài ra, một nhóm cực hữu đang lên kế hoạch "gây một vụ lớn" ở Washington thông qua việc chia sẻ các phương pháp chế tạo bom và giấu súng thông qua phần mềm xã hội đã được mã hóa.

Sau khi tham dự một cuộc họp giao ban về an ninh, Thượng nghị sĩ bang Maryland Van Hollen tiết lộ rằng số lượng người dự kiến ​​sẽ đến Washington, D.C. vào tuần tới để gây bạo lực, đặc biệt là các thành viên dân quân cực đoan, là "rất đáng sợ".