Hình ảnh nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc nhất được biết đến đó là vào chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 1968, đỉnh điểm của chiến tranh Việt Nam. Thời điểm đó, những người phản chiến và những người bảo vệ cuộc chiến phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam đụng độ với nhau trên đường phố và cuối cùng là tại Đại hội đảng Dân chủ tại Chicago.
Thế nhưng, ngày 11.3 vừa qua, hình ảnh bạo lực đó đã được tái diễn ở mức độ thấp hơn tại cuộc mít tinh ủng hộ ứng cử viên Donald Trump cũng ở Chicago. Người biểu tình chống ông Trump và người ủng hộ ông Trump đã xảy ra đụng độ với nhau trước khi cuộc mít tinh diễn ra, khiến buổi vận động tranh cử của ứng viên này phải dừng lại vì lý do an ninh.
Nguyên nhân phát sinh từ trong lòng nước Mỹ
Khác với sự chia rẽ sâu sắc lần trước khi chiến tranh Việt Nam vào giai đoạn cao trào, nguyên nhân sự chia rẽ lần này trong lòng nước Mỹ chủ yếu đến từ những nguyên nhân nội sinh, từ những vấn đề như nhập cư, kinh tế, bạo lực súng đạn, cảnh sát lạm quyền và việc làm.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bắt nguồn từ nước Mỹ không đánh gục được cường quốc số một toàn cầu này nhưng nó để lại không ít những hệ lụy trong đời sống người dân Mỹ, khi nhiều ngành công nghiệp của nước này bị sụp đổ hoàn toàn.
Nước Mỹ giờ đây không có những ngành sản xuất công nghiệp nặng như sản xuất ô tô, công nghiệp chế tạo và điện tử... Tất cả những công việc ấy đã chuyển dời một phần hoặc tất cả sang Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.
Các công ty Mỹ, không còn tự chế tạo các sản phẩm của mình trên đất Mỹ, tất cả đã được tổ chức sản xuất ở các nước có chi phí nhân công rẻ hơn. Lợi nhuận, phần lớn vẫn sẽ thuộc về các công ty Mỹ, nhưng số lượng việc làm lại giảm đi trông thấy.
Song song đó, tình hình Trung Đông bất ổn mà nguyên nhân sâu xa đến từ cuộc chiến xâm lược Iraq của Mỹ cũng làm dấy lên câu hỏi trong đầu các cử tri nước này là: Tại sao nước Mỹ phải làm "cảnh sát toàn cầu" trong khi không lo được cho những người dân trong nước tại những thành phố sắp phá sản như Flint?.
Nước Mỹ đang thực hiện "cải cách dân chủ" cho những quốc gia như Lybia, Syria, Iraq với kết quả là sự xuất hiện của những tổ chức khủng bố cực đoan như IS. Nhưng lại không đảm bảo được đời sống của người dân tại nhiều thành phố công nghiệp phồn hoa trước đây.
Một khi đời sống không đảm bảo, việc làm bấp bênh, người Mỹ có xu hướng bảo thủ hơn, đặc biệt là đối với người nhập cư như người Mexico và Ả Rập. Những người nhập cư khi mới sang Mỹ thường làm công việc tay chân, những công việc có mức thu nhập thấp và nguy hiểm mà hiếm người Mỹ chấp nhận làm. Tuy nhiên, qua thời gian, những người nhập cư đã dần chuyển dịch sang những ngành nghề "thời thượng" hơn với mức thu nhập cao hơn khiến cử tri Mỹ "bực bội" vì bị "cướp" việc làm.
Về bạo lực súng đạn, hàng năm có tới 32.000 người Mỹ chết bởi nguyên nhân này, kéo theo hàng trăm ngàn người bị thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình. Nhưng, nước Mỹ một lần nữa lại chia rẽ, khi một số lượng lớn người dân nước này cho rằng quyền "tự do súng đạn" là quyền không thể bị khước từ và rằng súng đạn nguy hiểm là do người dùng chứ không phải do sự kiểm soát thiếu chặt chẽ đến từ cơ quan công quyền.
Vấn đề cảnh sát lạm quyền cũng là một vấn đề nóng trong dư luận Mỹ những năm gần đây, nhiều năm qua hàng nghìn người Mỹ đã bị giết chết bởi cảnh sát trên đường, dù tội của họ mắc phải không phải là tội tử hình hoặc thậm chí tệ hơn là họ không làm gì sai trái. Thế nhưng, có tới 96% cảnh sát Mỹ thoát khỏi tội lỗi mà mình gây ra bởi Công tố viên tuyên bố không thụ lý vụ án với lý do "thiếu bằng chứng". Đó chính là nguyên nhân của hàng loạt những vụ bạo loạn tại nhiều thành phố như Ferguson.
Tất cả những điều trên làm cho công chúng Mỹ trở nên vị kỷ, bảo thủ hơn và sự xuất hiện những ứng cử viên Tổng thống như ông Donald Trump là điều không thể tránh khỏi.
Donald Trump "thông thái" hay "điên rồ"?
Khi ông Donald Trump, ứng cử viên dẫn đầu của đảng Cộng hòa hiện nay tuyên bố ứng cử tổng thống, các chuyên gia và cả người dân Mỹ đều cho rằng đó là một "thú chơi ngông" mới của ngài tỉ phú lắm tài nhưng cũng nhiều thị phi.
Thế nhưng, uy tín của Donald Trump lại đột ngột tăng sau khi ông gọi người nhập cư Mexico là "những kẻ hiếp dâm" và sau hàng loạt "phát ngôn gây sốc" ông Trump lại trở thành ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa.
Thậm chí, The Guardian từng có nhận xét rằng, ông Trump mỗi lần đưa ra một phát ngôn gây sốc ở mức độ cao hơn thì uy tín của ông không những không giảm mà còn tăng lên. Đỉnh điểm là vào thời điểm trước khi vòng bầu cử sơ bộ xảy ra chỉ hơn 1 tháng, ông Trump đã tuyên bố muốn "cấm cửa" người di cư Hồi giáo vào Mỹ. Khi đó, ông Trump bị khắp thế giới Hồi giáo và nhiều nước châu Âu chỉ trích, nhưng lại tăng sự tín nhiệm trong lòng dân Mỹ.
Ngoài những phát ngôn gây sốc, ông Trump còn đưa ra hàng loạt chính sách dân túy nếu thắng cử như là biện pháp cải cách hệ thống bảo hiểm y tế, cải cách thuế theo hướng đánh thuế người giàu nặng hơn...
Còn để nhận xét về ông Trump, một người đã tận dụng những mối lo sợ của cử tri Mỹ để tạo được tầng lớp cử tri ủng hộ mình là "điên rồ" hay là "thông thái" không ví dụ nào tốt hơn bằng nhận xét mới đây của ứng cử viên Ben Carson - người vừa tuyên bố ủng hộ ông Trump sau khi dừng tranh cử.
"Có một Donald Trump mà mọi người nhìn thấy trên truyền hình là người mà mọi người đã thấy và có một Donald Trump đằng sau hậu trường", ông Carson giải thích lý do ủng hộ Donald Trump. "Đó không phải là cùng một con người. Một là con người của công chúng và một là con người có suy nghĩ sâu sắc".
Theo Một thế giới