Nước Anh gặp khó khi bán vũ khí cho Ả Rập Saudi

Anh quốc phải đối mặt với các hành động pháp lý khi từ chối ngừng cung cấp giấy phép bán vũ khí đến Ả Rập Saudi, quốc gia đang đối mặt với các vi phạm về nhân quyền và hoạt động tại Yemen.
Yemen tồi tàn sau các cuộc không kích của Ả Rập Saudi.
Yemen tồi tàn sau các cuộc không kích của Ả Rập Saudi.

Theo hãng tin Reuters, các thủ tục xử phạt đang được tiến hành bởi tổ chức chống buôn bán vũ khí Campaign Against Arms Trade (CAAT), chống lại cơ Cơ quan Thương mại Anh. CAAT cho rằng chính phủ Anh không thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn và hạn chế hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế của Ả Rập Saudi.

Trong tài liệu dài 19 trang về cảnh báo pháp lý, CAAT tuyên bố chính phủ Anh có 14 ngày để ngăn chặn việc cấp các giấy phép xuất khẩu vũ khí đến Ả Rập Saudi. Nếu London tiếp tục “làm ngơ” cảnh cáo, nước này có thể đối mặt với các vụ kiện tại tòa án tối cao.

 Theo CAAT, vũ khí và thiết bị quân sự của Anh xuất khẩu sang Ả Rập Saudi hiện được dùng trong các chiến dịch gây hấn với Yemen, khiến hàng ngàn thường dân thiệt mạng.

Cảnh báo trích cũng dẫn những yêu cầu của Liên minh Châu Âu về hoạt động buôn bán vũ khí. Theo đó, tất các quốc gia thành viên phải hạn chế việc xuất khẩu vũ khí nếu xuất hiện nguy cơ khí tài quân sự có thể để “tiếp tay” cho hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế tại quốc gia đối tác.

Một phát ngôn viên của Cơ quan thương mại Anh đã xác nhận những cảnh báo, nhưng không đưa ra bất cứ bình luận nào về “hành động pháp lý” của CAAT.

Ông Andrew Smith, phát ngôn viên của CAAT, cho biết: “Ả Rập Saudi đang sử dụng vũ khí mua của Anh trong các chiến dịch đánh bom giết chết hàng ngàn người, phá hủy cơ sở hạ tầng tại Yemen và tạo ra nhiều căng thẳng trong khu vực. Và Vương quốc Anh đồng lõa với hành động này khi tiếp tục hỗ trợ các cuộc không kích bằng cách bán vũ khí cho Riyadh, bất chấp các bằng chứng cho thấy tội ác chiến tranh ngày càng rõ hơn”.

Tổ chức chống buôn bán vũ khí đã đưa ra những số liệu cho thấy Anh đã cấp nhiều giấy phép bán vũ khí trị giá 8 tỉ USD cho Riyadh từ khi Thủ tướng Anh David Cameron nhậm chức vào tháng 5.2010. Trong khi đó, hồ sơ nhân quyền của quốc gia trên bán đảo Ả Rập đang được theo dõi do liên tiếp có những chính sách vi phạm quy định quốc tế, bao gồm cả việc xử tử giáo sĩ dòng Shia Sheikh Nimr al-Nimr và 46 người khác.

Liên Hợp Quốc, nghị viện châu Âu và nhiều tổ chức nhân quyền đã bày tỏ sự lo ngại về hoạt động quân sự của A Rập Saudi với quốc gia láng giềng và các vi phạm luật nhân đạo.

Hơn 7.500 người thiệt mạng và hơn 14.000 người khác bị thương trong các cuộc không kích do Riyadh thực hiện tại Yemen. Ngoài ra, cuộc chiến trên bán đảo Ả Rập cũng gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất và hạ tầng, đẩy người dân Yemen vào tình cảnh khốn khó.

Hàn Giang - Theo PressTV, Một thế giới