Nữ ca sĩ Tôn Yến Tư bị công nghệ AI "cướp nghề" làm dấy lên tranh cãi về bản quyền

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tôn Yến Tư (Stefanie Sun) là ca sĩ Singapore thuộc hàng “thiên hậu” trong làng ca nhạc Hoa ngữ, nhưng gần đây, giọng hát của cô do AI tạo ra cover ca khúc của các ca sĩ khác đang gây nên tranh cãi kịch liệt…

Ca sĩ ảo "AI Stefanie Sun" đang gây nên cơn sốt trên mạng ở Trung Quốc (Ảnh: redian.new)
Ca sĩ ảo "AI Stefanie Sun" đang gây nên cơn sốt trên mạng ở Trung Quốc (Ảnh: redian.new)

Việc “ca sĩ AI” gây sốt trên mạng đã gây nên cuộc tranh luận về vấn đề xâm hại bản quyền: “AI Stefanie Sun” có xâm hại bản quyền của Stefanie Sun? “AI Stefanie Sun” có xâm hại bản quyền các ca sĩ mà nó nhái giọng? Các ca khúc do “AI Stefanie Sun” hát có được hưởng bản quyền không?...

Chỉ sau một thời gian ngắn, giọng hát của "AI Stefanie Sun" đã gây cơn sốt trên mạng với các ca khúc "She Said" của Lâm Tuấn Kiệt (JJLin), "Love in BC" của Châu Kiệt Luân (Jay Chou), "Chengdu" của Triệu Lôi (Zhao Lei)...được nó cover lại. Nhiều cư dân mạng cho biết sau khi nghe “AI ​​Stefanie Sun” cả đêm, họ không thể thoát ra được, theo trang tin Yangcheng Evening News.

Trong khi đó, trang Stcn.com (Thời báo Chứng khoán, Trung Quốc) ngày 10/5 nhận xét, ca sĩ nổi danh nhất làng ca nhạc Hoa ngữ năm 2023 không phải Châu Kiệt Luân (Jay Chou), cũng không phải Tôn Yến Tư (Stefanie Sun) mà là “AI Stefanie Sun”. Theo trang này, hiện nay “AI Stefanie Sun” mỗi ngày tung ra tới mấy chục “tác phẩm” mới…

Những ca khúc cover này ra đời dựa trên một dự án mã nguồn mở có tên là so-vits-svc. Chỉ với một vài đoạn âm thanh, một mô hình tổng hợp có thể được sử dụng để tổng hợp nên âm sắc mục tiêu và đào tạo thành mô hình âm thanh mà người dùng muốn có. Mô hình này có thể bảo toàn âm điệu, cao độ và trường độ, đồng thời cũng có thể hát nhái giọng bằng các ngôn ngữ khác.

Ca si Ton Yen Tu.jpg
Ngôi sao ca nhạc Singapore Tôn Yến Tư (Stefanie Sun).

Ca sĩ trở thành nạn nhân đầu tiên của AI?

Từ AI thay đổi khuôn mặt, AI vẽ tranh cho đến AI viết luận văn, sức mạnh của công nghệ khiến người ta kinh ngạc và giờ đây, các bài hát cover của AI lại gây nên cơn sốt! Một số bài hát do "AI Stefanie Sun" thể hiện đã có hơn 1 triệu lượt truy cập trên Internet và gần như không có phong cách âm nhạc nào "AI Stefanie Sun" không bắt chước được.

Một số cư dân mạng cho rằng Stefanie Sun sẽ là người đầu tiên mất việc sau khi “AI Stefanie Sun” xuất hiện, đồng thời đề nghị Stefanie Sun nhanh chóng tổ chức live concert càng sớm càng tốt, đừng để "AI Stefanie Sun" cướp mất nồi cơm của cô bằng cách “dĩ giả loạn chân”.

Một số cư dân mạng cũng cho rằng việc "AI Stefanie Sun" giúp cho tên của Stefanie Sun, người được mệnh danh là "ca sĩ gây bất ngờ" của thế hệ “Gen Z”, một lần nữa trở thành ca sĩ hàng đầu và khiến cô nổi lên không phải là điều gì xấu. Về bản chất, "AI Stefanie Sun" cũng tương tự như một chương trình bắt chước, trên thực tế có rất nhiều người dựa vào việc bắt chước nghệ sĩ nổi tiếng để ăn nên làm ra nhờ khuôn mặt hay giọng nói, cử chỉ giống người nổi tiếng. "AI Stefanie Sun" chỉ bắt chước giọng của Stefanie Sun để hát chứ sẽ không thực sự thay thế được Stefanie Sun.

Sự nổi tiếng của "AI Stefanie Sun" trước hết dựa trên việc Stefanie Sun có sức hấp dẫn trong thực tế, về bản chất là ăn theo lượng truy cập của Stefanie Sun, bám theo và hưởng lợi từ người nổi tiếng. Vì âm sắc của Stefanie Sun rất độc đáo, rất được hoan nghênh nên "AI Stefanie Sun" mới có thị trường, nếu không có thị trường cho Stefanie Sun thì sẽ không có thị trường cho "AI Stefanie Sun".

Dù "AI Stefanie Sun" vẫn còn một khoảng cách nhất định so với bản gốc Stefanie Sun thật ngoài đời về giọng hát và kỹ năng, nhưng về cơ bản âm sắc đã được tái hiện hoàn chỉnh, thỏa mãn nhiều mong ước của người hâm mộ. "AI Stefanie Sun" cover tác phẩm của người khác, cho phép mọi người tưởng tượng giọng Stefanie Sun sẽ như thế nào nếu hát một bản cover thật, giúp họ thỏa mãn trí tò mò. Ví dụ, nghe "AI Stefanie Sun" hát ca khúc "Hair Like Snow" của Châu Kiệt Luân, có cư dân mạng bình luận “thật tuyệt vời, tôi hy vọng Stefanie Sun có thể thực sự hợp tác với Châu Kiệt Luân một lần và nhìn thấy sự hợp tác của hai người thật ngoài đời thực.”

Danh sach cac ca khuc do AI Stefani Sun cover ngay cang nhieu.jpeg
Danh sách các ca khúc cover của "AI Stefanie Sun" ngày một dài (Ảnh: Sohu).

Có ý kiến cho rằng, sự nổi tiếng của "AI Stefanie Sun" có thể khiến người hâm mộ gợi lại ký ức về chính Stefanie Sun, nhận ra giá trị của Stefanie Sun, về khách quan khiến "ca sĩ gây bất ngờ" nổi tiếng trở lại và đóng vai trò quảng bá cho cô. Vì vậy "AI Stefanie Sun" sẽ không thực sự thay thế vị trí của Stefanie Sun, và cô sẽ không bị mất việc vì điều này.

Có vi phạm luật bản quyền?

Một số chuyên gia cho rằng việc "AI Stefanie Sun" sử dụng âm sắc riêng của Stefanie Sun không vi phạm bản quyền, bởi “phạm vi tác phẩm được Luật Bản quyền bảo hộ bao gồm tác phẩm viết, tác phẩm truyền miệng, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm nghệ thuật...và âm sắc không thuộc một trong các loại bảo hộ nói trên, bản thân âm sắc không cấu thành tác phẩm, không được Luật Bản quyền bảo hộ".

Tuy nhiên, vẫn có nhiều tranh luận về vi phạm bản quyền của "AI Stefanie Sun". Một số chuyên gia cho rằng hát cover sẽ liên quan đến việc bắt chước giọng hát gốc, điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của ca sĩ đối với giọng hát. Nếu đơn thuần là một bản cover thì nó không liên quan đến vấn đề bản quyền, nhưng nó liên quan đến quyền về giọng nói trong các quyền về nhân cách. Ngoài ra, quyền về họ tên, hình ảnh của công dân cũng được pháp luật bảo hộ. Hơn nữa, do lưu lượng truy cập thường liên quan đến lợi ích kinh tế nên việc tải lên các bài hát cover của "AI Stefanie Sun" để kiếm lưu lượng truy cập, từ đó thu được lợi ích kinh tế, nếu có mục đích thương mại thì các bài hát cover có liên quan cũng sẽ vi phạm tác quyền ca khúc.

Dù ranh giới pháp lý vẫn chưa rõ ràng nhưng cũng có một số ca sĩ đang ủng hộ sự thay đổi này.

Theo các báo, ca sĩ người Mỹ LeAnn Rimes đã công khai tuyên bố rằng cô "rất vui khi mọi người sử dụng giọng hát của mình", nhưng cô yêu cầu được hưởng 50% tiền bản quyền. Có thể thấy rằng mặc dù cô ấy không ngại mọi người sử dụng giọng hát của mình nhưng không phải là miễn phí, “vốn không có bữa trưa nào miễn phí”. Đúng như cư dân mạng đặt câu hỏi, nếu giọng nói không được bảo vệ, có thể bị bắt chước, sản xuất và sử dụng lại thì liệu trong tương lai các sản phẩm sử dụng giọng nói làm nhận dạng chính như khóa vân tay liệu có bị loại bỏ? Từ đó dẫn đến hàng loạt vấn đề xã hội như lừa đảo, thao túng dư luận, làm xấu hình tượng nhân vật?

Luật sư Nhạc Kỳ Sơn, đối tác cấp cao của Công ty luật Nhạc Thành Bắc Kinh, nói Khoản 2, Điều 42 "Luật Bản quyền CHND Trung Hoa" quy định rằng: nếu nhà sản xuất âm thanh sử dụng tác phẩm âm nhạc đã được ghi âm hợp pháp của người khác để ghi âm thành bản ghi âm mới có thể không cần xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, nhưng cần trả thù lao theo quy định; nhưng nếu chủ sở hữu quyền tác giả tuyên bố không cho phép sử dụng thì không được sử dụng.

Danh muc cac ca khuc cua AI S.Sun cover ngay cang dai.jpg
Nhiều ca khúc do "AI Stefanie Sun" cover nhanh chóng đạt triệu views sau khi được up lên.

Ông nói: "Đầu tiên, ca sĩ ảo này đã đề cập đến tên của ngôi sao cụ thể, đây là một loại xâm phạm quyền tên tuổi của ngôi sao. Ngoài ra, khi biểu diễn cover, còn phải xem nó có phù hợp với nội dung cover do Luật bản quyền quy định, muốn làm bản đĩa hoặc làm bản cover đều được, nhưng cần trả phí tương ứng cho tác giả".

Luật sư Túc Hiểu Nam nói, trên thực tế đã có những vụ án sử dụng giọng nói của người khác để lừa đảo, "Ví dụ, một số tội phạm bắt chước giọng nói của bạn để gọi hoặc gửi tin nhắn âm thanh cho người khác, khiến người khác sẽ nhầm tưởng đó là bạn. Bọn tội phạm yêu cầu chuyển tiền, hành vi gian lận hoặc lừa đảo có thể xảy ra."

Ngoài khả năng vi phạm bản quyền, trên thực tế, có những vấn đề đạo đức rất lớn đằng sau ca sĩ AI và người ảo AI cần giải quyết. Luật sư Lương Tranh đưa ra ví dụ: "AI sử dụng giọng nói của một người nổi tiếng nào đó trên Internet để đào tạo, sau đó giao lưu tình cảm với nhiều người cùng một lúc. Điều này có thể gây ra những vấn đề lớn về đạo đức và luân lý. Nếu không được xử lý đúng cách, nó sẽ bước vào lằn ranh đỏ đạo đức.”

Do đó, nếu lo ngại AI sẽ khiến Stefanie Sun trở thành người đầu tiên thất nghiệp, thì cũng nên đối mặt với vấn đề bảo hộ quyền lợi do "AI Stefanie Sun" gây ra. Có lẽ, không phải Stefanie Sun sẽ mất việc vì AI mà những hành vi vi phạm của AI nên bị loại bỏ trước. Chỉ bằng cách làm rõ ranh giới pháp lý của việc bảo vệ quyền lợi và buộc AI hoạt động trong quỹ đạo hợp pháp thì mọi người mới có thể yêu thích nó.