Điều gì khiến những người biểu tình Myanmar đốt phá các công ty Trung Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Những người biểu tình chống đảo chính ở Myanmar bất bình với việc Trung Quốc ủng hộ quân đội, tình cảm chống Trung Quốc đang dâng cao. Họ đã tấn công nhiều công ty của Trung Quốc tại Yangon  hôm 14/3.
32 công ty Trung Quốc đã bị những người biểu tình ở Yangon đốt phá trong ngày 14/3 (Ảnh: Ifeng).
32 công ty Trung Quốc đã bị những người biểu tình ở Yangon đốt phá trong ngày 14/3 (Ảnh: Ifeng).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 15/3, ngay cả các nhà máy của Đài Loan cũng bị vạ lây. Một doanh nhân Trung Quốc tại khu công nghiệp này nói ông ta cảm thấy “hoang mang lo sợ”, không biết phải làm gì.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar chiều 15/3 cho biết, tính đến buổi trưa ngày hôm nay nay (15/3), các vụ tấn công của những người biểu tình quá khích đã khiến 32 nhà máy do người Trung Quốc làm chủ bị hư hại, 2 người Trung Quốc bị thương, không ai chết, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 240 triệu Nhân dân tệ (840 tỷ VND). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khi chủ trì cuộc họp báo thường kỳ chiều cùng ngày khẳng định “tính chất của vụ việc là rất tồi tệ; Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc giục phía Myanmar sử dụng các biện pháp thiết thực để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực, đồng thời kêu gọi dân chúng Myanmar hãy bày tỏ yêu cầu của họ một cách hợp pháp”.

Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) chiều 15/3 đã đăng bài phân tích nhan đề “Vì sao các công ty Trung Quốc trở thành đối tượng bị đập phá, cướp đốt?”.

Bài báo viết, vào ngày 14/3, các vụ đập phá, cướp bóc và phóng hỏa đã xảy ra ở các Khu công nghiệp Hlaing Thaya và Shwe Pyi Thar ở phía tây Yangon, Myanmar. Hơn 30 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc hoặc liên doanh Trung Quốc - Myanmar đã bị ảnh hưởng, phần lớn trong đó là các nhà máy gia công hàng may mặc quy mô nhỏ, nhà máy sản xuất phụ kiện may mặc và nhà máy thiết bị phụ trợ.

Những người tấn công các nhà máy của người Trung Quốc đốt lửa ngăn cản công tác cứu hộ (Ảnh: EPA).

Những người tấn công các nhà máy của người Trung Quốc đốt lửa ngăn cản công tác cứu hộ (Ảnh: EPA).

Những người đốt phá đã dựng rào chắn đường và la hét trên xe máy của họ. Một số nhân viên trực ở các nhà máy đã bị thương. Ít nhất một nhà máy đã bị những người tấn công chiếm giữ. Vụ việc thu hút sự chú ý của Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar và chính phủ ở Bắc Kinh.

Đại sứ quán Trung Quốc coi vụ việc này "có tính chất rất tồi tệ" và xếp nó vào loại sự cố "đập phá, cướp bóc và phóng hỏa". Nhưng Bắc Kinh cũng nhấn mạnh rằng "vẫn chưa thể xác định được danh tính của những kẻ phá hoại".

Sau cơn phẫn nộ, Đại sứ quán Trung Quốc chỉ yêu cầu cảnh sát địa phương "áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ sự an toàn của các doanh nghiệp và nhân viên người Trung Quốc", cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực để tránh bị cuốn vào vụ việc.

Vào khuya ngày 14/3, quân đội Myanmar đã ban hành lệnh giới nghiêm ở khu vực liên quan, và đài truyền hình Myawaddy TV trực thuộc của họ cho rằng vụ việc này là do "2.000 người chặn đường và ngăn không cho lính cứu hỏa tới dập lửa". Tuy nhiên, quân đội Myanmar đến nay vẫn giữ im lặng và từ chối bình luận.

Có thể có nhiều khả năng xảy ra trong vụ việc này ở Myanmar. Trước hết, có thể do các nhóm biểu tình ở Myanmar giận cá chém thớt với các công ty Trung Quốc.

Một nhà máy 100% vốn của người Trung Quốc bị đốt cháy (Ảnh: toutiao).

Một nhà máy 100% vốn của người Trung Quốc bị đốt cháy (Ảnh: toutiao).

Cũng trong ngày 14/3, tại khu vực Hlaing Thaya đã xảy ra một cuộc đụng độ dữ dội giữa những người biểu tình với quân đội và cảnh sát Miến Điện, khiến ít nhất 22 người thiệt mạng. Cùng ngày, ít nhất 39 người trên cả nước Myanmar đã thiệt mạng. Tổng số người biểu tình bị chết đã vượt quá con số 130.

Bài báo viết, trong thời gian "Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ" (NLD) nắm quyền, các nhóm dân túy và các tổ chức phi chính phủ trở nên rất phổ biến ở Myanmar. Trong các cuộc đấu tranh trước đây với chính quyền quân sự, họ vẫn giữ định kiến ​​về chính quyền quân sự và Trung Quốc. Theo quan điểm của họ, Trung Quốc là một "quốc gia chuyên chế phi dân chủ". Sau cuộc đảo chính ở Myanmar, sự thù địch trước đây của nhiều tổ chức đối với Trung Quốc đã được kích hoạt. Họ cũng hình thành kết luận rằng "chính quyền quân sự chuyên quyền, Trung Quốc cũng chuyên quyền. Trung Quốc không lên án đảo chính, vì vậy Trung Quốc ủng hộ đảo chính". Ban đầu luận điểm này được lan truyền rộng rãi trên các nền tảng diễn đàn trực tuyến như "reddit", tất cả đều nhắm mục tiêu đối kháng mạnh mẽ với Trung Quốc.

Các nhóm dân túy và các tổ chức phi chính phủ tham gia cuộc biểu tình đã đưa ra những lời đe dọa đối với các nhà máy của Trung Quốc. Trong người biểu tình Myanmar cũng lan truyền tin đồn “Trung Quốc đưa quân đến Myanmar” và “Trung Quốc cử các chuyên gia mạng đến Myanmar để ngắt kết nối Internet”. Với việc những người biểu tình được trang bị kém bị quân đội và cảnh sát đàn áp và chịu tổn thất nặng nề, họ khó tránh khỏi sử dụng những biện pháp cực đoan để trút giận lên các công ty Trung Quốc trong cùng khu vực.

Một nhà máy của người Trung Quốc bị đốt phá (Ảnh: UDN).

Một nhà máy của người Trung Quốc bị đốt phá (Ảnh: UDN).

Thứ nữa, chính quyền quân sự Myanmar cũng có khả năng tạo ra những sự cố quy mô nhỏ, biến việc nội bộ thành chuyện quốc tế để thu hút sự chú ý của thế giới bên ngoài.

Chính quyền quân sự Myanmar biết rõ rằng mặc dù dư luận Myanmar gắn họ với Bắc Kinh, nhưng thực tế không phải như vậy. Đại sứ quán Trung Quốc đã chỉ ra rằng Bắc Kinh "hoàn toàn không muốn nhìn thấy tình hình Myanmar như hiện tại".

Mặc dù Bắc Kinh lẩn tránh thuật ngữ "đảo chính", họ vẫn sử dụng thuật ngữ "cải tổ lại chính phủ quy mô lớn". Đây là cách thể hiện Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác.

Do ấn tượng của Bắc Kinh về chính quyền NLD của bà Aung San Suu Kyi vẫn tốt hơn so với chính quyền quân sự, nên họ khó có thể chủ động can thiệp. Điều này khiến quân đội có thể tạo ra những sự cố quy mô nhỏ, thông qua quân đội để duy trì trật tự và khôi phục sự ổn định của tình hình, tăng cường sự quan tâm của thế giới bên ngoài đối với các vấn đề đối nội của Myanmar; từ đó chứng tỏ cho thế giới bên ngoài bao gồm ASEAN và Liên minh châu Âu thấy rằng quân đội có khả năng kiểm soát được tình hình.

Ngoài ra, cũng có thể có các thế lực bên ngoài hoặc các nước lớn khác bị cuốn vào Myanmar.

Mặc dù thân phận của những người liên quan vẫn cần được xác nhận thêm, nhưng mục đích của họ có thể đã rõ ràng. Những người gây chuyện muốn lợi dụng hiện trạng để tạo ra các sự kiện quy mô nhỏ, tránh sự can thiệp quy mô lớn của các thế lực quốc tế, cố gắng chỉ kéo Trung Quốc vào cuộc. Điều này khiến các thế lực nước lớn ở Myanmar cần áp dụng các biện pháp "phẫu thuật ngoại khoa" để buộc Trung Quốc ra tay. Chỉ đốt lửa và đập phá đã trở thành một biện pháp giá thành tương đối rẻ.

Đa Chiều cho rằng, mặc dù hầu hết những người biểu tình Myanmar đều gắn chính quyền quân sự nước họ với Bắc Kinh, nhưng đó không phải là thực tế, và chính quyền quân sự Myanmar hoàn toàn nhận thức được điều này. Thái độ của Trung Quốc đối với những thay đổi ở Myanmar gần với quan điểm của ASEAN, đều cho rằng “hai bên không giúp đỡ nhau, người dân Myanmar sẽ tự mình giải quyết”. Đây là lập trường chính thức của Trung Quốc về việc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

Đối với người dân Myanmar, cuộc đảo chính thực sự là một điều đã được biết trước và nó thậm chí đã trở thành một vòng tuần hoàn của môi trường chính trị Myanmar.

Do đó, Trung Quốc cũng sẽ cùng bày tỏ tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “lên án mạnh mẽ hành động bạo lực của Myanmar đối với những người biểu tình ôn hòa và một lần nữa kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và những người khác”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố “hy vọng rằng tất cả các bên ở Myanmar sẽ giữ bình tĩnh và kiềm chế. Xuất phát từ lợi ích cơ bản của người dân Myanmar, kiên trì giải quyết các mâu thuẫn và khác biệt trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật thông qua đối thoại và tham vấn, tiếp tục thúc đẩy tiến trình chuyển đổi dân chủ trong nước".

Những người biểu tình bị cảnh sát dùng hơi cay giải tán (Ảnh: Dwnews).

Những người biểu tình bị cảnh sát dùng hơi cay giải tán (Ảnh: Dwnews).

Xét cho cùng, kể từ khi vấn đề người Rohingya bùng nổ ở Myanmar, chính phủ của bà Aung San Suu Kyi đã đối xử với cộng đồng này là "người nước ngoài cư trú ở Myanmar". Do các biện pháp bạo lực và phân biệt đối xử, chính phủ của họ đã bị chính phủ và công chúng phương Tây chỉ trích. Tại thời điểm đó, Trung Quốc áp dụng thái độ "lên án bạo lực, nhưng vấn đề của Myanmar nên do chính người Myanmar giải quyết", đã trở thành đối tượng quốc tế hiếm hoi sẵn sàng hợp tác với bà Aung San Suu Kyi và chính phủ Myanmar.

Bài viết của Đa Chiều kết luận, tình hình hỗn loạn hiện tại ở Myanmar rồi sẽ trôi qua. Khi tình hình lắng xuống, dù là quân đội hay chính phủ được bầu cử dân chủ tiếp theo cầm quyền, mối quan hệ thân thiết “Pauk Phaw” giữa Bắc Kinh và Naypyidaw sẽ được nối lại. Chỉ là tình trạng hỗn loạn hiện tại sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của các công ty Trung Quốc ở Myanmar và chính phủ Myanmar sau đó chắc chắn sẽ phải bồi thường những thiệt hại do tình trạng hỗn loạn hiện nay gây ra.