Được tiếp đà từ chiến dịch không kích của Nga, quân đội Syria đang có những cuộc giao tranh ác liệt nhất trong nhiều tuần trở lại đây với lực lượng nổi dậy, nhằm giành lại những khu vực lãnh thổ đã mất trước đó. Trong bối cảnh này, Mỹ không thể đứng nhìn lực lượng được họ và phương Tây hậu thuẫn bị đè bẹp dễ dàng, nên đã bất ngờ thả vũ khí xuống cho quân nổi dậy Syria.
Mỹ đã dùng dù thả 50 tấn vũ khí hạng nhẹ xuống cho quân nổi dậy Syria hôm Chủ nhật (11/10). Số vũ khí này đã “tới tay của các nhóm người Ả-rập ở Syria. Chỉ huy của các lực lượng này đã được Mỹ kiểm tra kỹ càng và xác minh là họ đang chiến đấu nhằm đánh đuổi và tiêu diệt nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)”, phát ngôn viên của liên quân do Mỹ dẫn đầu - Đại tá Steve Warre cho hay. Tuy nhiên, ông này không cung cấp thêm thông tin chi tiết về các nhóm nổi dậy Syria nhận được vũ khí của Mỹ, cũng như địa điểm đồn trú của họ ở Syria vì lý do “an ninh”.
Một quan chức quốc phòng của Mỹ miêu tả vụ thả vũ khí xuống cho lực lượng nổi dậy Syria là đợt thả vũ khí mới, và là một hoạt động “bình thường” mà liên quân phương Tây sẽ tiếp tục tiến hành “khi thấy cần thiết”.
Động thái cung cấp hàng chục tấn vũ khí cho lực lượng nổi dậy Syria được đưa ra là để ủng hộ cho quyết định gần đây của Lầu Năm Góc về việc “tạm ngừng” chương trình huấn luyện, đào tạo phe nổi dậy ôn hoà ở Syria - một chương trình mà giới chức Mỹ thừa nhận đã hoàn toàn thất bại. Thay vì đào tạo, huấn luyện và cung cấp vũ khí cho các lực lượng nổi dậy theo đường lối ôn hoà, giới chức Nhà Trắng hồi cuối tuần vừa rồi thông báo họ sẽ tăng cường hậu thuẫn về mặt phương tiện, trang thiết bị cho các đơn vị đáng tin cậy đang chiến đấu trên chiến trường Syria, và sẽ chỉ tiến hành đào tạo cho giới lãnh đạo lực lượng nổi dậy Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Mỹ thả số lượng lớn vũ khí cho lực lượng nổi dậy Syria nhắc người ta nhớ đến một chiến dịch được siêu cường số 1 thế giới thực hiện hồi năm ngoái. Khi đó, Mỹ đã cung cấp vũ khí cho người Kurd ở Syria để họ chiến đấu giành lại thành phố Kobani từ tay lực lượng IS. Kết quả là nhóm nổi dậy này đã thành công trong việc đánh đuổi các chiến binh IS ra khỏi Kobani.
“Lần thả vũ khí này là nhằm tìm kiếm lại những thành công mà các lực lượng từng đạt được trong cuộc chiến quét sạch IS ra khỏi lãnh thổ Syria”, Đại tá Warren cho biết.
Mặc dù không nói ra, nhưng người ta tin rằng chiến dịch cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy Syria được Mỹ tiến hành còn là nhằm để củng cố sức mạnh cho đội quân này trước khí thế tiến quân đang ngày một mạnh mẽ của lực lượng trung thành với ông Assad. Mỹ cùng với các đồng minh Châu Âu luôn canh cánh trong lòng nỗi lo về việc chiến dịch quân sự của Nga sẽ giúp chính quyền của Tổng thống Assad đánh bại lực lượng đối lập, và củng cố ngày càng vững chắc quyền lực của họ.
EU đòi Nga ngừng chiến dịch quân sự ở Syria
Trên thực tế, chiến dịch không kích IS của Nga ở Syria đang tạo lợi thế lớn cho quân đội của ông Assad trong cuộc chiến với lực lượng nổi dậy. Dưới sự “che chở” của những cuộc không kích dồn dập từ trên không của phi đội chiến đấu cơ của Nga, quân đội Syria đã tiến từng bước vững chắc trên mặt đất, đánh chiếm trở lại nhiều khu vực lãnh thổ đã mất vào tay phe nổi dậy trước đó.
Trong những cuộc đụng độ ác liệt nhất trong nhiều tuần trở lại đây, quân chính phủ Assad đã đối đầu với phe nổi dậy ở khu vực chiến lược thuộc tỉnh miền trung Hama và Damascus đang hy vọng sẽ giành lại được khu vực đồng bằng Sahl al-Ghab.
Cuộc chiến giữa quân Assad và phe nổi dậy đang tập trung ở ngôi làng Kfar Nabudeh. Quân đội Syria tuyên bố họ đã chiếm được ngôi làng, và đang mở rộng bước tiến quân về phía Đường cao tốc then chốt nối giữa Damascus với Aleppo.
Trong khi đó, các nhà hoạt động cho hay, lực lượng nổi dậy đã đẩy lùi được cuộc tiến công của quân đội Syria. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở London miêu tả những cuộc giao tranh nói trên là “ác liệt nhất, dữ dội nhất”, kể từ khi Nga bắt đầu khai màn chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria hôm 30/9.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga vừa thông báo, các chiến đấu cơ của họ đã oanh tạc vào 53 mục tiêu ở các tỉnh Hama, Homes, Latakia và Idlib trong 24 giờ qua.
Trong khi đó, liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu cũng tiếp tục oanh kích vào các mục tiêu của nhóm khủng bố khét tiếng thế giới, phá huỷ các đơn vị chiến thuật của IS ở gần al-Hasakah và Washiya. Liên quân của Mỹ cũng đã thực hiện 18 cuộc không kích ở Iraq.
Mỹ và phương Tây luôn cáo buộc chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Syria không nhằm vào IS mà nhằm vào dân thường và lực lượng đối lập với ông Assad.
Trong một diễn biến mới nhất, Hội đồng Châu Âu hôm qua (12/10) đã ra một tuyên bố chính thức, yêu cầu Nga “ngừng ngay lập tức” các cuộc tấn công ở Syria mà họ cáo buộc là không nhằm vào IS hay các tổ chức khủng bố khác.
Phương Tây sợ nhất viễn cảnh hành động quân sự của Nga sẽ làm thay đổi cuộc chơi ở Syria, theo hướng có lợi cho chính quyền Tổng thống Assad.
Kiệt Linh theo VnMedia