Trao đổi với phóng viên đầu tuần rồi, một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết trong 4 doanh nghiệp muốn tham gia vào lĩnh vực khai thác cảng hàng không, có 3 hãng bay và một tập đoàn ngoài ngành.
Trong số này thì Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và hãng bay tư nhân Vietjet đã chính thức ngỏ lời bằng văn bản. Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cũng được lãnh đạo ngành giao thông liệt kê trong danh sách đối tác tiềm năng.
Cuộc tranh giành công khai quyền khai thác nhà ga T1 Nội Bài của hai hãng không nội - Vietnam Airlines và Vietjet Air tưởng chừng nóng nhất khi trở thành tâm điểm trên báo chí tuần qua. Tuy nhiên, một nguồn tin cao cấp từ Bộ Giao thông tiết lộ cuộc đua vào sân bay Phú Quốc cũng không kém phần căng thẳng khi đã có ít nhất hai nhà đầu tư bày tỏ nguyện vọng.
Trong đó, cái tên sáng giá lại không phải là một hãng hàng không mà là một tập đoàn tư nhân hàng đầu trong ngành bất động sản - du lịch. Doanh nghiệp này được cho là nhắm đến Phú Quốc như là một "cứ điểm" trong chiến lược phát triển khi đang đầu tư ở đây nhiều dự án nghỉ dưỡng và cả giao thông.
Việc lộ diện một loạt nhà đầu tư khi chủ trương xã hội hóa vào khai thác hạ tầng hàng không vừa được ngành giao thông công bố khoảng một tuần nay ít nhiều cho thấy sức hút rất lớn trong kinh doanh dịch vụ hàng không cũng như dự báo rằng cuộc chạy đua sẽ rất căng thẳng.
Có thông tin chắc chắn rằng một phần nhà ga T1 gần như sẽ thuộc về hãng hàng không tư nhân Vietjet Air. Vậy mà trong thông báo chính thức ý kiến kết luận cuộc họp về chủ trương này của Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa được phát đi cuối tuần trước lại chưa hề có một cái tên cụ thể nào.
Hãng hàng không tư nhân được cho là có lợi thế lớn nhờ "cất cánh trước", đề xuất mua trước. 3 tuần sau Vietnam Airlines lập tức nhảy vào cuộc đua với tinh thần sốt sắng bằng công văn đóng dấu khẩn.
Thực tế, cuộc cạnh tranh ở Nội Bài giữa hai hãng bay này đã diễn ra hơn 2 năm trước. Giai đoạn 2012-2013, Vietjet sau 3 năm ra đời bắt đầu bước vào thời kỳ tăng trưởng cao với mức 2 con số mỗi năm. Lúc này, nhà ga T1 với hai sảnh A, B như ngôi nhà quá chật với gia đình nhiều thế hệ.
Khi ga T1 được nới rộng thêm sảnh E một năm sau đó, “người em” Vietjet đành phải ra riêng về sảnh E dù rất muốn ở lại hai sảnh cũ.
Đầu năm nay, khi T2 được khánh thành và dành trọn cho hành khách quốc tế thì cũng là lúc T1 bớt chật chội. Nhưng một lần nữa, nguyện vọng quay về mái nhà xưa của Vietjet vẫn chưa thành hiện thực.
Cho nên, không khó lý giải khi Vietjet chính là đơn vị hưởng ứng sớm nhất chủ trương tư nhân hóa hạ tầng hàng không của ngành giao thông. Và do đó, Nội Bài có lẽ không phải là nơi duy nhất mà hãng bay tư nhân muốn được nhượng quyền khai thác.
Trong những thông điệp gần đây, Nhà nước luôn nhấn mạnh đến sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhất là trong tiếp cận nguồn lực như vốn, đất đai, hạ tầng.
Dù vậy, khi nhìn vào hai ứng viên này, một chuyên gia kinh tế dự đoán rằng, dù là bên nhập cuộc đầu tiên, nhưng e Vietjet khó lòng về đích trước trong cuộc đua vào Nội Bài bởi khi đối thủ lại là ông lớn Vietnam Airlines.
“Trong chiến lược phát triển với mục tiêu trở thành một hãng hàng không 5 sao, Vietnam Airlines đã xác định Nội Bài là một trong những cứ điểm quan trọng nhất. Đây sẽ là lợi thế lớn của hãng hàng không quốc gia. Nếu cuộc chạy đua là để giành quyền khai thác sân bay Vinh hay Thanh Hóa thì cơ hội có thể lớn hơn cho Vietjet”, vị này bình luận.
Tương tự, trong cuộc đua giành quyền khai thác Phú Quốc, các bên chưa lộ diện nhưng lợi thế được dự báo sẽ nghiêng về ông lớn bất động sản không chỉ bởi tên tuổi mà quan trọng hơn là ngành nghề kinh doanh chính gần với chiến lược phát triển của địa phương nơi có sân bay.
Một lãnh đạo Bộ Giao thông cho hay, đối với những sân bay không ảnh hưởng nhiều đến hoạt đồng bay dân dụng mà lại có lợi thế về du lịch như Phú Quốc thì có thể nghiên cứu “bán” 70-80%, thậm chí “bán đứt”.
Như vậy, theo những gì mà lãnh đạo ngành Giao thông công bố thì mỗi cảng hàng không mà Bộ dự kiến chào bán đều có ít nhất 2 nhà đầu tư quan tâm.
Tiến sĩ Hồ Thanh Phong (ĐH Quốc gia TP HCM) cảnh báo rằng việc thí điểm chủ trương tư nhân hóa hạ tầng hàng không phải thận trọng dù đây là điều cần làm. Ông Phong lưu ý Nhà nước cần tránh chuyện khi trao quyền cho nhà khai thác này thì hãng bay kia bị “ông chủ mới” - vốn là đối thủ cạnh tranh phân biệt đối xử hoặc gây khó dễ.
TS Nguyễn Xuân Thành (Chương trình kinh tế Fulbright) đề xuất trong trường hợp có hai nhà đầu tư cùng mua một cảng thì có thể chia sân bay đó thành nhiều phần rồi đấu giá từng vị trí một. "Nếu hai nhà đầu tư cùng là hãng hàng không thì cách làm này sẽ hạn chế chuyện hãng này gây khó dễ cho đối thủ khi nắm toàn quyền khai thác", TS Thành phân tích.
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế này còn lo ngại là tài sản Nhà nước bị bán rẻ nếu công tác định giá không được làm khoa học, minh bạch. Ông cho rằng Nhà nước cần thuê nhiều đơn vị tư vấn để tài sản công được định giá đúng hoặc ít nhất là có sự tham chiếu lẫn nhau, hạn chế thất thu cho nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Hồng Trường cho biết những phần nhượng quyền khai thác sẽ được các cơ quan chuyên môn tiến hành định giá để đảm bảo tài sản nhà nước không bị thất thoát.
“Đã có nhiều nhà đầu tư ngỏ ý nhưng Bộ chưa nghiêng về bên nào. Quy trình lựa chọn sẽ được thực hiện công khai. Nhà nước sẽ đấu thầu để vừa chọn được nhà khai thác có hiệu quả, lại vừa thu hồi vốn với giá hợp lý”, ông Trường trấn an.
Theo VnExpress