Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) đánh giá chất lượng tài sản của các ngân hàng tiếp tục suy giảm.
Cụ thể, tính đến cuối quý 2/2023, tỷ lệ nợ xấu (NPL) tiếp tục tăng lên mức 3,3% so với mức 2,9% tại cuối quý 1/2023.
Về trị tuyệt đối, tổng giá trị nợ xấu của các ngân hàng niêm yết đạt 192.000 tỉ đồng, tăng 12,7% so với quý trước và tăng 38,1% so với thời điểm đầu năm.
“Sự gia tăng nợ xấu này hệ quả tất yếu của các giai đoạn lãi suất cao cùng với tình hình kinh tế khó khăn”, Mirae Asset nhận định.
Trong nửa cuối năm 2023, nhóm phân tích dự báo xu hướng tăng của nợ xấu nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì, nhưng tốc độ tăng sẽ chậm lại.
Mirae Asset phân tích, lãi suất cho vay đã bắt đầu giảm từ giữa quý 2/2023, điều này không chỉ làm giảm sự gia tăng nợ xấu mới mà còn thúc đẩy mở rộng tín dụng, qua đó kìm hãm đà tăng của tỷ lệ nợ xấu.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng nợ xấu đã cho dấu hiệu giảm tốc, từ mức tăng 22,7% so với quý trước trong quý 1/2023 xuống chỉ còn khoảng 12% trong quý 2/2023.
Ngoài ra, tốc độ tăng nợ quá hạn (nhóm 2-5) cũng ghi nhận mức giảm mạnh, giảm từ mức 37,6% so với quý trước trong quý 1/2023 xuống 7,4% trong quý 2/2023.
Với tốc độ gia tăng nợ xấu bắt đầu giảm và lãi suất điều chỉnh, Mirae Asset kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ sớm đạt đỉnh trong giai đoạn cuối năm 2023 hay đầu năm 2024.
Ngoài rủi ro nợ xấu, ngành ngân hàng còn phải đối mặt với rủi ro liên quan đến một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn.
Thống kê của Mirae Asset cho biết, hơn 200.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đến hạn thanh toán gốc trong 6 tháng cuối năm 2023, trong khi lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 là gần 410.000 tỉ đồng (tăng 25,2% so với năm 2023).
Theo Mirae Asset, tổng giá trị trái phiếu này không quá lớn so với tổng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng (chiếm khoảng 5% tổng dư nợ), nhưng cũng không thể xem nhẹ tác động dây chuyền và các hệ quả liên quan như gia tăng nợ xấu và gánh nặng chi phí trích lập dự phòng.
Công ty chứng khoán này đánh giá, chất lượng tài sản vẫn sẽ là yếu tố chính ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong nửa sau năm 2023 và năm 2024.
Theo đó, chi phí tín dụng dự kiến sẽ tăng đáng kể do xu hướng nợ xấu tăng mạnh, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cho vay (LLR) giảm và các rủi ro liên quan liên quan đến một lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.
Ngược lại, lãi suất dự kiến giảm và tỷ giá ổn định được kỳ vọng mang lại một khoản lợi nhuận cho các ngân hàng từ các hoạt động kinh doanh ngoại hối và đầu tư trái phiếu.
“Mặc dù triển vọng đà tăng trưởng lợi nhuận so với các năm trước là khá thấp, tuy nhiên rủi ro cũng như yếu tố tiêu cực, như tốc độ gia tăng nợ xấu và áp lực chi phí huy động, đang cho thấy xu hướng ôn hòa hơn”, Mirae Asset nhận định./.