Những hy vọng từ sự đột biến trong quan hệ Cuba-Mỹ

VietTimes - Ngoại trừ những người tham gia trực tiếp vào quá trình đàm phán bí mật trong suốt 18 tháng qua, còn có lẽ ngay cả những người am hiểu về quan hệ Cuba – Mỹ chắc cũng đều bất ngờ trước tuyên bố nối lại quan hệ ngoại giao của hai nhà lãnh đạo Cuba và Mỹ ngày 17-12-2014.
Những hy vọng từ sự đột biến trong quan hệ Cuba-Mỹ

Đơn giản bởi trong suốt 53 năm qua, đã có không ít thử nghiệm nhằm làm tan băng mối quan hệ thù địch giữa hai quốc gia gần kề này nhưng đều thất bại. 

Tuyên bố này có thể coi là một trong những sự kiện quốc tế nổi bật trong năm 2014 không chỉ do tính chất đột biến mà còn do nó được công bố trong bối cảnh nhân loại đang đầy ắp lo âu bởi một loạt các vụ khủng bố xảy ra tại nhiều quốc gia, từ vụ xả súng tại trường học ở Pakistan, tới bắt cóc con tin ở Australia hay vụ sát hại hai cảnh sát ở New York .v.v. Hơn thế, tuyên bố còn thắp lên những niềm hy vọng mới.

Xét từ cả hai phía, mối quan hệ thù địch giữa Cuba và Mỹ nhẽ ra đã phải thay đổi từ lâu.

Trước hết, về phía Mỹ, tính kém hiệu quả của chính sách bao vây, cấm vận Cuba đã được giới chức Mỹ nhận thức từ thời Tổng thống Jimmy Carter. Những thay đổi to lớn trong đời sống quốc tế sau Chiến tranh lạnh khiến nước Mỹ ngày càng bị cô lập do vẫn tiếp tục duy trì chính sách này. Tại Liên Hợp quốc, số nước phản đối chính sách của Mỹ tăng dần theo từng năm, đơn cử như tại kỳ họp của Đại Hội Đồng khóa 69 năm 2014 này, có tới 188 quốc gia đã ký vào bản Nghị quyết yêu cầu Mỹ dỡ bỏ cấm vận Cuba. Điều khiến Mỹ lo ngại là trong số những nước này có không ít các đồng minh châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia. Ngoài ra, chính sách này còn khiến Mỹ gặp nhiều khó khăn trong quan hệ với các nước Mỹ Latinh, nhất là với những nước do các đảng cánh tả cầm quyền như Venezuela, Bolivia v.v. Đây lại là điều kiện không thể tốt hơn giúp các nước bên ngoài châu Mỹ đẩy mạnh xâm nhập vào Mỹ Latin, nơi luôn được coi là sân sau của Mỹ. Ngay khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama đã muốn thay đổi tình trạng trì trệ trong quan hệ với Mỹ Latin do người tiền nhiệm G. Bush để lại. Có thể thời gian sáu năm vừa qua đã giúp Tổng thống Obama hiểu rằng, sự bế tắc trong quan hệ với Cuba chính là một trong những nguyên nhân khiến mọi nỗ lực thay đổi của ông đều bất thành. Chính sách thù địch Cuba của Mỹ đã thực sự trở nên lỗi thời.

Còn từ phía Cuba, sau khi Liên Xô tan rã, đương nhiên một trong những nhiệm vụ đối ngoại hàng đầu của quốc đảo bé nhỏ này là bình thường hóa được với Mỹ. Công cuộc cải cách đang được tiến hành dưới thời chủ tịch Raul Castro lại càng đòi hỏi Cuba cần có cách tiếp cận mới trong quan hệ với Mỹ. Bài học kinh nghiệm của nhiều nước như Việt Nam, Myanmar v.v. cho thấy, Cuba chỉ có thể hội nhập quốc tế sâu rộng hơn khi những nút thắt trong quan hệ với Mỹ được cởi nới.

Những thay đổi của thế giới và châu Mỹ sau Chiến tranh lạnh, đặc biệt là sau khủng hoảng kinh tế 2008, từ những khó khăn trong mọi lĩnh vực kinh tế, an ninh, văn hóa, xã hội v.v., cho đến trào lưu hợp tác, liên kết giữa các nước, cũng đã gây sức ép rất lớn lên mối quan hệ thù địch Cuba – Mỹ.

Bất chấp những lý do nêu trên, quan hệ Cuba – Mỹ đã không thay đổi trong suốt mấy chục năm qua. Nguyên nhân chủ yếu là bởi chính sách thù địch Cuba đã trở thành tiêu chí bất biến, như một "lời nguyền của lịch sử" đối với mỗi đời tổng thống, bắt đầu từ thời Tổng thống Eisenhower cho đến thời điểm hiện tại. Với tuyên bố nối lại quan hệ với Cuba, rõ ràng Tổng thống Obama đã thoát khỏi được nỗi ám ảnh của quá khứ để có thể vượt qua “lời nguyền của lịch sử". Dù có nhiều ý kiến cho rằng hành động này của tổng thống mang nhiều toan tính cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016, nhưng bất luận thế nào thì Tuyên bố 17-12-2014 thực sự đã tạo nên đột biến trong quan hệ Cuba – Mỹ, và nó cũng cho thấy sự dũng cảm của Tổng thống Obama, giống như điều ông đã từng làm với vấn đề vũ khí hóa học của Syria hồi tháng 9 năm 2013.

Chính vì thế, cộng đồng quốc tế đang trông đợi những hiệu ứng tích cực từ sự thay đổi trong quan hệ Cuba – Mỹ.

Đương nhiên, từ việc nối lại quan hệ ngoại giao đến bình thường hóa hoàn toàn quan hệ là cả một chặng đường dài đầy khó khăn phía trước, đòi hỏi cả Mỹ lẫn Cuba, và cả những nước liên quan, phải có những nỗ lực nhiều hơn nữa. Điều này đã được kiểm chứng qua việc hai bên đã phải mất đúng một năm mới có thể đi từ cái bắt tay lịch sử giữa Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Obama (ngày 15-12-2013, trong buổi tang lễ của cố Tổng thống Nelson Mandela) đến tuyên bố 17-12-2014. Hơn nữa, chính Tuyên bố 17-12 lại đang đặt ra cho cả hai nước một thách thức không hề nhỏ, đó là sự “nghi ngại”, mà để khắc phục thì chắc chắn còn phải mất rất nhiều thời gian. Nhưng dù sao, Tuyên bố 17-12 vẫn có thể coi là điểm khởi đầu cho một quá trình giúp khép lại bộ hồ sơ dầy 53 năm.

Cũng chính vì tính chất “nan giải” của mối quan hệ Cuba – Mỹ mà chúng ta có quyền hy vọng rằng Tuyên bố 17-12 còn mở ra cơ hội để cộng đồng quốc tế có thể giải quyết những bộ hồ sơ khác, đơn cử như đối với xung đột Israel – Palestin. Chính quá trình đàm phán để đi đến Tuyên bố 17-12 đã chỉ ra rằng, hiện tại trên bán đảo Ả rập đang có không ít những điều kiện, giống như trong quan hệ Cuba – Mỹ, có thể giúp tiến trình hòa bình Trung Đông đạt được kết quả, điển hình là tâm lý chán nản cao độ của người dân từ cả hai phía trước thực trạng đối đầu. Trong bối cảnh tiến trình hòa bình Trung Đông đang hết sức bế tắc như hiện nay, điều kiện tiên quyết để hòa bình có thể xuất hiện là các nhà lãnh đạo của Israel và Palestin phải rũ bỏ được gánh nặng của quá khứ, dám chấp nhận những nhượng bộ lợi ích nhất định.

Tuyên bố 17-12 còn cho thấy, sự bế tắc tại hầu hết các điểm nóng hiện tại trên thế giới, từ cuộc khủng hoảng Ucraina đến những tranh chấp biển, đảo trên Biển Đông và Hoa Đông, hay xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan tại Kashmir v.v. là do một số bên liên quan vẫn đang giữ cách tiếp cận “truyền thống” theo kiểu “được – thua”. Không ít nhà lãnh đạo vẫn tin vào ưu thế có được từ nguồn lực vượt trội, cho dù biết cách tiếp cận này ngày càng trở nên bất cập trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, trong bối cảnh mà nhu cầu hợp tác, liên kết đang trở thành chủ đạo.

Cuối cùng, chúng ta còn hy vọng vào hệ lụy domino đến từ chính sự thay đổi trong quan hệ Cuba – Mỹ. Sự tan băng trong quan hệ song phương này chắc chắn sẽ thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh khác. Xa hơn, nó có thể khiến các mối quan hệ khác liên quan tới Mỹ và Cuba có những thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Tất nhiên, để những hy vọng này trở thành sự thật, điều đầu tiên cần có chính là nhận thức của các nhà lãnh đạo về trách nhiệm mà người dân trên Trái Đất này đang đặt lên vai họ.

TS ĐỖ SƠN HẢI