Những hình ảnh khiến người Mỹ không quên vụ 11/9

Một số hình ảnh đáng nhớ về vụ tấn công khủng bố 11/9 ở Mỹ, do trang Business Insider tập hợp...
Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) được xem là một biểu tượng của thành phố New York trong suốt nhiều thập kỷ.
Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) được xem là một biểu tượng của thành phố New York trong suốt nhiều thập kỷ.

Nhưng vào buổi sáng ngày 11/9/2001, hai chiếc máy bay do những kẻ khủng bố không chế đã đâm vào hai tòa tháp, khiến biểu tượng của New York sụp đổ trong sự bàng hoàng của cả thế giới.

Tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush được báo tin về vụ tấn công khủng bố khi ông đang tham dự sự kiện tại một trường học. Nhưng biểu hiện trên khuôn mặt người đứng đầu Nhà Trắng chưa có biểu hiện gì của sự hoảng hốt. Không ai trong Chính phủ Mỹ vào thời điểm đó biết sự việc nghiêm trọng tới mức nào.

Hai chiếc máy bay đã đâm xuyên qua hai tòa tháp đôi, gây ra một vụ cháy lớn và cuối cùng khiến khiến hai tòa tháp sụp đổ. Chiến đấu cơ được huy động, trong khi mọi chuyến bay phi quân sự trong không phận Mỹ được yêu cầu phải hạ cánh.

Hàng nghìn người bị mắc kẹt trong những tầng trên cao của tháp đôi. Nhiều người đã thiệt mạng ngay khi hai chiếc máy bay đâm vào, nhiều người khác chết trong vụ cháy sau đó, và khi tòa tháp sập xuống. Một số người chết vì nhảy ra khỏi tòa nhà để tránh lửa và khói. Tổng cộng, có 2.606 người thiệt mạng trong hai tòa tháp.

Bầu trời New York trong ngày 11/9/2001 rất trong xanh. Những cơn gió mang theo một cột khói khổng lồ bốc cao, lan khắp thành phố và cảng New York.

“Trông Manhattan như vừa chịu sức nổ của 1 triệu tấn thuốc nổ”, tiểu thuyết gia người Anh Martin Amis về sau thuật lại.

Cấu trúc của tòa tháp đôi bị hư hỏng nghiêm trọng và việc hai tòa tháp sụp xuống là điều tất yếu. Nhưng lúc đầu, không ai lường trước được việc này. Tất cả mọi người trên những con phố xung quanh WTC cùng tháo chạy trong sự hoảng loạn khi hai tòa tháp nối tiếp nhau đổ sập.

Những đám cháy đã kéo dài nhiều giờ sau đó và âm ỉ suốt nhiều ngày trong đống sắt thép và gạch vụn khổng lồ. Một phần của khu Manhattan phải đóng cửa không cho xe cộ qua lại, trừ xe tham gia cứu hộ.

Cảnh tượng khu vực xung quanh WTC cho thấy sự tàn phá khủng khiếp. Bầu không khí đặc quánh khói và bụi. Vô số xe cộ bị phá hủy bẹp dúm.

Bi kịch hiện diện khắp nơi nơi. Sở Cứu hỏa New York mất đi giáo sỹ Mychal Judge, người thiệt mạng vì bị một bức tường đổ sập vào trong khi đang thực hiện lễ rửa tội cho một nạn nhân của vụ tấn công khủng bố.

Không còn lại chút gì của vẻ đẹp rực rỡ mà tòa tháp đôi do kiến trúc sư Minoru Yamasaki thiết kế sở hữu trước đó.

Hai tòa tháp cao 110 tầng chỉ còn là một đống đổ nát khổng lồ bốc khói. Các công nhân đã phải mất nhiều tháng trời cắt rời cấu trúc thép của hai tòa tháp để vận chuyển đi.

343 lính cứu hỏa của Sở Cứu hỏa New York đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giải cứu những người mắc kẹt trong tháp đôi.

Ngay cả những người đàn ông mạnh mẽ nhất cũng òa khóc.

Trong những ngày sau đó, nhân viên cứu hộ từ các thành phố và tiểu bang lân cận cùng đổ về New York.

Thi thể các nạn nhân lần lượt được đưa ra từ đống đổ nát trong khi quốc kỳ Mỹ vẫn tung bay ở hiện trường vụ khủng bố như một bằng chứng về sự kiên cường của đất nước vừa bị tấn công.

Người thân và bạn bè đăng ảnh những người mất tích trong vụ khủng bố, với hy vọng mong manh họ sẽ trở về an toàn.

Thành phố New York dường như chưa từng bao giờ đoàn kết đến thế. Người dân xếp hàng dọc theo các con phố để chào đón lực lượng vệ binh quốc gia và các nhân viên cứu hộ khi họ mở đường vào khu Manhattan và “Khu vực số 0” - hiện trường vụ khủng bố.

Và nước Mỹ cũng thể hiện sự căm giận tột độ đối với những kẻ khủng bố. Không lâu sau đó, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ở Afghanistan.

Cuộc tấn công 11/9 không chỉ giới hạn ở New York. Lầu Năm Góc, trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ, cũng bị tấn công khiến 125 người thiệt mạng.

Quang cảnh vụ tấn công ở Lầu Năm Góc cũng đáng sợ không kém, nhưng tòa nhà chính vẫn đứng vững.

Ngày nay, một tòa tháp mới đã được xây dựng lên ở “Khu vực số 0”, cùng với một đài tưởng niệm.

Nhưng người Mỹ có lẽ sẽ mãi không bao giờ quên ngày 11/9/2001, những nạn nhân đã bỏ mạng, và việc nước Mỹ đã thay đổi như thế nào kể từ thời điểm đó.

An Huy theo VnEconomy