Những hé lộ đầu tiên về cuộc gặp cấp cao Trung - Mỹ

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên sẽ thăm Hoa Kỳ từ ngày 22 đến ngày 25/9, trước khi tới phát biểu tại kỳ họp sắp tới của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York vào ngày 28/9.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo thông tin chính thức từ cả Trung Quốc và Mỹ cũng như thông tin từ các nơi khác, Tổng thống Mỹ Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ đón tiếp các vị khách Trung Quốc tại Nhà Trắng vào ngày 25/9 với các lễ nghi cao nhất dành cho một vị nguyên thủ quốc gia. Trước đó, ông Tập Cận Bình sẽ thăm và có nhiều hoạt động ở Seattle, trung tâm công nghệ và là quê hương của nhiều tập đoàn lớn của Mỹ.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình sẽ là cơ hội để "mở rộng sự hợp tác Mỹ - Trung" và "giải quyết các bất đồng theo hướng xây dựng". Trước chuyến đi của ông Tập Cận Bình, phía Trung Quốc đã cử ông Mạnh Kiến Trụ, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì sang Washington để gặp gỡ chủ nhà chuẩn bị cho chuyến đi của nhà lãnh đạo cao nhất ở Bắc Kinh.

Qua tìm hiểu từ các phía, các nhà phân tích bước đầu đưa ra những nội dung chính mà hai ông Tập Cận Bình và Brack Obama sẽ bàn sau đây:

- Điều quan trọng nhất là hai bên sẽ bàn và đi đến được nhất trí chung về khái niệm"quan hệ nước lớn kiểu mới" do phía Trung Quốc đưa ra với dụng ý sâu xa là hai nước có thể trở thành mối quan hệ "G2", một khái niệm về hai nước lớn hay đúng hơn là "hai siêu cường" có thể phối hợp với nhau chi phối thế giới về mọi mặt như Liên Xô và Mỹ đã từng làm thời kỳ Chiến tranh lạnh và thế giới còn tồn tại hai phe.

- Một chủ đề quan trọng không kém nữa là hai bên cố đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định đầu tư song phương (BIT), qua đó cho phép doanh nghiệp của hai nước tiếp cận hơn nữa vào thị trường của nhau, cố giảm bớt phạm vi "danh sách những lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài" như ý muốn của ông Tập Cận Bình đã bàn với Nhóm định hướng cải cách của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 15/9 vừa qua nhưng đã được tiết lộ ra ngoài.

- Những động thái thể hiện sự sụt giảm nguy hiểm về nhiều mặt của nền kinh tế Trung Quốc gần đây đang đe dọa không chỉ bản thân nền kinh tế đứng thứ hai toàn cầu này mà còn gây nhiều khó khăn, lúng túng cho nhiều nước láng giềng, thậm chí cả các nước lớn và nhóm các nước lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, Nga và Liên minh châu Âu (EU).

- Một loạt những vấn để liên quan đến an ninh quốc phòng đang gây căng thẳng cho quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như có liên quan đến các bạn bè, đồng minh của Mỹ, trong đó nổi bật lên là: Trung Quốc đang ráo riết tăng cường xây dựng, bồi đắp các đảo, các bãi đá ngầm ở Biển Đông để biến những nơi đó thành căn cứ quân sự hay cơ sở phục vụ cả mục tiêu quân sự và dân sự để khi cần, Bắc Kinh có thể sử dụng để đe dọa các nước ở Đông Nam Á và cản trở con đường hàng hải từ châu Âu và Ấn Độ Dương sang châu Á - Thái Bình Dương và ngược lại. Mỹ và Trung Quốc đang cáo buộc nhau về việc thực hiện các cuộc tấn công trên mạng để đánh cắp bí mật quân sự, chính trị và khoa học - công nghệ của nhau. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản - một đồng minh của Mỹ - không hề giảm mà còn đang leo thang ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vùng Đông Bắc Á. Cũng không loại trừ nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ nêu với phía Mỹ vấn đề liên quan đến chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương là nhằm vào Trung Quốc và kìm hãm "sự phát triển bình thường" của họ nên hai bên cần phối hợp với nhau để chia sẻ ảnh hưởng ở cả khu vực rộng lớn này vì ở đây "có đủ đất" cho hai nước cùng hoạt động.

(Còn tiếp)

Hồ Đức Minh theo Báo Tin Tức