Terry F. Buss, PhD
Terry F. Buss, PhD

Giai đoạn gay cấn nhất trong cuộc chiến lật đổ Trump đã bắt đầu:

Những gì bạn cần biết về cuộc chiến luận tội Trump

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Ngày 12/11/2019, phe Dân chủ tại Hạ viện đã tiến hành phiên điều trần luận tội đầu tiên trong nỗ lực mới nhất của họ nhằm “hạ bệ” Tổng thống Donald Trump: Vụ bê bối Ukraine. Đây là nỗ lực mới nhất trong cuộc chiến không có hồi kết của phe Dân chủ chống lại Trump, diễn ra chỉ một năm trước cuộc bầu cử Tổng thống 2020. Tiến sĩ Terry Buss, Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ viết riêng cho VietTimes.

Vụ bê bối Ukraine bắt đầu như thế nào?

Ngày 25/7/2019, Trump điện đàm cho Tổng thống mới đắc cử của Ukraine, ông V. Zelensky. Trump bị cáo buộc đã gây sức ép buộc ông này phải tiến hành cuộc điều tra hình sự nhằm làm rõ cáo buộc về sự can thiệp của nguyên Phó Tổng thống Joe Biden, hiện đang là một ứng viên tranh cử Tổng thống, đối với các điều tra tham nhũng ở Ukraine có liên quan đến ông Hunter, con trai Biden.

Năm 2015, Biden đã yêu cầu Ukraine sa thải công tố viên đang điều tra các hành vi của Hunter hoặc đối diện với khả năng bị Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự, vốn nằm trong quyền kiểm soát của ông Biden.

Tại sao?

Biden bị buộc tội tìm cách che chắn cho con trai thoát khỏi nguy cơ bị truy tố. Hunter được bổ nhiệm làm thành viên hội đồng quản trị của một công ty khí đốt thiên nhiên, Tập đoàn Burisma, với mức lương 83.000 USD/tháng, cho dù anh này không hề có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực năng lượng, tài chính hay về Ukraine.

Biden khi đó là người được Obama ủy quyền quyết định về Ukraine. Khi Ukraine sa thải vị công tố viên, ông Biden sau này đã công khai khoe khoang về điều đó trong cuốn hồi kí được xuất bản và video. Việc này đã khiến bê bối Ukraine trở thành một vấn đề nóng bỏng.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng viên hàng đầu tranh cử Tổng thống 2020 của Đảng Dân chủ. Trump bị cáo buộc gây sức ép buộc Ukraine mở cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào ông Biden và con trai.
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng viên hàng đầu tranh cử Tổng thống 2020 của Đảng Dân chủ. Trump bị cáo buộc gây sức ép buộc Ukraine mở cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào ông Biden và con trai.

Phe Dân chủ buộc tội Trump đã trì hoãn khoản viện trợ quân sự trị giá 400 triệu USD cho Ukraine nhằm ép Zelensky phải đồng ý mở lại cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào Joe Biden và con trai ông này. Trump bị cáo buộc có ý định hủy hoại chiến dịch tranh cử Tổng thống của đối thủ.

Cả Zelensky và Trump đều đã bác bỏ những lời buộc tội này: viện trợ quân sự đã được cung cấp mà không kèm theo điều kiện gì và chưa có bất kỳ cuộc điều tra nào xảy ra cả.

Thêm vào đó, Ukraine bị nghi ngờ về mưu toan gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 giữa Trump và Clinton theo hướng có lợi cho bà Clinton. Chính quyền Obama và Ủy ban Quốc gia Dân chủ, do Clinton kiểm soát, dường như đã tìm cách huy động sự giúp đỡ của Ukraine nhằm ngăn chặn Trump. Trump muốn Zelensky giúp đỡ một cách bất hợp pháp nhằm xác nhận cáo buộc này. Tuy nhiên, tính chân thực của sự việc này vẫn còn mù mờ.

Chỉ có thể hiểu nỗ lực luận tội xoay quanh vấn đề Ukraine của Đảng Dân chủ trong một bối cảnh rộng lớn hơn nhiều. Nó không đơn thuần là về cuộc điện đàm của Trump với Zelensky. Thực chất đó là một nỗ lực có phối hợp nhịp nhàng của những ngươì̀ Dân chủ nhằm làm bẽ mặt và hất cẳng Trump khỏi nhiệm sở, mà trong đó, vấn đề Ukraine chỉ là động thái mới nhất.

Những người Dân chủ, một số người Cộng hòa và nhiều người dân Mỹ không thể chịu đựng Trump thêm nữa. Và những ai có quyền lực chính trị đã và đang nỗ lực bằng mọi cách có thể để giúp nước Mỹ thoát khỏi Trump.

Những người chống Trump tin rằng Trump phải bị chặn đứng

Nhiều người Mỹ và các chính trị gia khó chịu vì những lời lẽ xúc phạm mà Trump thường quăng ra. Trump gọi thị trưởng London Sadiq Khan là “nỗi ô nhục của quốc gia”, người đã “hủy hoại cả thủ đô”. Trump gọi những người nhập cư bất hợp pháp là tội phạm, kẻ hiếp dâm và khủng bố. Ông ta gọi Haiti là một “đất nước chết tiệt”.

Trump thường xuyên bị gọi là một kẻ phân biệt chủng tộc, kì thị đồng tính, kì thị nữ giới, thù ghét Hồi giáo, tên da trắng cho mình là thượng đẳng, hay tóm gọn lại là một tên Đức quốc xã.

Phong cách lãnh đạo của Trump luôn gây hỗn loạn. Trump đã sa thải hoặc khiến cho nhiều nhân viên kì cựu ra đi hơn bất kỳ đời tổng thống nào: có tới 5 Bộ trưởng An ninh nội địa đã bị thay thế. Theo viện Brookings, 80% số nhân viên cấp cao của Trump đã từ nhiệm. Trump thường sa thải nhân sự trên Twitter mà không hề có cảnh báo trước.

Các quan điểm chính sách của Trump thì thực sự là một mớ hổ lốn: ông ta thường xuyên thay đổi chính sách mà không tham vấn các cố vấn, đồng minh hay người ủng hộ. Lại một lần nữa thông qua Twitter: người Kurd ở Syria, đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS biết được mình bị Mỹ bỏ rơi qua một dòng tweet.

Trump thường hay bị các nhà tâm thần học thân Dân chủ cáo buộc bị tâm thần, trẻ con, bốc đồng và mắc chứng yêu bản thân quá mức.   

“Phong cách” và “tính cách” của Trump, đối với nhiều người là không phù hợp với những phẩm chất xuất chúng được trông đợi ở một Tổng thống. Tệ hơn nữa, chúng thường phản tác dụng và ảnh hưởng tiêu cực đến việc quản lý chính phủ và thực thi các chính sách công.

Phe Dân chủ lắng nghe điều trần luận tội.
Phe Dân chủ lắng nghe điều trần luận tội.

Trong cuốn sách “Nghệ thuật Đàm phán” (xuất bản năm 2000) của mình, Trump gọi Jerrold Nadler là “kẻ phá hoại khét tiếng nhất trong chính trị đương đại”. Nadler sau này dẫn đầu cuộc điều tra luận tội của Ủy ban Tư pháp Hạ viện nhắm vào các giao dịch của Trump với Nga.

Hành vi của Trump là không thể chấp nhận và biện hộ được. NHƯNG, đó không phải là hành vi phạm tội. Quan trọng hơn là Trump được bầu ra một cách hợp pháp bởi 63 triệu người dân Mỹ, những người tin rằng đất nước đã đi sai hướng dưới thời Barack Obama, và rằng nhiều người đã bị chính phủ của họ bỏ lại phía sau một cách bất công.

Ngay cả những người chỉ trích cũng phải thừa nhận rằng Trump chưa bao giờ tránh né về bất kỳ chính sách, quan điểm, ý định nào của ông ta hay từ bỏ việc sử dụng Twitter. Vậy nên người Mỹ đã có những gì mà họ muốn.

Báo chí đang tích cực thực thi phần của mình trong việc công kích Trump. Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy 90% các tin tức trên New York Times, Washington Post và CNN mang tính tiêu cực. Cả ba cơ quan báo chí này đều đã tuyên bố họ tham gia vào nỗ lực loại bỏ Trump. Những người ủng hộ Trump cho rằng ba năm liên tục xuất hiện trong các bản tin tiêu cực đã gây bất lợi cho Trump trong các cuộc thăm dò dư luận.Bởi vậy, với sự thù ghét Trump làm động lực, hãy xem xét những nỗ lực luận tội ông ta của Đảng Dân chủ.

Vì sao những người Dân chủ phát cuồng về việc luận tội Trump?

Những người Dân chủ, một số người Cộng hòa và những người khác, hành xử như “Phe kháng chiến”, đang đứng sau nỗ lực loại bỏ Trump.

Mục tiêu được công bố rộng rãi của họ là: làm suy yếu tính chính danh của Trump trong vai trò Tổng thống, thứ mà họ tin là đã bị lấy cắp khỏi tay người kế nhiệm Obama, bà Hillary Clinton vào năm 2016; cản trở quá trình lập pháp và triển khai chính sách công tại các tòa án luật và trên đường phố thông qua các cuộc biểu tình lớn; hạ bệ Trump bằng cách buộc ông này phải từ chức hoặc trục xuất ông ta khỏi nhiệm sở trước cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020; và hạ nhục Trump nếu ông ta tái đắc cử một nhiệm kỳ Tổng thống nữa năm 2020; còn nếu ông ta thất bại vào năm 2020 thì phải đảm bảo rằng ông ta sẽ không bao giờ trỗi dậy lần nữa bằng cách phá hủy cơ sở kinh doanh và gia đình của Trump.

Động cơ thực sự phía sau vụ Ukraine và các nỗ lực luận tội khác có liên quan đến trận thua của Hillary Clinton trước Trump trong kì bầu cử năm 2016. Kể từ cuộc bầu cử đó, Clinton, Đảng Dân chủ và một số người Cộng hòa liên tục cáo buộc rằng những hành động bất hợp pháp, bất công và lừa dối của những người khác, đặc biệt là Trump và những người ủng hộ ông ta đã dẫn đến thất bại của Clinton.

Mặc dù, những lời buộc tội này đã được chứng minh là không có cơ sở.  

Tổng thống Donald Trump, từ khi lên nhậm chức, là tâm điểm của cuộc chiến luận tội nhằm phế truất ông.
Tổng thống Donald Trump, từ khi lên nhậm chức, là tâm điểm của cuộc chiến luận tội nhằm phế truất ông.

Như một minh chứng cho ý định này, Đảng Dân chủ đã làm tất cả những việc có thể - phần nhiều là phi dân chủ - để đảm bảo rằng họ sẽ thắng bất kỳ cuộc bầu cử nào trong tương lai. Luận tội là một nỗ lực mới nhất. Nhưng, họ đang cố gắng phá hỏng cách thức mà người dân Mỹ được hiến pháp yêu cầu để bầu tổng thống (Đại cử tri); tiến hành các vụ kiện sai trái cáo buộc đảng Cộng hòa đàn áp cử tri gốc Phi; theo đuổi mọi cách để đưa thêm thẩm phán vào Tòa án Tối cao, người sẽ phê chuẩn các nỗ lực xáo trộn bầu cử của họ.

Đảng Dân chủ đã cố gắng đảo ngược kết quả bầu cử ở Michigan, Wisconsin và Pennsylvania, những nơi đã khiến bà Clinton mất ghế Tổng thống. Một số thành viên Cộng hòa bất mãn thậm chí còn cố gắng ra tranh cử chống lại Trump, hoặc quay sang ủng hộ Dân chủ.

Quan trọng hơn là, như ngôi sao mới nổi, nữ nghị sĩ Alexandra Ocasio Cortez, nay là một nhà lãnh đạo của Đảng Xã hội, gần đây đã tuyên bố trên truyền hình quốc gia những gì mà tất cả mọi người ở Washington đều biết nhưng không nói ra: Những người Dân chủ luận tội Trump bởi vì họ “cần một điều gì đó để gắn kết” đảng Dân chủ vốn đang chia rẽ - tất cả họ đều ghét Trump. Nghị sĩ Al Green cũng công khai nói rằng Đảng Dân chủ cần liên hợp lại để ngăn chặn Trump tái đắc cử bằng bất kì giá nào.

Nhưng tại sao lại luận tội Trump chỉ một năm trước cuộc bầu cử? Lẽ nào cử tri Mỹ không nên được phép quyết định họ muốn bầu ai làm Tổng thống? Rõ ràng là phe Dân chủ đang lo ngại họ không thể nào đánh bại Trump. Những ứng viên Dân chủ hàng đầu đang cổ xúy cho việc chuyển đổi hệ thống kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ theo hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong một bài diễn văn quốc gia hiếm hoi mới đây, Barack Obama đã cảnh báo Đảng Dân chủ không nên vận động tranh cử như những người theo chủ nghĩa xã hội.

Những nỗ lực trong quá khứ nhằm luận tội Trump

Đảng Dân chủ từng nỗ lực loại bỏ Trump ngay trước cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 năm 2016. MSNBC và một số báo khác từng đề xuất, bắt đầu với bản tin phát ngày 2 tháng 11 rằng Trump có thể bị loại trừ nhờ Tu chính án số 25 – điều khoản cho phép phế truất một tổng thống do không đủ năng lực tinh thần. Đề xuất này đã được lan truyền một cách nghiêm túc trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Những người Dân chủ đã không từ bỏ những nỗ lực luận tội Tổng thống trong suốt 3 năm qua. Điều này khiến cho người ta nghi ngờ về động cơ của Dân chủ trong việc luận tội vụ Ukraine. Những người ủng hộ Trump xem đây chỉ là một nỗ lực khác chống lại Trump.

Sau khi Trump đắc cử, những cuộc tuần hành đòi luận tội tổng thống đã bùng nổ khắp nước Mỹ và kéo dài trong suốt năm 2017. Cuộc biểu tình lớn nhất, Cuộc tuần hành của những người Phụ nữ, diễn ra một ngày sau khi Trump nhậm chức. Hơn 1 triệu phụ nữ đã tham gia: chủ đề là luận tội.

Toàn cảnh cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng thống Bill Clinton năm 1999 tại Thượng viện Hoa Kỳ. Nếu đề xuất luận tội Trump được thông qua, Trump sẽ trở thành Tổng thống thứ ba trong lịch sử hiện đại Hoa Kỳ bị luận tội.
Toàn cảnh cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng thống Bill Clinton năm 1999 tại Thượng viện Hoa Kỳ. Nếu đề xuất luận tội Trump được thông qua, Trump sẽ trở thành Tổng thống thứ ba trong lịch sử hiện đại Hoa Kỳ bị luận tội. 

Thượng nghị sĩ Dick Blumenthal, nổi tiếng vì tự nhận mình là cựu binh chiến tranh Việt Nam, đã khởi động tiến trình luận tội ở các tòa án, tuyên bố rằng bởi vì các quan chức nước ngoài đang ở tại khách sạn do Trump sở hữu chỉ cách Nhà Trắng vài tòa nhà, rằng Trump về thực chất đang nhận hối lộ và ban phát các đặc quyền chính trị.

Vào tháng 12 năm 2016, trước khi nhậm chức, bên lập pháp yêu cầu Trump phải bán các tài sản bất động sản khổng lồ, nhưng đề nghị này đã không được thông qua. Sau ba năm với các phiên tòa liên tiếp, không có một vụ tham nhũng nào được chứng minh.

Đáng lưu ý rằng Trump đã trả lại cho chính phủ toàn bộ khoản lương Tổng thống 400.000 USD/năm, giống như Tổng thống John Kennedy từng làm.

Đảng Dân chủ đã tiến hành hàng trăm vụ kiện chống lại Trump tại các tòa án liên bang và tiểu bang, nhiều trong số này liên quan tới việc luận tội. Vụ gần đây nhất là thuyết phục các thẩm phán liên bang và tiểu bang buộc Trump phải nộp lại toàn bộ các khoản hoàn thuế thu nhập trong suốt 10 năm qua, nhằm tìm ra một vài hành vi tham nhũng chưa được định danh.

Một số cho rằng Trump đã cố gắng hối lộ Putin để được phê duyệt một tòa chung cư ở Moscow. Tòa án tối cao Hoa Kỳ hiện đang nghe điều trần vụ thuế của Trump.

Một số người khác thì cố gắng gán các giao dịch thanh toán mà Trump đã trả cho những người tình bị cáo buộc của mình vào các nguồn tài trợ cho chiến dịch tranh cử, mặc dù Trump tự tài trợ phần lớn cho chiến dịch của mình.

Phe Dân chủ ở California thậm chí còn thông qua một đạo luật yêu cầu các ứng viên tranh cử Tổng thống phải công khai hồ sơ khai thuế của mình hoặc tên họ sẽ không xuất hiện trên các lá phiếu bầu cử. New York cũng phê chuẩn một đạo luật yêu cầu Trump phải nộp lại hồ sơ khai thuế của mình.

Những người ủng hộ Trump bác bỏ những nỗ lực này, coi đó như một “cuộc thám hiểm câu cá” mà thôi (thuật ngữ chỉ hành vi bí mật thu thập thông tin chống lại ai đó, thường do các nhà nước cảnh sát tiến hành - ND).

Tom Steyer, một tỉ phú đầu tư mạo hiểm, đang tranh cử Tổng thống chống lại Trump. Ông này đã tiêu tốn hàng triệu USD vào các bảng quảng cáo, và vận động Quốc hội kêu gọi luận tội Trump. Một cách khôn ngoan, ông này đang dùng cơ sở dữ liệu email mà mình tạo ra để cổ vũ cho chiến dịch tranh cử Tổng thống.

Maxine Waters, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện cũng xứng đáng được nhắc tên. Ba tháng sau khi đắc cử, Waters khởi động chiến dịch truyền thông trên toàn quốc kêu gọi luận tội Trump. Bà này liên tục kêu gọi các thành viên Dân chủ đối đầu với các thành viên chính quyền Trump xuất hiện tại các nhà hàng, các sự kiện thể thao, tụ họp gia đình…Bà kêu gọi những ngời Dân chủ hãy nói thẳng với các quan chức rằng họ không được chào đón ở Mỹ…

Luận điệu của Waters đã dẫn đến các vụ đụng độ bạo lực trên khắp cả nước, trong đó có vụ việc chống lại Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa và nhà Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện.

Hầu hết các ứng viên Dân chủ ra tranh cử đều thường xuyên và công khai kêu gọi luận tội Trump, đặc biệt trong các cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, một người Xã hội Chủ nghĩa, liên tục gọi Trump là “Tổng thống tham nhũng nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước này”.

Một ứng viên khác, Thượng nghị sĩ Kamala Harris, tuyên bố việc luận tội Trump là ưu tiên số một nếu bà đắc cử.

Không chỉ trong vấn đề Ukraine, kể từ tháng Tư năm 2017, phe Dân chủ đã đệ trình sáu đề xuất luận tội (Nghị sĩ Al Green là tác giả của bốn trong số đó), và bốn nghị quyết luận tội bởi những người khác. Tất cả những đề xuất này đều bị Quốc hội bác bỏ.

Cuộc điều tra thảm họa của Mueller

Cuộc điều tra của Robert Mueller, được tiến hành từ tháng Năm 2017 đến tháng Ba 2019, là nỗ lực đầu tiên nhằm luận tội Tổng thống. Cuộc điều tra là một thất bại toàn tập. Và đó là điểm mấu chốt để hiểu về cuộc luận tội xoay quanh vấn đề Ukraine lần này: phe Dân chủ không thể hứng chịu nổi một thất bại nào nữa.

Hơn nữa, những thành viên Dân chủ có liên quan đến cuộc điều tra Mueller giờ lại trở thành đối tượng điều tra của Công tố viên của Trump, ông William Barr. Những kết quả đầu tiên của cuộc điều tra của Barr sẽ sớm được công bố, tiếp đó có thể là một số vụ truy tố trong năm 2020.

Cuộc chiến giữa phe Dân chủ dẫn đầu bởi bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, ông Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện và Tổng thống Donald Trump.
Cuộc chiến giữa phe Dân chủ dẫn đầu bởi bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện, ông Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện và Tổng thống Donald Trump.

Phe Cộng hòa tin rằng phe Dân chủ đang nỗ lực luận tội Trump trước khi Barr có thể buộc tội một số người ủng hộ của họ. Hãy cân nhắc điều này…  

Một nhóm các quan chức và chính trị gia thân tả nắm quyền trong FBI, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, CIA, Cơ quan An ninh Quốc gia, Hội đồng An ninh Quốc gia đã cấu kết với nhau nhằm ngăn Trump trở thành Tổng thống, và thất bại trong việc phế truất Trump khi ông này lên nắm quyền. Nhóm này muốn Hillary Clinton trở thành Tổng thống hơn.

Những người ủng hộ Trump gọi nhóm này là “phe đảo chính”. Thông qua một loạt các hành động bí mật, bất hợp pháp và nặng tính đảng phái như: do thám, tiết lộ thông tin, phát tán các thông tin sai lệch, nói dối tại các phiên tòa liên bang và hơn thế nữa, nhóm chống đối này đang làm mọi cách để chống lại Trump.

Quan trọng hơn, Đảng Dân chủ và Clinton từng tài trợ cho một hồ sơ do một điệp viên người Anh chuẩn bị dựa trên những thông tin thêu dệt liên quan đến Nga. Hồ sơ này, sau ba năm, vẫn chưa thể chứng thực.   

Trump đã bị điều tra vì cáo buộc cấu kết với Nga và Putin để gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử 2016 chống lại Clinton (trong khi Clinton có khả năng cấu kết với Ukraine chống Trump). Phe Dân chủ đã háo hức chờ đón kết quả điều tra, thường xuyên tiết lộ những thông tin bất lợi về Trump nhằm làm bẽ mặt ông này.

Đáng ngạc nhiên thay! Mueller không tìm ra được bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Trump hay các cộng sự của ông ta đã cấu kết với Nga. Trump không phải là một điệp viên của Nga hay bù nhìn của Putin.

Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Quốc hội, Mueller cũng bỏ ngỏ khả năng Đảng Dân chủ có thể luận tội Trump vì đã cản trở các cáo buộc công lý, mặc dù Mueller đã chọn không làm như vậy. Các hành vi cản trở này bao gồm các nỗ lực của Trump nhằm ngăn chặn và phong tỏa Mueller tiến hành cuộc điều tra.

Phe Dân chủ, dẫn đầu bởi Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jerrold Nadler, đã chớp ngay cơ hội đó để tiến hành một tiến trình luận tội, không chỉ về những hành vi cản trở của Trump mà cả chuyện cấu kết với Nga. Phe Dân chủ đơn giản là không thể chấp nhận kết quả cuộc điều tra độc lập của Mueller.

Mueller đã trở thành “nhân chứng ngôi sao” chống Trump trong phiên điều trần luận tội của Nadler ngày 24 tháng 7. Màn trình diễn của Mueller không có gì phải bàn cãi là tệ chưa từng có ở Quốc hội. Ông ta không nhớ được nội dung và các kết luận trong báo cáo của mình. Hầu hết các chuyên gia đều kết luận rằng Mueller có lẽ đã không tham gia sâu vào cuộc điều tra và thậm chí có khi còn chưa đọc bản báo cáo!

Điều quan trọng nhất là, thất bại của Mueller và Nadler khiến cho phe Dân chủ cảm thấy nhu cầu cấp bách phải tìm kiếm những cách khác để luận tội Trump. Vụ Ukraine cho họ cơ hội đó.

(Trường Minh chuyển ngữ)

 Bài 2: Cuộc chiến luận tội - những chuyện chưa từng có tiền lệ