Những con số khiến chính quyền Trung Quốc đang tái mặt

Những ngày đầu tháng 3.2016 không hẳn là một thời điểm êm đềm với chính phủ Trung Quốc, khi hàng loạt các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế nước này sẽ được công bố sau 2 tháng đầu năm đầy khó khăn và bất ổn.
Những con số khiến chính quyền Trung Quốc đang tái mặt

Nền kinh tế Trung Quốc đang tiến một bước khá dài đến kịch bản về một cú “hạ cánh cứng” - thuật ngữ được các chuyên gia kinh tế sử dụng để chỉ tình trạng suy giảm tăng trưởng đột ngột ở nước này. Một loạt các chỉ số vĩ mô được chính phủ Trung Quốc công bố trong những ngày đầu tháng 3.2016 đang cho thấy nền kinh tế nước này đang xấu đi nhanh chóng hơn nhiều so với sự dự đoán của kể cả các chuyên gia.

Những tác động xấu mà tình trạng giảm tốc của nền kinh tế lên Trung Quốc dường như đang được nhân đôi bởi tác động từ tình trạng trì trệ và ảm đạm của nền kinh tế thế giới, dù rằng một trong những nguyên nhân chủ đạo của nó xuất phát từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Vì thế, các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế Trung Quốc dường như đang xấu hơn gấp đôi so với dự đoán.

Những ngày đầu tháng 3.2016 không hẳn là một thời điểm êm đềm với chính phủ Trung Quốc, khi hàng loạt các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế nước này sẽ được công bố sau 2 tháng đầu năm đầy khó khăn và bất ổn. Ngày 5.3, phát biểu trước quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố những mục tiêu trong năm 2016 của kinh tế Trung Quốc, cụ thể nước này sẽ tăng trưởng từ 6,5-7% trong năm 2016, tạo ra khoảng 10 triệu việc làm mới trong năm nay và không công bố mục tiêu về tăng trưởng thương mại. 

Bản báo cáo của ông Lý vẫn chưa kịp được làm nguội thì đến ngày 8.3, một tin tức không mấy lạc quan khác ập đến, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 2 giảm tổng cộng 25,4%, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tất cả các chỉ số kinh tế vĩ mô này đang hợp lại để trở thành một bản hòa âm không mấy tươi đẹp đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay. Nó tạo ra một cơn bão tranh luận tại Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Chẳng hạn như trong vấn đề việc làm. Theo báo cáo của ông Lý, tổng số việc làm mới mà Trung Quốc tạo ra trong năm 2016 sẽ khoảng 10 triệu, và theo một chuyên gia kinh tế có uy tín là Xiao Minjie đây là một mục tiêu khá yếu kém. 

Theo thống kê của Xiao, sẽ có khoảng 7,65 triệu sinh viên ra trường trong năm nay và một con số tương tự sẽ tốt nghiệp phổ thông và cần việc làm ngay lập tức. Như vậy, số người cần việc làm ở Trung Quốc trong năm 2016 lên tới 15 triệu, chưa kể một lượng 5-6 triệu người thất nghiệp mà chính phủ nước này tuyên bố nằm trong diện cắt giảm trong các ngành công nghiệp dư thừa cũng như trong các công ty và tập đoàn nhà nước.

Như vậy, có ít nhất là 10 triệu người sẽ lâm vào cảnh thất nghiệp thêm vào đội quân thất nghiệp ở Trung Quốc trong năm nay. Tình trạng thất nghiệp nhiều khả năng sẽ cao hơn nhiều so với con số 4,5% ở các thành thị mà ông Lý tuyên bố. Tình trạng thất nghiệp tăng mạnh cho thấy chính phủ Trung Quốc vẫn đang loay hoay trong việc giải quyết những khoảng trống do sự dư thừa công suất của các ngành công nghiệp chủ lực, nhất là sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra khỏi nước này. 

Bất kể lời nhận xét của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS), rằng dòng vốn bị rút khỏi Trung Quốc trong năm vừa qua chủ yếu do các khoản trả nợ sớm của các công ty Trung Quốc lo ngại đồng USD sẽ tăng giá, tình trạng thất nghiệp gia tăng đang là một dẫn chứng cho thấy một phần không nhỏ trong đó là vốn đầu tư nước ngoài chứ không đơn thuần là các khoản thanh toán nợ.

Sự sụt giảm mạnh mẽ của tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 2 của Trung Quốc cũng đang được xem là một biểu hiện cho các vấn đề kinh tế vĩ mô mà Trung Quốc đang gặp phải. Mức sụt giảm xuất khẩu 25,4% của Trung Quốc trong tháng 2.2016 là mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm, đồng thời cũng là tốc độ giảm mạnh nhất kể từ thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 2009. Nó cao hơn mức sụt giảm 15% mà các chuyên gia kinh tế của tờ The Wall Street Journey dự đoán và đồng thời cũng là tháng thứ 8 liên tiếp xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm.

Mức sụt giảm đáng kể trong xuất khẩu này là cực kỳ nghiêm trọng với nền kinh tế Trung Quốc. Cũng giống như năm 2009, nền kinh tế thế giới hiện đang rơi vào trì trệ và tác động tới xuất khẩu của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Nhưng nếu như vào năm 2009, Trung Quốc đã giải quyết rất tốt bài toán sụt giảm xuất khẩu này bằng cách kích cầu thị trường nội địa khi đó vẫn còn rất dồi dào, lượng hàng hóa tồn đọng do không thể xuất khẩu đã được giải quyết bởi sự gia tăng tiêu dùng của thị trường trong nước; thì giờ đây điều đó đã không còn như trước. 

Chỉ số tiêu dùng của thị trường nội địa Trung Quốc đang không tăng lên là bao, thậm chí còn có xu hướng sụt giảm do người dân tiết kiệm chi tiêu do nền kinh tế giảm tốc. Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 2 cũng giảm khoảng 13,8% và đã giảm liên tiếp trong vòng 16 thàng qua. Nó cho thấy sự sụt giảm nhu cầu sử dụng hàng hóa của thị trường nội địa Trung Quốc, đồng nghĩa với việc nếu chính phủ nước này dự định một cuộc kích cầu nội địa khác để giải quyết sự sụt giảm xuất khẩu, nhiều khả năng sẽ không có tác dụng.

Với những chỉ số vĩ mô đang xấu đi rất nhanh như thế này, có lẽ ít nhà kinh tế nào dám khẳng định kinh tế Trung Quốc có thể hoàn toàn không bị đe dọa bởi nguy cơ hạ cánh cứng. Việc con số sụt giảm xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 2 cao gần gấp đôi so với dự báo cho thấy tình hình tệ hơn dự đoán khá nhiều. 

Tại diễn đàn kinh tế thế giới Davos cách đây vài tháng, một số nhà kinh tế nổi tiếng như Joseph Stiglitz đã cho rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại nhưng về cơ bản vẫn ổn. Nhưng đó là khi một sự trì trệ mang tính toàn cầu của nền kinh tế thế giới là điều vẫn chưa rõ ràng như hiện nay. 

Với sự trì trệ của kinh tế toàn cầu hiện tại, các tác động của sự giảm tốc kinh tế của Trung Quốc với chính nước này đang được nhân đôi, trở nên khó lường hơn bao giờ hết. 

Cách đây 5-6 năm, Trung Quốc được xem là quốc gia thành công nhất trong việc xử lý các vấn đề của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2009, giờ đây Trung Quốc lại đang đối mặt với nguy cơ trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2016. Nếu điều đó xảy ra, sẽ là một bài học không thể thấm thía hơn với một kẻ ngủ quên trên thắng lợi và thành công.

Theo Một thế giới