Năm 2019 diễn ra không thực sự thuận lợi với TTCK Việt Nam dù chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 8%. Mức độ phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng nề nếu chọn sai cổ phiếu.
Trong khi nhiều Bluechips vẫn miệt mài "phá đáy" thì cũng có những tên tuổi vượt đỉnh lịch sử. Dưới đây là những cổ phiếu/nhóm ngành tăng trưởng mạnh, đem lại lợi nhuận hấp dẫn cho nhà đầu tư trong năm 2019.
Vietcombank (VCB) và BIDV (BID) vượt đỉnh lịch sử
Đà tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong năm 2019 có sự đóng góp không nhỏ từ bộ đôi cổ phiếu ngân hàng VCB và BID khi cả 2 đều xác lập những đỉnh cao mới. Kết thúc phiên giao dịch 27/12, thị giá VCB đạt 90.500 đồng/cp, tương ứng vốn hóa 335.653 tỷ đồng (14,5 tỷ USD) và thị giá BID đạt 46.200 đồng/cp, tương ứng vốn hóa 185.817 tỷ đồng (8 tỷ USD). So với thời điểm đầu năm, vốn hóa VCB tăng 69% và vốn hóa BID tăng 39%.
VCB là ngân hàng có hiệu quả hoạt động hàng đầu Việt Nam với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 17.613 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, việc ký hợp đồng độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm với FWD cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ đà tăng trưởng của cổ phiếu. Theo thỏa thuận này, VCB sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của FWD. Nhiều nguồn tin cho rằng tổng số tiền FWD chi ra để hợp tác với VCB có thể lên tới 1 tỷ USD.
Với BID, đà tăng của cổ phiếu này trong năm 2019 đến từ câu chuyện hoàn tất thương vụ bán vốn cho đối tác KEB Hana Bank của Hàn Quốc. Theo đó, KEB Hana Bank đã mua hơn 603,3 triệu cổ phiếu BID với tổng giá trị hơn 20.295 tỷ đồng (giá bình quân 33.640 đồng/cp). Sau thương vụ này, vốn điều lệ BIDV lên 40.220 tỷ đồng và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất.
Bên cạnh đó, nhiều phân tích cho rằng BIDV đang có kế hoạch phát hành tiếp 10% cho nhà đầu tư tài chính nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 65% sau 6 tháng kể từ thời điểm phát hành cho KEB Hana cũng hỗ trợ cho giá cổ phiếu.
Nhóm VinGroup tiếp đà tăng trưởng
Tiếp nối đà bứt phá mạnh trong năm 2018, nhóm VinGroup (VIC, VHM, VRE) vẫn duy trì đà tăng tích cực trong năm 2019 và là động lực quan trọng giúp thị trường tăng điểm.
Theo dữ liệu chốt phiên 27/12, cổ phiếu VIC ghi nhận mức tăng trưởng 21%, VHM tăng 17% và VRE tăng 23% so với đầu năm. Vốn hóa VinGroup, VinHomes và Vincom Retail lần lượt đạt 338.059 tỷ đồng, 283.034 tỷ đồng và 77.783 tỷ đồng, nằm trong top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán.
Trong năm qua, VinGroup tiếp tục tập trung mạnh vào lĩnh vực công nghệ, công nghiệp và những sản phẩm đầu tiên của Vinsmart, Vinfast chính thức ra đời. Không những vậy, VinGroup còn thành lập Công ty hàng không Vinpearl Air và mở trường đào tạo phi công, thợ máy với mục tiêu gia nhập thị trường hàng không trong tương lai không xa.
Ở chiều ngược lại, VinGroup đã chia tay một số mảng kinh doanh như bán lẻ (sáp nhập VinComerce vào Masan) hay giải thể mảng điện máy VinPro.
Dù vậy, nhóm cổ phiếu VinGroup vẫn thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư tổ chức. Trong năm qua, SK Group (Hàn Quốc) đã chi 1 tỷ USD mua cổ phần VinGroup. Ngoài ra, các cổ phiếu VIC, VHM, VRE đều được các quỹ ngoại như Dragon Capital, Tundra hay các nhóm quỹ ETFs tăng mạnh tỷ trọng trong danh mục.
FPT và Thế giới di động (MWG) bền bỉ bứt phá
FPT là một trong những Bluechips có đà bứt phá bền bỉ nhất năm qua với mức tăng trưởng 56%. Đà tăng mạnh của cổ phiếu đến từ hoạt động kinh doanh khả quan trong lĩnh vực công nghệ, cũng như kỳ vọng sự bứt phá trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Trong 11 tháng đầu năm, doanh thu FPT vượt ngưỡng 1 tỷ USD, đạt 24.533 tỷ đồng, tăng 19,7%; LNTT của FPT đạt 4.439 tỷ đồng, tăng 24,3% so với cùng kỳ.
Đóng góp chính vào tăng trưởng của FPT là khối Công nghệ khi ghi nhận doanh thu và LNTT đạt lần lượt 13.797 tỷ đồng và 1.895 tỷ đồng, tăng tương ứng 23% và 34,9% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu tại thị trường nước ngoài đóng góp 9.817 tỷ đồng vào doanh thu toàn khối công nghệ, tăng 31,5%; LNTT đạt 1.625 tỷ đồng, tăng 35,8%.
Ngoài yếu tố hoạt động kinh doanh, việc FPT là cái tên chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ VN Diamond Index (15%) cũng hỗ trợ tích cực cho đà tăng cổ phiếu năm qua.
Cùng với FPT, Thế giới di động (MWG) cũng là cổ phiếu có đà tăng bền bỉ trong nhiều năm qua. Tính tới hết phiên 27/12, thị giá MWG đạt 113.500 đồng/cp, tương ứng vốn hóa 50.250 tỷ đồng (2,2 tỷ USD), tăng 33% so với đầu năm.
KQKD duy trì tích cực là yếu tố hỗ trợ đà tăng của MWG trong năm qua. Tính tới hết tháng 11, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 93.086 tỷ đồng, tăng trưởng 18%; lợi nhuận sau thuế đạt 3.542 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Các sản phẩm mới của MWG như đồng hồ, laptop đều mang lại kết quả tích cực, hỗ trợ vào đà tăng trưởng của công ty trong bối cảnh mảng điện thoại, điện máy dần bão hòa. Trong khi đó, chuỗi Bách Hóa Xanh, hướng đi chủ lực của MWG trong tương lai đã mở được 938 điểm bán và mục tiêu kết thúc năm 2019 sẽ là 1.000 cửa hàng.
Cũng như FPT, câu chuyện tăng trưởng của MWG trong năm qua ngoài yếu tố KQKD còn đến từ việc chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ chỉ số VN Diamond Index (15%).
Cổ phiếu Khu công nghiệp "dậy sóng" FDI
Khu công nghiệp là một trong những nhóm cổ phiếu ấn tượng nhất thị trường với nhiều mã tăng trưởng hàng chục, thậm chí hàng trăm phần trăm trong năm qua như NTC, BCM, SIP, D2D…
Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu khu công nghiệp có nguyên nhân chủ chốt từ sự dịch chuyển của dòng vốn FDI. Những năm qua, việc gia nhập các hiệp định thương mại (CPTPP, FTA) đã giúp dòng vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung càng khiến dòng vốn có xu hướng đổ về Việt Nam mạnh hơn trước và điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.
Bên cạnh những yếu tố kể trên, môi trường vĩ mô ổn định, dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào với chi phí cạnh tranh, cơ sở hạ tầng ngày càng cải thiện, cũng như vị trí địa lý quan trọng (nằm cạnh Trung Quốc và nằm trên tuyến hàng hải sôi động bậc nhất Thế giới) cũng là lợi thế giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI.
Trong bối cảnh làn sóng đầu tư đang ngày càng dịch chuyển mạnh về Việt Nam, Bộ Chính trị đã lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về thu hút đầu tư vốn FDI. Đây sẽ là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho nhiều nhóm ngành, đặc biệt là khu công nghiệp, logistic trong trung và dài hạn.
Trong 11 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 31,8 tỷ USD, tăng 3,1% và FDI giải ngân đạt 17,69 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Cổ phiếu "họ Viettel" bứt tốc
Nhóm cổ phiếu Viettel (CTR, VGI, VTK, VTP) cũng để lại ít nhiều dấu ấn trong năm 2019. Mặc dù điều chỉnh khá mạnh trong quý 4 nhưng các cổ phiếu "họ Viettel" đều ghi nhận một năm tăng trưởng ấn tượng.
CTR của Công trình Viettel là cái tên nổi bật nhất khi tăng 2,5 lần so với đầu năm. Các cổ phiếu khác như VTP, VGI, VTK cũng tăng khá tốt với mức tăng lần lượt 25%, 87% và 38% so với năm trước.
Trong năm qua, nhìn chung các cổ phiếu "họ Viettel" đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt. Ngoài ra, các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông, logistic với tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai, trong khi số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này khá hiếm trên sàn chứng khoán đã giúp thu hút dòng tiền đầu tư mạnh mẽ.
Những năm tới đây, câu chuyện chuyển đổi số, phát triển 5G cũng như Viettel đẩy mạnh đầu tư hạ tầng viễn thông tại nhiều quốc gia trên Thế giới sẽ là yếu tố hỗ trợ cho các cổ phiếu "họ Viettel".
Nhóm BĐS tầm trung lên ngôi
Nhóm cổ phiếu BĐS sau giai đoạn trầm lắng trong năm 2018 đã trở nên khá sôi động trong năm 2019, đặc biệt tại các cổ phiếu doanh nghiệp BĐS quy mô trung bình. Những cái tên như Phát Đạt (PDR), Becamex IJC (IJC), Nam Long (NLG), Nhà Từ Liêm (NTL)…đều ghi nhận mức tăng trưởng hàng chục phần trăm, vượt xa đà tăng thị trường chung.
Theo Trí thức trẻ