Nhóm ngân hàng châu Á ra mắt hệ thống thanh toán thay thế SWIFT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các thành viên của Liên minh Thanh toán bù trừ châu Á (ACU), một khối ngân hàng trong khu vực, đã nhất trí khởi động một hệ thống thay thế cho mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT.

Iran với tư cách chủ tịch luân phiên ACU muốn thúc đẩy nỗ lực phi đô la hoá (Ảnh: Nikkei)
Iran với tư cách chủ tịch luân phiên ACU muốn thúc đẩy nỗ lực phi đô la hoá (Ảnh: Nikkei)

Tại một hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại thủ đô Tehran của Iran trong hôm thứ Tư vừa qua, các thành viên của ACU đã đạt thoả thuận về việc khởi động hệ thống tin nhắn ngân hàng riêng trong vòng một tháng, hãng tin Iran News dẫn lời một Phó Thống đốc ngân hàng trung ương Iran (CBI) cho hay.

“Các nước thành viên ACU đã quyết định có một hệ thống tuỳ chỉnh cho riêng họ, do không phải quốc gia nào cũng có thể tiếp cận SWIFT và sử dụng nó cũng có cái giá”, theo Mohsen Karimi, Phó Thống đốc CBI chịu trách nhiệm các vấn đề quốc tế.

SWIFT là tên viết tắt của Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunications. Đây là Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu – tổ chức đứng sau hầu hết các giao dịch chuyển tiền quốc tế hiện nay. SWIFT được thành lập năm 1973.

Theo ông Karimi, hệ thống tin nhắn mới sẽ đáp ứng được mọi nhu cầu thanh toán bù trừ giữa các thành viên của ACU, tổng cộng có 9 thành viên.

Động thái này cũng phù hợp với các tuyên bố gần đây từ các thành viên ACU, cho biết họ muốn tham gia vào nỗ lực quốc tế và khu vực để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại quốc tế, một quá trình được gọi là phi đô la hoá.

Theo một tiết lộ gần đây từ Bộ trưởng Kinh tế của Iran, chỉ chưa đến 10% thương mại quốc tế của Cộng hòa Hồi giáo được thực hiện bằng đồng USD, giảm mạnh so với mức 30% hai năm trước.

Các quốc gia như Ấn Độ và Iran, hai thành viên quan trọng của ACU, đã thúc đẩy các nỗ lực phi đô la hoá trong hoạt động ngoại thương của họ, đặc biệt là kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát vào đầu năm 2022, khiến Nga bị loại khỏi SWIFT.

Thống đốc CBI Mohammad Rezza Farzin, người bắt đầu giữ chức chủ tịch luân phiên của ACU trong buổi họp hôm thứ Tư, cho biết khối này sẽ tìm cách thu nạp thêm các thành viên mới và đa dạng hoá giỏ tiền tệ mà họ chấp nhận để thanh toán, từ đó tăng cường chiến dịch phi đô la hoá.

Belarus và Mauritius đã đệ đơn xin gia nhập ACU nhân hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Tehran, nơi mà các chủ ngân hàng hàng đầu đến từ các nước không phải thành viên như Nga cũng xuất hiện.

Hệ thống tin nhắn tài chính của Nga (SPFS)

Mỹ và các đồng minh phương Tây đã tuyên bố sẽ ngắt kết nối một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT vào tháng 2/2022. Đây được coi là một “vũ khí hạt nhân tài chính” có sức ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế Nga.

Trước tình hình đó, ngân hàng trung ương Nga đã đẩy mạnh phát triển một hệ thống riêng, thường gọi là SPFS.

Giao dịch đầu tiên trên mạng lưới SPFS được thực hiện vào tháng 12/2017. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của SPFS vẫn được cho là còn khá khiêm tốn. Tính đến cuối năm 2020, hệ thống này mới chỉ có 400 định chế tài chính từ 23 quốc gia tham gia, trong khi SWIFT có sự kết nối với hơn 11.000 định chế tài chính ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nga cũng tìm cách mở rộng sự kết nối của SPFS đối với hệ thống thanh toán toàn cầu.

Theo tờ The Economic Times, năm 2019, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã thực hiện nghiên cứu giải pháp thay thế cho cơ chế thanh toán SWIFT.

Cụ thể, hệ thống SPFS của Nga sẽ được kết nối với hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới CIPS (Cross-Border Inter-Bank Payments System) của Trung Quốc. Mặc dù Ấn Độ chưa có hệ thống nhắn tin tài chính trong nước, nhưng nước này có kế hoạch liên kết nền tảng của NHTƯ Nga với một dịch vụ đang được phát triển, nguồn tin nói với The Economic Times.

Tờ Deccan Herald đăng tải bài viết của Megha Pardhi – nhà phân tích của Chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại viện Takshashila, nói rằng việc bị loại khỏi SWIFT có thể khiến Bắc Kinh và Matxcơva đẩy nhanh việc phát triển các hệ thống thanh toán riêng.

Mặc dù SPFS và CIPS đều đang trong giai đoạn phát triển và chưa được chấp nhận rộng rãi như SWIFT, “nhưng điều đó cho thấy Matxcơva và Bắc Kinh thừa nhận sự cần thiết phải hợp tác với nhau trong bối cảnh có thể bị loại ra khỏi hệ thống tài chính quốc tế”.

Theo Iran News Daily