Dựa theo mục đích sử dụng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, TS. Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phân tích các nhóm hàng nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc.
Cụ thể, các nhóm hàng nhập khẩu được phân chia thành hàng tiêu dùng, hàng trung gian và tư liệu sản xuất. Hiện có tới 95% nguyên vật liệu sản xuất được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Việt Nam đang là thị trường tiêu thụ của Trung Quốc?
Theo TS. Khôi, quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc chịu tác động hai chiều. Trường hợp nhập khẩu hàng hóa để phục vụ sản xuất trong nước cho xuất khẩu, khi đồng NDT phá giá, thì giá hàng nhập khẩu sẽ rẻ đi và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nhóm hàng sản xuất của hàng xuất khẩu.
Còn trong trường hợp hàng nhập khẩu phục vụ cho tiêu dùng sản xuất trong nước thì đây sẽ là “mối nguy” cho DN nội địa. Cũng bởi, nhập khẩu nhiều để tiêu dùng trong nước thì sẽ cạnh tranh với sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, phân tích cụ thể cơ cấu hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, TS. Khôi chỉ ra: Có đến 37,2% nhập khẩu để làm hàng tiêu dùng tư nhân trong nước; khoảng 32,2% cho tích lũy vốn; và chỉ 28,5% sản xuất hàng xuất khẩu; trên 2% cho tiêu dùng chính phủ.
“Từ kết cấu trên cho thấy phần nhập hàng từ Trung Quốc vào tiêu dùng trong nước rất nhiều. Vô hình chung Việt Nam đang biến thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của Trung Quốc” – TS. Khôi nói.
Như vậy, nhóm hàng trung gian là yếu tố chủ yếu gây ra nhập siêu cao từ Trung Quốc và kéo dài trong suốt nhiều năm qua khi chiếm tới 70%. Chiếm tỷ trọng lớn trong đó là hàng bán thành phẩm chiếm 41%; linh phụ kiện chiếm 29%.
Cải thiện sức khỏe DN
TS. Khôi nhận định: Nhóm hàng bán thành phẩm chiếm tỷ lệ rất là cao. Phần lớn đều là hàng hóa chỉ qua công đoạn sơ chế rất đơn giản để thành sản phẩm hoàn chỉnh và tiêu thụ tại thị trường.
Còn xét về trình độ mặt hàng thì hàng công nghiệp, TS. Khôi cho rằng đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng nhập siêu cao trầm trọng từ Trung Quốc. Trong đó, chủ yếu là máy móc thiết bị, hàng hóa có trình độ trung bình và thấp.
“Nếu chúng ta nhập máy móc thiết bị có trình độ trung bình để sản xuất ra những mặt hàng, sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc thì đây là điều đáng lo cho DN Việt Nam” - TS. Khôi bày tỏ quan điểm.
Hiện nay Việt Nam đang xuất siêu sang Mỹ, EU, Nhật Bản, nhưng lại nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, và ASEAN 5. Trong khi nhóm hàng trung gian mang lại giá trị gia tăng cao nhất thì lại nhập siêu, nên giá trị gia tăng mang lại cho DN Việt Nam không lớn.
Dẫn chứng, những ngành mang lại ngoại tệ lớn cho Việt Nam như máy tính, thì hiệu quả tối ưu cũng chỉ chiếm dưới 40%; thậm chí có nhiều ngành dưới 30%. Theo TS. Khôi nguyên nhân gây ra hiệu quả thấp cho DN là môi trường kinh doanh, yếu tố nội tại và trình độ quản trị DN.
Do đó, TS. Khôi cho rằng cần phải có trợ giúp tín dụng cho DN để nhập khẩu hàng máy móc thiết bị hiện đại từ những nước công nghệ nguồn, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh chính sách thúc đẩy ngành mũi nhọn, cũng cần xác định ngành nào có tác động lan tỏa mạnh nhất để phát triển, đầu tư cho ngành. Nền kinh tế cũng có nhiều ngành có hệ số kích thích nhập khẩu cao, nên cần cải cách DN để ngành hoạt động hiệu quả hơn, giảm nhập khẩu.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của DN, hạn chế giảm tiêu hao nhiên vật liệu đầu vào; phát triển công nghiệp phụ trợ; vùng nguyên liệu; có chính sách chủ động khi tham gia hội nhập; kêu gọi đầu tư vào những ngành Việt Nam không có khả năng đầu tư…
Theo Trí thức trẻ