NHNN bơm vào 4.000 tỷ đồng và chính thức tiếp quản OceanBank

Sáng 8/5, Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố chuyển đổi mô hình hoạt động Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) thành Ngân hàng TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Ban lãnh đạo mới của OceanBank.
Ban lãnh đạo mới của OceanBank.

Theo đó, ban Hội đồng quản trí (HĐQT), ban lãnh đạo và ban kiểm soát chủ yếu là người của Vietinbank nắm giữ. Theo đó, chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), thành viên HĐTV, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc đều là người của Vietinbank điều sang.

Cụ thể, ông Đỗ Thanh Sơn, giữ chức chủ tịch HĐTV Oceanbank, thời hạn 5 năm từ ngày được bổ nhiệm. Trước đây là giám đốc chi nhánh 11 Vietinbank tại TP.HCM.

Ông Ngô Anh Tuấn, là thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc OceanBank. Ông Tuấn nguyên là phó phòng chế độ tín dụng Vietinbank.

Ông Bùi Văn Hải là trưởng ban kiểm soát OceanBank. Ông Hải trước đây đã giữ chức này khi OceanBank là NHTM cổ phần.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, cho biết thời gian qua OceanBank đã bộc lộ những yếu kém có cả những sai phạm. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015, các cổ đông đã không thông qua được phương án tăng vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Do đó, để chủ động trong việc tái cơ cấu OceanBank, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền tại ngân hàng này, tránh tác động lây lan gây mất ổn định hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua toàn bộ cổ phần bắt buộc của OceanBank với giá 0 đồng/cổ phần theo quy định tại Luật các TCTD, Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tưởng Chính phủ hướng dẫn về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD bị kiểm soát đặc biệt và trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của OceanBank. Đồng thời Ngân hàng Nhà nước chỉ định Vietinbank tham gia quản trị, điều hành OceanBank.

Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Vietinbank đang khẩn trương hoàn thiện phương án tái cơ cấu OceanBank với định hướng khắc phục, xử lý những tồn tại, yếu kém, sai phạm, củng cố lại công tác quản trị, điều hành và đưa ngân hàng vào hoạt động bình thường, tiếp tục phát triển bền vững hơn.

Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, Ngân hàng Đại Dương sẽ được NHNN “bơm” số vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng.

Theo Bizlive